Tượng đài bất tử

Cập nhật, 06:06, Thứ Ba, 15/03/2016 (GMT+7)

Có một đám giỗ được tổ chức cùng một ngày ở nhiều gia đình, nhiều vùng quê khác nhau trong suốt 28 năm qua. 64 cái tên được gọi lên trong khói hương nghi ngút ngày này là 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù ở bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) trong buổi sáng 14/3/1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Có một lớp học mang tên Gạc Ma ở ngay TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tưởng niệm 28 năm sự kiện Gạc Ma. Các học sinh lớp 10 Gạc Ma Trường THPT Nhân Việt viết nên những lời tri ân xúc động đối với các anh hùng đã vì “Tổ quốc quên thân”.

Có một điều đã trở thành tập quán tâm linh của những người đi biển đó là mỗi khi tàu đi ngang qua vùng “tam giác đảo” Gac Ma- Cô Lin và Len Đao đều dừng lại ở “Nghĩa trang giữa trùng dương” để tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân đã hy sinh bảo vệ đảo.

Cách đây 28 năm, ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì nhiều tàu chiến Trung Quốc ngang ngược lao đến dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin). Quân Trung Quốc sau đó đổ bộ lên đảo Gạc Ma, nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào bộ đội.

64 chiến sĩ đã hy sinh, từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma. Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đã bảo vệ được Cô Lin và Len Đao đến ngày nay.

Dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục, dù phải hy sinh thân mình cũng thề bảo vệ sự toàn vẹn non sông. Các anh đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc. 90 triệu dân Việt Nam chưa bao giờ thôi khắc khoải nhớ về các anh.

Người Việt Nam hôm nay và mai sau không bao giờ được phép quên rằng quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma và những Chữ Thập, Châu Viên,... là một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn còn bị quân đội nước ngoài chiếm đóng trái phép. 10 năm, 20 năm hoặc cũng có thể còn lâu hơn nữa, nhưng chắc chắn, sẽ có ngày những phần lãnh thổ thiêng liêng này sẽ trở về với Việt Nam đất mẹ thân yêu. 

HOÀNG HÀ