Tri ân, chăm lo người có công

Cập nhật, 06:52, Thứ Tư, 27/07/2016 (GMT+7)

Cùng với cả nước, hơn 16.000 người con của quê hương Vĩnh Long đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường của đất nước, hàng vạn người suốt đời mang theo những thương tật chiến tranh. Đặc biệt, Vĩnh Long có 2.799 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 265 mẹ còn sống.

Thể hiện lòng tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh cho quê hương, đất nước hôm nay, toàn tỉnh đã nỗ lực chăm lo từ vật chất đến tinh thần cho các gia đình chính sách và người có công.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu tặng quà, ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên gia đình gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng... Ảnh: KHÁNH DUY
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu tặng quà, ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên gia đình gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng... Ảnh: KHÁNH DUY

 Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng

Các Mẹ Việt Nam anh hùng không chỉ được Nhà nước quan tâm chăn lo, mà nhiều cơ quan đơn vị trong tỉnh còn nhận phụng dưỡng suốt đời các mẹ bằng việc thường xuyên thăm hỏi khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau.

Đây là sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội cùng với Đảng, Nhà nước, phần nào động viên, an ủi giúp các mẹ vui khỏe sau những mất mát, hy sinh.

Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khéo (82 tuổi, ấp Rạch Ngây, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) đang sống cùng con trai thứ 3 Đinh Văn Diệp và các cháu.

Chồng mẹ là liệt sĩ Đinh Văn Chẩn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và con trai thứ 4 Đinh Văn Nghiệp hy sinh tại mặt trận Campuchia.

Nhắc lại ký ức đau thương “tiễn chồng con đi kháng chiến” mẹ không khỏi xúc động. Chồng hy sinh lúc mẹ vừa tròn 30 tuổi, mẹ một mình nén đau thương, cố gắng bươn chải lo nuôi 5 con thơ được no lòng, ấm dạ.

Con trai thứ 4 của mẹ tham gia chống Mỹ, khi hòa bình thì anh đi nghĩa vụ rồi hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Mẹ kể: “Thời đó, đường sá đi lại khó khăn. Ngày mẹ đi thăm con thì được nhận tin con hy sinh, giấy báo tử chưa kịp về tới nhà. Trước đó, mẹ thấy bộ đội đi dập dìu. Nhưng bộ đội đi qua tua rồi mà mẹ vẫn không thấy con mình đâu… Nghe tin mẹ chỉ biết la trời”.

Sau đó, con trai mẹ được đưa về Nghĩa trang huyện Tịnh Biên. Song, chẳng may cán bộ phụ trách đưa hài cốt liệt sĩ ở đó qua đời nên con mẹ lại trở thành liệt sĩ vô danh.

Tháng 8/2014, mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây được xem là nguồn an ủi, động viên đồng thời là sự tri ân và tôn vinh của Tổ quốc đối với công lao trời biển, sự hy sinh to lớn của các mẹ; giúp các mẹ ấm lòng và có thêm nghị lực, niềm tin để vui sống.

Hôm chúng tôi đến nhà, mẹ Khéo rất vui vì con trai thứ 3 Đinh Văn Diệp là một trong 3 người có công tiêu biểu của tỉnh được tham dự hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016.

Mẹ nói, cùng với các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, thì sự thăm hỏi, chăm lo thiết thực về mặt vật chất, tinh thần từ tập thể Báo Vĩnh Long- đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời- cũng phần nào giúp mẹ vơi bớt nỗi đau mất mát, hy sinh; yên tâm sống vui, sống khỏe bên con cháu.

Còn Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tám (94 tuổi, ấp Sóc Ruộng, xã Loan Mỹ- Tam Bình) kể, ngoài trợ cấp hàng tháng, lễ tết nào cũng có lãnh đạo huyện, tỉnh đến thăm và tặng quà, hỗ trợ sửa chữa nhà, rồi lúc bệnh thì cũng được quan tâm chăm sóc. Phần mộ của các con được an táng tươm tất tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Xuân.

Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khéo hạnh phúc bên con cháu. Ảnh: THÚY QUYÊN
Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khéo hạnh phúc bên con cháu. Ảnh: THÚY QUYÊN

Uống nước nhớ nguồn

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự yêu thương, kính trọng của người thân và xã hội đã giúp những gia đình người có công vươn lên xây dựng kinh tế, đóng góp cho xã hội.

Những năm qua, người có công còn được ưu tiên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, để trồng trọt, chăn nuôi phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn, đối tượng tuyển sinh các lớp dạy nghề do các hội đoàn thể tổ chức bao giờ cũng ưu tiên cho con, em liệt sĩ, thương binh, người có công.

Bên cạnh đó, công tác chăm lo nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng cũng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương và cộng đồng xã hội quan tâm thực hiện.

Vừa là vợ liệt sĩ, vừa là thương binh hạng 4/4, và là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, mặc dù không con cái nhưng nhiều năm nay bà Mai Thị Đào (xã Tân Hạnh- Long Hồ) vẫn thấy ấm lòng vì luôn nhận được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước.

Mới đây, năm 2015, bà còn được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa ấm áp nghĩa tình thay cho căn nhà đã cũ kỹ, xuống cấp.

Đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm của riêng Đảng, Nhà nước, chính quyền, đoàn thể mà là của toàn xã hội.

Sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách vừa phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, vừa góp phần chia sẻ, động viên, tạo thêm động lực để các gia đình vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống.

Tại hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa để chăm lo cho gia đình chính sách, có công với đất nước.

Đồng thời, mong muốn những gia đình có công phát huy phẩm chất cách mạng để trở thành tấm gương sáng cho thế hệ con, cháu noi theo.

Tính đến hết quý II/2016, tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số 5.307 căn, đạt tỷ lệ 100% so với số lượng thực tế cần hỗ trợ.

THÚY QUYÊN