Cà phê “năng động” theo dòng chảy biến động

Cập nhật, 08:05, Thứ Bảy, 10/05/2014 (GMT+7)

Là một trong những thức uống “sinh sau đẻ muộn”, nhưng anh chàng cà phê “bé hạt tiêu” này cực kỳ… lém lỉnh và năng động. Có mặt ở mọi ngóc ngách, xuất hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, độc đáo, để giúp những “tín đồ” thỏa mãn sở thích nhâm nhi cà phê, tìm sự sảng khoái, cũng là xua đi… khoảng thời gian trống trải.
 

Cà phê Khởi Nguyên, khẳng định hướng đi đúng. Ảnh: DƯƠNG THU


“Con đường cà phê”

Không hoành tráng và có bề dày lịch sử như con đường tơ lụa, nhưng thật ra thì lịch sử của anh chàng “bé hạt tiêu” này cũng đã có trên 10 thế kỷ, kể từ lúc người phương Tây phát hiện và đưa nó về xứ sở văn minh, rồi nhanh chóng trở thành thức uống sang trọng, thời thượng.

Từ đó, chúng lại theo chân những đoàn tàu chinh phục để đến với những vùng đất thuộc địa và nhanh chóng cắm rễ trên khắp trái đất này. Theo đó mà tính, thì cà phê xuất hiện ở Việt Nam khá muộn màng. Nhưng nếu tính về mọi mặt, từ thương hiệu, sản lượng và cách “chơi” cà phê của dân Việt, có lẽ cũng thuộc vào top trên.

Trong 3 quán cà phê lừng lẫy ở Sài Gòn là: Brodard, Givral và La Pagode, thì chỉ có Brodard là còn tồn tại lâu nhất ở góc đường Đồng Khởi- Nguyễn Thiệp (Quận 1- TP Hồ Chí Minh). Những năm 90 của thế kỷ trước, người vào đây uống cà phê vẫn còn phải điệu đàng gởi lại tiền “boa” dưới đáy dĩa. Khi đó ly cà phê khoảng 30.000đ, trong khi lương căn bản chưa đến 150.000đ.

Đến năm 2012, thì tiệm cà phê này cũng chính thức khai tử, cũng bởi nhiều lẽ nhưng quan trọng nhất là nó không còn phù hợp và đủ sức cạnh tranh với phong cách uống cà phê của người Việt nữa. Cùng với những quán cà phê sang trọng tiền tỷ, thì phong cách cà phê quán cóc đã trở thành nét văn hóa riêng biệt của người dân Sài Gòn và các đô thị miền Tây.

Ở bất kỳ một góc đường nào đó, một không gian nhỏ với những chiếc bàn con, mấy cái ghế con, người ta có thể thoải mái ngồi mà ngắm… giọt cà phê rơi, để thấy đời trôi chậm lại. Cà phê phin đậm đà theo đúng gu của người Việt Nam.

Nhiều người thiếu cà phê là… ngáp không chịu nổi, nhưng cũng không ít người ghiền cái chỗ ngồi có bè bạn tâm tư, có người lâu năm nên nhớ bà chủ quán già cứ đều đặn nhóm bếp cùng những phin cà phê, thức từ 4 giờ sáng đợi khách thân quen…

Nói gì thì nói, hễ nhắc tới ly cà phê là phải nhắc đến Sài Gòn, là bởi đây chính là “thánh địa” của ly cà phê Việt. Từ những ý tưởng kinh doanh, phong cách phục vụ, kiểu uống cà phê… gì gì cũng từ đây mà ra, rồi mới lan tỏa khắp các tỉnh- thành.

Nhìn lại những cái tên quán có tiếng ở Vĩnh Long mà xem, tất cả đều là “nhái” lại những tên quán hot một thời ở Sài Gòn không đấy, đến cả cách trang trí, cách phục vụ… Cho đến khi ly cà phê “phản bội” người tiêu dùng thì cũng từ đây mà ra. Đó là những ly cà phê bẩn đến rợn người, mà khi nó “lên phin” chẳng khác nào ly thuốc độc.

Rồi cũng chính người Sài Gòn nhạy bén, đã đưa ly cà phê trở về nguyên gốc của nó, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ghiền cà phê, nhưng cũng quan tâm đến sức khỏe của mình. Do đó, mà không lâu cà phê sạch đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Giờ đây các tỉnh miền Trung cho đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi, đã thấy mọc lên nhan nhản những quán cà phê sạch. Ở Vĩnh Long cũng vậy.

Ly cà phê “mang đến, lại mang về”

Có nghĩa là ở những quán cà phê sạch thuộc tỉnh Vĩnh Long, nếu khách hàng không thể ngồi xuống uống tại chỗ, thì sẽ có phục vụ vô ly mang về, hoặc khách quen chỉ cần “alô” thì sẽ có người mang đến tận nơi.

Cách đây chưa đầy năm, khi cà phê Khởi Nguyên đầu tư hàng trăm triệu đồng cho hệ thống máy rang xay cà phê tại chỗ, mọi người vẫn còn ngờ ngợ, chưa tin tưởng lắm. Anh Tỷ- chủ quán- thì tin tưởng với mục đích kinh doanh của mình: mang đến ly cà phê đúng nghĩa và quan tâm hàng đầu đến sức khỏe người tiêu dùng. Giờ đây, với lượng khách hàng quen thuộc, mỗi sáng quán kín chỗ ngồi, đã chứng tỏ Khởi Nguyên đã đi đúng hướng.

Đến tháng 11/2013, ở TP Vĩnh Long xuất hiện thêm 3 quán cà phê sạch, anh Tỷ vui mừng cho rằng, mong ra càng nhiều quán cà phê sạch càng tốt. Đó là các quán: Hoàng Phong (Phường 1), Ben (Phường 4), Cà phê rang xay tại chỗ (Phường 3). Còn giờ đây cà phê theo phong cách rang xay tại chỗ ở Vĩnh Long đã đếm đầy 2 bàn tay. 

Cà phê Hoàng Phong- phong cách cà phê rang xay tại chỗ. Ảnh: DƯƠNG THU


Các quán này có phong cách trang trí chung là gọn nhẹ, bàn ghế con con kiểu quán cóc ven đường, nhưng không xuề xòa, luộm thuộm mà nhìn rất bắt mắt. Theo anh Phong- chuỗi quán nhượng quyền cà phê nguyên chất COFFEE (TP Hồ Chí Minh), hệ thống cung cấp toàn bộ các vật dụng, nguyên liệu, kỹ thuật pha chế, người đầu tư chỉ cần ra mặt bằng, tùy theo quy mô thì chỉ với từ khoảng 50- 60 triệu đồng là có thể ra một cửa hàng cà phê sạch. Cao cấp chút thì khoảng vài trăm triệu đồng, phù hợp với những người trẻ khởi nghiệp.

Do đó, mà việc đầu tư để ra quán cà phê không khó, nhiều người có thể vừa làm việc ở công ty, vẫn có thể mở quán kiếm thêm thu nhập. Anh Hiếu là dân từ Sài Gòn, đã từng kinh doanh các loại quán cà phê kiểu này; nhưng giờ do có công việc tiếp thị cho chi nhánh mỹ phẩm ở Vĩnh Long, nên cùng với người vợ mới cưới về Vĩnh Long mở quán nhỏ ở Phường 3.

Quán nhỏ khá ấm cúng, những khách uống cà phê quen cũng trở nên thân tình, thường ghé lại vào giờ nhất định bàn… thời sự. Chú Sáu Tài (62 tuổi) có con thành đạt làm việc ở các công ty lớn trên Sài Gòn, nhưng vẫn thích chạy xe ôm cho vui, là thân chủ của quán nên ngày nào cũng ghé lại 3- 4 lượt.

Chú cho rằng: “Tôi là dân ghiền cà phê chính cống nè, hồi xưa đi bộ đội ở U Minh dám trốn trại ra uống ly cà phê đen mà bị “cắm trại” chục ngày. Vậy mà nghe cà phê pha trộn linh tinh cũng ớn lắm. Cho nên có ly cà phê sạch 8.000đ là chịu liền.

Chỉ 8.000đ cho một ly cà phê- giá chung cho những quán cà phê loại này. Rất tiện lợi cho những ai không có thời gian ngồi rề rà ở quán, cứ ghé ngang máng lên một bịch mang về nhà hoặc mang vào cơ quan, thế là xong. Trong tương lai phong cách quán cà phê sạch sẽ còn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường.

NGỌC TRẢNG