Cần tiếp sức cho lớp thị dân mới

Cập nhật, 07:39, Chủ Nhật, 31/08/2014 (GMT+7)

Đến cuối năm nay, giai đoạn 2 của chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ sẽ khép lại. Theo BCĐ tỉnh, Vĩnh Long đã hiện tương đối hoàn chỉnh, các cụm- tuyến dân cư mang diện mạo của một đô thị mới đã được hình thành. Cuộc sống của người dân nơi đây đã dần ổn định hơn, tuy nhiên cần trợ lực người dân có kế mưu sinh tại nơi ở mới.


Những ngôi nhà mới khang trang thi nhau mọc lên ở Cụm dân cư Phường 9.

Đã an cư

Mỗi gia đình sinh sống tại cụm- tuyến dân cư vượt lũ là một hoàn cảnh khác nhau. Ai cũng mang trong lòng gánh lo về nhà ở. Bởi người thì không có nhà, không có đất, phải làm thuê, làm mướn đấp đổi qua ngày. Người thì nhà chỉ là những căn chòi tạm, khó chống chọi qua những cơn giông bão.

Người thì có nhà nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm, hàng ngày sống thấp thỏm trên “miệng hà bá”,... Sau khi được cấp nền nhà, được hỗ trợ tiền cất nhà, không ai giấu được vẻ phấn khởi khi được sống trong những căn nhà mới khang trang, sạch đẹp hơn.

Với áp lực thời gian hoàn thành các mục tiêu của chương trình vào cuối năm nay, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt tỷ lệ đưa dân vào ở từ 90- 95%, tăng khoảng 30% so với thời điểm hiện tại. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh dự kiến phê duyệt danh sách, giao nền cho 293 hộ dân còn lại vào cuối quý III/2014 và vận động nhân dân xây dựng 626 căn nhà trong các cụm- tuyến vào cuối năm.
 Được cấp nền nhà, chị Nguyễn Thị Yến- Khu vượt lũ Phường 9 phấn khởi: “Vợ chồng mình rất mừng. Được Nhà nước quan tâm, giờ gia đình đã có nhà mới tại khu vượt lũ khang trang. Thiệt lúc trước nằm mơ cũng không ngờ có được nhà như vầy. Nhờ đó mà vợ chồng tôi an tâm đi làm để lo cho con cái”.

Về đây hơn 1 năm, chị Trần Thị Cẩm Thúy- Cụm dân cư Phường 9 chia sẻ: “Tôi thấy sống ở đây vui hơn, hàng xóm cũng vui vẻ, dễ hòa đồng; vệ sinh, an ninh cũng đảm bảo. Buổi sáng với chiều tối người dân ở đây đi bộ, tập thể dục, trẻ em thì vui đùa, nhộn nhịp hẳn lên”.

Có lẽ đó chỉ mới là niềm vui an cư, bởi theo chị Trần Thị Mãi- Cụm dân cư Phường 9, chia sẻ: “Sống ở đây hơn 1 năm rồi, cuộc sống ổn định hơn. Tui chỉ mong sao cho có mở lớp dạy nghề may, đan để có thêm thu nhập nuôi 2 đứa con ăn học”.

Chở “cái chợ nhỏ” trên chiếc xe đạp cọc cạch, chị Nguyễn Thị Hiền- Cụm dân cư Phường 9, vui vẻ nói: “Lúc trước cả nhà 7 người sống trong phòng trọ nhỏ, nhờ được cấp nền nhà mà giờ bớt lo hơn. Về đây không có việc gì làm, cuộc sống càng khó khăn hơn nên tôi lấy rau cải, cá mắm về bán cho bà con trong khu này. Sau một thời gian, có nhiều mối quen nên thu nhập đỡ hơn”.


Công viên Cụm dân cư Phường 8 từ 5 giờ chiều đã có trẻ em đến vui chơi.

Tiếp sức cho lớp thị dân mới

Có thể nói, cuộc sống tại các cụm- tuyến dân cư dần hình thành nên lớp thị dân mới. Tuy nhiên, từ những khó khăn cố hữu, nhiều người đã nhận đất, cất nhà nhưng lại có xu hướng tìm lại nơi ở cũ để làm ăn, sinh sống. Điều này lý giải cho tiến độ đưa dân vào ở tại các cụm- tuyến dân cư đến nay vẫn còn khá chậm.

Số liệu của BCĐ tỉnh, hiện toàn tỉnh đã hoàn thành tôn nền, xây dựng hạ tầng thiết yếu 12/12 cụm- tuyến, nhưng số hộ nhận nền, xây dựng nhà ở chỉ đạt 73% (1.724 hộ trong tổng số 2.350 hộ của chương trình).

Một trong những nguyên nhân chủ yếu được xác định là tâm lý người dân còn ngại vào cụm- tuyến dân cư vì xa nơi ở cũ mà họ đã quen sinh sống. Trong khi điều kiện tìm kiếm việc làm tại nơi ở mới còn nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, nhiều hộ sau khi vào cụm- tuyến dân cư thì vẫn còn nền nhà trên đất cũ (tháo dỡ phần nhà sàn trên sông) nên vẫn bám trụ lại hay tận dụng phần đất này để tiếp tục sinh sống.


Cuộc sống người dân thuận tiện hơn với “chợ di động”.

Mặc dù rất phấn khởi khi được cấp nền và căn nhà mới của chị Trần Thị Mãi được xây cất không lâu sau đó tại Cụm dân cư Phường 9. Nhưng, không khỏi băn khoăn khi nghe chị Mãi bảo “lo nhứt là không có việc gì để làm”. Nên khi có thời gian, chị Mãi về lại khoảnh đất trước đây để trồng tỉa rau cải kiếm thêm thu nhập.

Sự khác nhau về tập quán sinh sống của cư dân ở 2 giai đoạn của chương trình cũng được BCĐ tỉnh nhận diện khá rõ. Sự thay đổi tập quán sống cặp sông, rạch, vùng bị sạt lở (giai đoạn 1) tuy nguy hiểm nhưng người dân sinh sống được bằng việc mua bán, đánh bắt thủy sản.

Do đó, khi chuyển sang hình thức sống theo cụm- tuyến dân cư tập trung, cần có thời gian thích nghi nhất định. Trong khi điều kiện kinh tế của hộ dân thuộc giai đoạn 2 khả quan hơn do người dân sinh sống nhờ vào trao đổi hàng hóa, làm dịch vụ,… nên việc thích ứng dễ dàng hơn.

Cô Nguyễn Thị Kim Anh- Cụm dân cư Phường 9 (TP Vĩnh Long):
 

“Cả gia đình tui phấn khởi lắm. Không còn phải sống thấp thỏm trong ngôi nhà mục nát nữa. Dân ở gần nhau rất đầm ấm, gắn kết. Mỗi người dân đều hòa đồng, giữ gìn vệ sinh chung.

Chị Nguyễn Thị Hiền- Cụm dân cư Phường 9 (TP Vĩnh Long):
 


Tuy lúc đầu chưa quen biết nhiều, nhưng dần chịu khó “bắt mối” làm quen, nhờ đó buôn bán cũng dễ dàng hơn. Không còn phải lo lắng mỗi khi đóng tiền trọ hàng tháng nữa.

Bài, ảnh: LÊ SƠN- THẢO NGUYÊN