KỶ NIỆM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21/6/1925- 21/6/2014

Báo chí góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương

Cập nhật, 08:03, Thứ Bảy, 21/06/2014 (GMT+7)

89 năm ra đời và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.
 
Từ Trung ương đến địa phương, báo chí cách mạng luôn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, báo chí đã góp phần phản ánh trung thực diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tới Đảng và Nhà nước.
 
Qua đó, góp phần bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách hợp lòng dân.


Phóng viên chuyên và không chuyên tác nghiệp tại lễ đặt tên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: KHÁNH DUY

Riêng báo chí Vĩnh Long thời gian qua, đã không ngừng cải tiến, sáng tạo, đột phá để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân, mà còn góp phần vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nền quốc phòng- an ninh tỉnh nhà trong tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa tỉnh nhà và đất nước.

THÀNH PHỐ PHÁT TRIỂN CÓ ĐÓNG GÓP LỚN CỦA LỰC LƯỢNG THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG

Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long

 

Không phải mọi nhiệm vụ chính trị của thành phố đều có thể thực hiện suôn sẻ, thuận lợi. Có những lĩnh vực rất khó khăn, trở ngại. Báo chí tuyên truyền, giải thích rõ các chủ trương, chỉ đạo của thành phố giúp người dân hiểu rõ và đồng tình. Từ đó, việc thực hiện dễ dàng hơn. Cho thấy, báo chí đã đóng góp lớn để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cụ thể, trong xây dựng đô thị thời gian qua từ xây dựng cơ bản, xây dựng dân dụng, cầu đường… đều có đóng góp của báo đài. Tuyên truyền của báo đài giúp người dân đồng tình theo chủ trương của thành phố. Nhờ vậy, nhiều người tự nguyện góp công góp của để xây dựng các công trình.

Về văn hóa xã hội, nhất là trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa. Báo chí góp phần đưa gương người tốt việc tốt giúp người dân noi theo. Đồng thời, phản ánh những việc làm sai, những điều cần tránh để người dân có ý thức tốt hơn. Bên cạnh đó, an ninh trật tự cũng nhờ báo chí tuyên truyền để người dân có ý thức
giữ vững.

Sắp tới, thành phố tập trung thực hiện các tiêu chí đô thị loại 2 và vận động người dân cùng thực hiện. Đồng thời, sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thiện 4 xã lên phường. Để đạt được, rất cần sự chung tay- tích cực tuyên truyền của báo chí.

VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ ĐỐI VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM

Sau 4 năm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm cho ý thức của người dân có sự chuyển biến tích cực.

Cùng với cả nước, tại Vĩnh Long, người tiêu dùng đã từng bước thay đổi nhận thức, ưu tiên mua sắm hàng Việt. Nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn thu hút được sự quan tâm đông đảo của người dân.

Ông Hồ Trung Nghĩa- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh:

Từ khi bắt đầu cuộc vận động đến nay, trung tâm đã tổ chức được 8 phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Thời gian đầu có ít doanh nghiệp tham gia nhưng càng về sau càng nhiều.

Thực hiện được các phiên chợ này từng bước đã tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước khôi phục lại thị trường nội địa, giảm bớt sử dụng hàng nhập ngoại không rõ nguồn gốc.

Thời gian qua, nhờ có sự phối hợp đưa thông tin kịp thời của báo chí, đã góp phần làm cho người dân tin tưởng hơn vào các phiên chợ hàng Việt và giúp người dân nâng cao ý thức hơn về trách nhiệm, quyền lợi đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Nhất là kịp thời đưa thông tin về hàng hóa không rõ nguồn gốc độc hại, ảnh hưởng sức khỏe giúp cho người dân hiểu nên ưu tiên chọn lựa hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền cũng chưa thật sự được thường xuyên. Thời gian tới, báo chí cần tích cực tuyên truyền đưa thông tin đến người dân nhiều hơn nữa để cuộc vận động thêm thành công, góp phần giúp hàng Việt “thắng trận trên sân nhà”.


2 nữ phóng viên Báo Vĩnh Long đi sáng tác ảnh.

Cô Dương Ngọc Nhan- Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart:
- đơn vị tổ chức 65 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn từ năm 2010, nói: Chúng tôi mong muốn giúp người dân nông thôn được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá rẻ có nguồn gốc rõ ràng.
 
Nếu sản phẩm hư, bị lỗi hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì có địa chỉ cụ thể để khiếu nại. Thời gian qua, Co.opmart luôn nhận được sự quan tâm của báo chí truyền thông, thường xuyên thông tin về tiêu chuẩn, giá cả hàng Việt Nam đến người tiêu dùng, kịp thời thông tin về các danh mục hàng hóa bị các cơ quan chức năng công bố là tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.

Co.opmart luôn sẵn sàng phối hợp tuyên truyền cung cấp thông tin với báo chí góp phần giúp người dân tiếp cận với hàng Việt tốt hơn.

BÁO CHÍ LÀ KÊNH THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN KHÔNG THỂ THIẾU TRONG ĐỜI SỐNG

Ông Đoàn Văn Rõ- Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long:

 

Thời gian qua, báo chí cả nước không ngừng phát triển, cung cấp kịp thời những thông tin trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, báo chí cũng đóng vai trò tích cực.

Báo chí kịp thời phản bác những luận điệu xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực thù địch. Đặc biệt gần đây, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, báo chí đóng góp rất lớn kịp thời cung cấp những thông tin đến cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Báo chí tỉnh nhà cũng góp phần lớn trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước xuống tới cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, để mọi người dân hiểu và thực hiện đúng.

Bên cạnh đó, báo chí còn phản ánh kịp thời những thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm công nghệ cao… để người dân cảnh giác. Báo chí còn giúp ngành chức năng xóa các tụ điểm tệ nạn xã hội giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Qua báo chí, người dân không những cập nhật thông tin cần thiết trong cuộc sống hàng ngày mà còn nâng cao ý thức cảnh giác các loại tội phạm và qua đó, các vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh
giảm dần.

Tuy nhiên, hiện nay tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, báo chí phải giữ vai trò quan trọng, phản ánh kịp thời, sát thực tế. Tăng cường tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu, thực hiện đúng.


Phóng viên Báo Vĩnh Long đi sáng tác ảnh tại Cao Lãnh chụp ảnh lưu niệm trước mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Với sự năng động đi và viết cùng góc nhìn “cận cảnh”, nhiều nhà báo trẻ với tác phẩm báo chí của mình, đã tác động đến dư luận xã hội, góp phần thay đổi góc nhìn, tư duy lối cũ, hoặc đề ra được một số giải pháp về cơ chế, chính sách, bảo vệ chủ quyền biển đảo; phản ánh những bức xúc của cuộc sống…

ĐỊNH HƯỚNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

“Nếu đồng bằng không trồng lúa”? của Trần Phước- Hoàng Minh, Giải nhất Giải báo chí tỉnh Vĩnh Long:


Nhà báo Trần Phước trên đảo Lý Sơn.

Rất nhiều các cuộc họp của các địa phương đến trung ương nhằm tìm kiếm giải pháp tiêu thụ lúa hàng hóa và định hướng sử dụng diện tích đất lúa hiệu quả, bền vững. Đã có nhiều đề xuất, ý kiến cho rằng các “tỉnh lúa” ở ĐBSCL cần đa dạng cây trồng, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và không nên quá lệ thuộc vào cây lúa.

Nhà báo Trần Phước chia sẻ: Năm 2013, vựa lúa ĐBSCL đối mặt với vấn đề thời sự nóng bỏng, đó là “lúa đồng bằng dội chợ”.

Vào mùa thu hoạch, nông dân chạy đôn chạy đáo để tìm đầu ra cho hạt lúa của mình dù có đại hạ giá “3 ký 10 ngàn”, vẫn khó bán lúa, nhất là vụ lúa Hè Thu và Thu Đông sản xuất và thu hoạch trong điều kiện thời tiết mưa bão, làm giảm chất lượng hạt gạo.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu ngày càng cạnh tranh cao về chất lượng và giá cả. Cầu có hạn nhưng nguồn cung ứng gạo quá lớn, đặc biệt từ các nước trước đây chưa sản xuất được lúa nay đã tự sản xuất và xuất khẩu.

Nếu đồng bằng không trồng lúa? Vấn đề này được chúng tôi chọn đặt ra trong phóng sự nhằm đi tìm những góc nhìn đa diện từ thực tế sản xuất.
 
Nỗi băn khoăn, lúng túng của các địa phương khi chọn loại cây màu gì, cây công nghiệp ngắn ngày nào để thay thế cây lúa trên đất ruộng. Những nhận định xác thực của các chuyên gia. Và một thực tế: nông dân rất cần được định hướng về thị trường, cơ cấu giống mùa vụ.

Qua bài viết, mong được góp phần tham mưu cho các địa phương, lãnh đạo ngành trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

Thông điệp bảo vệ môi trường

Những quan sát, ghi chép, cảm nhận và cả việc “nuôi dưỡng” đề tài trong quá trình trải nghiệm, cùng niềm đam mê với nghề của 2 nhà báo Thu Trang và Trung Hiếu (Phòng Chuyên mục Đài PT-TH Vĩnh Long) đã chuyển tải những thước phim tài liệu từ cuộc sống về bảo vệ môi trường đậm chất nhân văn.


Nhà báo Thu Trang.

“Giữ lấy rừng ngập ngọt” của Thu Trang- Nguyên Long- Thanh Trường, Giải nhì Liên hoan về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN 2013; Giải nhất “Việt Nam xanh”.

Diện tích tràm bị thu hẹp và “mái nhà” chung của muôn loài không còn rộng mở như xưa. Nhiều loài động thực vật sinh sôi dưới chân tràm không còn trù phú, sản vật từ rừng lại dần cạn kiệt. Cái được thì chưa được, cái mất thì đã rõ ràng.

ĐBSCL là một trong những vùng được xác định có nguy cơ bị tổn thất nặng nề nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu thể hiện qua các tràn nước mặn sâu từ phía biển vào trong đất liền, gây tổn thất cho sản xuất nông nghiệp và gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Nếu như ở ĐBSCL không duy trì được nguồn nước ngọt, duy trì được hồ sinh thái là các đầm rừng tràm thì ĐBSCL sẽ thiếu đi nguồn nước ngọt rất là quan trọng. Điều này sẽ làm tổn hại cho sản xuất nông nghiệp, tổn hại cho việc nuôi trồng thủy sản, tổn hại cho đời sống con người.

Hãy giữ lấy rừng ngập ngọt. Đó là câu chuyện gắn liền với nhận thức và công sức của những người suốt đời chung thủy với rừng. Đó cũng là câu chuyện của tràm không phụ sự kỳ vọng của con người, vẫn giữ thế đứng thẳng ngay giữ rừng qua bao mùa nước.

Nói về tác phẩm của mình, nhà báo Thu Trang viết kịch bản và cũng là đạo diễn xuýt xoa: “Quá trình trải nghiệm nhiều năm về mảng phim tài liệu đã giúp tôi có độ nhạy cảm của nhà báo về cuộc sống rừng ngập ngọt rất đẹp, rất lung linh được xem là lá phổi xanh của ĐBSCL.

Việc giữ lấy rừng ngập ngọt cần phải được giữ lấy trước biến đổi khí hậu và sự tác động của con người. Làm phim chỉ để thỏa mãn niềm đam mê với nghề và tác phẩm đoạt giải là vinh dự động viên chúng tôi có thêm những tác phẩm hay gởi đến công chúng để cùng chung tay bảo vệ môi trường”.

“Cuộc chiến sinh thái” của thế giới côn trùng- Giải ba Liên hoan về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu trong cộng đồng ASEAN 2013.

Trong quá trình theo dõi thực hiện mô hình công nghệ sinh thái, nhà báo Trung Hiếu đã có ý tưởng từ ruộng đồng, thế giới côn trùng trong mối quan hệ giữa dịch hại, thiên địch và cây lúa.

Và phim tài liệu “Cuộc chiến sinh thái” của nhóm tác giả Trung Hiếu- Nguyên Long- Thanh Trường- Phạm Phong đã đạt giải tại Liên hoan ảnh và phim phóng sự tài liệu về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.

...“Giữa thiên địch, dịch hại và cây lúa có mối quan hệ mật thiết với nhau. Quá trình đấu tranh cùng tồn tại của những sinh vật này thiết lập nên cân bằng tự nhiên trong hệ sinh thái ruộng lúa…

Trong hệ sinh thái ruộng lúa, ngoài cây lúa, thiên địch và dịch hại còn có rất nhiều thành phần khác như giun nước góp phần gia tăng độ màu mỡ cho đất lúa. Chúng lại là nguồn thức ăn cho các loại ếch, nhái, cá đồng,...
 
Đồng lúa là nơi tìm mồi cho sinh vật ăn tôm cá và con người cũng khai thác nguồn lợi thủy sản quý giá này. Chuỗi mắt xích này đem lại lợi ích rất nhiều cho người nông dân, cũng như môi trường ruộng lúa. Nhưng tất cả đều rất nhạy cảm với tất cả loại thuốc hóa học.”


Nhà báo Trung Hiếu.

Nhà báo Trung Hiếu chia sẻ: “Có cây lúa thì có dịch hại, có dịch hại thì có thiên địch- chúng đấu tranh để cùng tồn tại và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là sự cân bằng sinh thái vốn có trong tự nhiên.

Có hiểu được quy luật này, chúng ta mới có ứng xử thích hợp với quá trình canh tác lúa không chỉ mang lại lợi ích trước mắt cho người trồng lúa mà đây còn là hướng đi để tạo sự bền vững môi trường sống của hàng triệu nông dân Việt Nam”.

DUY UYÊN- TUYẾT HIỀN- THÚY QUYÊN- THẢO LY- VĂN MINH