Hạn, mặn gây khó

Cập nhật, 07:33, Thứ Tư, 16/03/2016 (GMT+7)

 

Người dân Thanh Bình lo lắng cho vườn bưởi khi xâm nhập mặn kéo dài.
Người dân Thanh Bình lo lắng cho vườn bưởi khi xâm nhập mặn kéo dài.

2 xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên phải hứng chịu ảnh hưởng của nắng hạn và nước mặn xâm nhập nặng nề nhất từ trước đến nay là Thanh Bình (Vũng Liêm) và Tích Thiện (Trà Ôn).

Chính quyền và người dân 2 địa phương này rất lo lắng, thiên tai hạn, mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và thu nhập chính của bà con. Và liệu rằng, năm sau rồi năm sau nữa mức độ thiệt hại và nguồn thu nhập của bà con những nơi này sẽ như thế nào?

Đe dọa thu nhập Thanh Bình

Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng hơn tuần nay, nắng hạn và nước mặn xâm nhập đã gây cho người dân 2 xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện (liền kề) gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Hàng ngàn người dân phải sử dụng nước với nồng độ mặn cao, nhiều diện tích vườn cây ăn trái không có nước tưới.

Đợt mặn xâm nhập lần này nồng độ không cao so với đợt Tết Nguyên đán vừa qua, nhưng thời gian lại kéo dài hơn. Độ mặn đo được ở trạm cấp nước xã Thanh Bình có ngày lên đến 5‰. Việc sinh hoạt, ăn uống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Tại xã Thanh Bình, ngoài khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, gần 1.000ha vườn cây ăn trái đặc sản gồm sầu riêng và bưởi da xanh, bưởi Năm Roi bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Nhiều vườn sầu riêng đã có hiện tượng cháy lá và một số đã có dấu hiệu rụng bông.

Một số người dân trồng sầu riêng ở xã Thanh Bình cho biết: “Hiện cây đã tới đợt rải phân, nước mặn quá nên đâu ai dám rải. Sầu riêng ra bông cho trái nay được gần 2 tháng rồi, đang lúc tạo cơm mà không rải phân được nên trái đâu có lớn. Hơn nữa, nắng quá mà không tưới được sẽ teo trái hoặc méo mó, năng suất cũng giảm theo”.

Ông Điều Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã, Phó BCĐ Xây dựng NTM xã Thanh Bình- nói về thực trạng nước mặn lên ảnh hưởng đến sản xuất của bà con trong xã:

“Mặc dù UBND xã luôn quan tâm chỉ đạo cán bộ ấp và bà con cho đóng hết cống lại nhưng do mực nước bên ngoài khá cao, bờ bao đất xốp nên mội đáy vẫn liên tục ngấm vô, trong mương vườn nước vẫn lợ lợ.

Do vậy, chúng tôi cho thông tin yêu cầu bà con phải ngưng tưới. Mà không tưới được trong nhiều ngày thì sầu riêng sẽ rụng bông, teo trái, bưởi cũng vậy”- ông Điều Hữu Phước phân tích.

Tích Thiện âu lo

Ở huyện Trà Ôn, do nắng hạn, mặn xâm nhập liên tục ở mức cao nên nhiều xã của huyện không thể mở cống cho nước vào.

Hiện nay phần lớn lượng nước dự trữ trên các kinh mương nội đồng ở các xã Tích Thiện, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân đang trong tình trạng khô cạn, gây khó cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân.

Tại xã NTM Tích Thiện, hiện có 100ha lúa bị nhiễm mặn. Trong đó, đợt xâm nhập mặn vào thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân khá bất ngờ đã làm nhiều diện tích lúa nơi đây bị chết phải sạ lại.

Điều đáng nói là khi sạ lại rồi lúa vẫn không sống nổi do đất còn nhiễm mặn và cũng chưa có nước ngọt để nông dân bơm tát lên để cứu lúa. Không chỉ có lúa mà nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái ven sông rạch thuộc các xã nói trên cũng đang trong tình trạng kém phát triển, giảm năng suất vì thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Ngày thủy triều lên cao đỉnh điểm của con nước đầu tháng 2 âm lịch, độ mặn tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện) lên đến 8‰, người dân đang khốn đốn vì lo sợ mất mùa mất thu nhập, thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất, đời sống sẽ rất khó khăn trong thời gian tới.

Nỗi lo này được người dân ở xã NTM Tích Thiện chia sẻ: “Bà con nông dân ở xã Tích Thiện này đang khổ. Nhiều người thu nhập chủ yếu trông cậy vào lúa nhưng đã thất trắng, rồi sạ lại cũng chết hết trơn. Bây giờ nếu không được hỗ trợ, thì không còn giống để sạ lại”.

Anh Phạm Hoàng Nhã- người dân xã Tích Thiện- cũng bức xúc: “Tôi trồng được 3 công mít. Nhưng hiện giờ thiệt hại khoảng 50%, do nước mặn vào làm cho mít vàng lá hết. Mình hổng biết xử lý thế nào, để vậy cũng thấy sốt ruột quá trời!”

Nông dân Trần Minh Trí cũng cho biết: “Bà con nông dân ở đây bây giờ bị thiệt hại nhiều lắm, điển hình như đám hành của tôi lỗ trên dưới 10 triệu là biết chắc, vì nắng này mà không có nước tưới, hành mỗi ngày một héo khô”.

Mặc dù cách xa vàm Tân Dinh về đầu nguồn gần 10 cây số, nhưng xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) cũng chịu ảnh hưởng không kém. Toàn xã này có hơn 1.000ha đất canh tác lúa và màu, trong đó có đến 70% nguy cơ thiếu nước tưới. Con số bị thiệt hại do hạn, mặn cũng đang tăng lên từng ngày.

Thống kê sơ bộ bước đầu, toàn huyện Trà Ôn có trên 200ha lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tập trung tại xã NTM Tích Thiện và xã Vĩnh Xuân. Nhiều diện tích màu và cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng.

Nếu tình hình xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài thì toàn huyện Trà Ôn có khoảng 4.000ha lúa, hoa màu thiếu nước tưới, khoảng hơn 9.000ha đất nông nghiệp có nguy cơ bị nhiễm mặn.

Ứng phó trước tình hình này, ông Trương Kế Truyền- Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, đặc biệt là bộ phận thủy nông thường xuyên bám cơ sở theo dõi độ mặn tại những nơi xung yếu để qua đó thông tin tuyên truyền cho bà con các địa phương- nơi bị nhiễm mặn biết cách ứng phó thích hợp.

Song song, các xã tiến hành đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi theo kế hoạch trong chiến dịch mùa khô, tập trung các nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi của huyện để gia cố lại các mặt bộng cùng xã hội hóa chăm lo các công trình đảm bảo phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, các công trình có vốn đầu tư lớn phải cần sự hỗ trợ của Nhà nước, cấp trên, mới đảm bảo cho sản xuất, ổn định thu nhập của người dân.

Trước tình hình hạn, mặn xâm nhập sâu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và thu nhập của nhiều hộ dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân nông thôn, nhất là bà con tại các xã NTM Thanh Bình, Tích Thiện thấp thỏm âu lo.

Bởi một khi sản xuất nông nghiệp không duy trì và phát triển được chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của người dân. Chẳng những tiêu chí thu nhập không đạt được mà các tiêu chí khác cũng ảnh hưởng theo, hộ nghèo tiếp tục tăng lên và mục tiêu xây dựng, giữ vững xã NTM cũng khó có thể đạt được.

 

5 năm nữa xã được công nhận NTM phải đạt mặt bằng tiêu chí thu nhập của năm 2020. Các xã đã được công nhận NTM giai đoạn 2011- 2015, muốn được tái công nhận xã NTM vào năm 2020 phải đạt mức thu nhập cao hơn nhiều so với hiện nay.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT