Những ngày tháng 4 lịch sử ở tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 10:56, Thứ Tư, 30/04/2014 (GMT+7)

Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng họp. Sau khi đánh giá thắng lợi đã đạt được, phân tích tình hình địch- ta, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược “giải phóng miền Nam trong giai đoạn sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể chậm hơn”.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chỉ thị cho toàn Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long xúc tiến công tác chuẩn bị. Mỗi địa phương đều có kế hoạch chuẩn bị tấn công nổi dậy của địa phương theo phương hướng “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.

Địch đưa về Vĩnh Long 2 trung đoàn chủ lực đóng quân trên Quốc lộ 4 từ Vĩnh Long đến Bình Minh. Cho nên, bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Vĩnh Long được giao nhiệm vụ đánh quân địch đang co cụm trên Quốc lộ 4, sau đó được lệnh vào đêm 30/4/1975 tiến công vào đầu não địch ở TX Vĩnh Long.

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, toàn quân, toàn dân Vĩnh Long hình thành 3 mũi tấn công áp sát TX Vĩnh Long; đồng thời tiến hành bao vây chặt các chi khu Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít, Bình Minh; cắt đứt giao thông để không cho địch có cơ hội chi viện từ Cần Thơ.
 
Với sức tấn công thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng, quân ta đã bao vây, tiêu hao sinh lực địch, vừa kềm chặt, vừa căng địch ra trên khắp các địa bàn để đánh. Sức tấn công của quân ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ở các đô thị trong tỉnh nổi dậy giành quyền làm chủ ở nhiều nơi.

Trưa 30/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đầu hàng. Sài Gòn giải phóng. Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ở Cần Thơ cũng đầu hàng. Lực lượng vũ trang áp sát TX Vĩnh Long, đồng chí Ba Trung lên máy kêu gọi Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Long đầu hàng, nhưng bọn chúng vẫn ngoan cố ra lệnh cho cấp dưới “tử thủ”.

Đến 15 giờ ngày 30/4, các lực lượng vũ trang đánh sâu vào các cứ điểm quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng trong nội ô nổi dậy giải giáp số tề ngụy và kêu gọi binh lính địch đầu hàng.

Đến 18 giờ ngày 30/4/1975, Trung đoàn 14, 16 của địch từ Bình Minh kéo về đến cầu Đôi thì bỏ súng ống, xe pháo ngổn ngang tìm đường trốn chạy.
 
Trong khi đó, các địa điểm khác như: chi khu Cái Nhum, Tam Bình, Bình Minh, Trà Ôn, Vũng Liêm bị ta tấn công đang trong tình trạng nguy ngập, lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm hầu hết các tề xã và các mục tiêu quan trọng.

Trước tình hình không thể cứu vãn nổi, Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long buộc phải đầu hàng lúc 20 giờ ngày 30/4/1975. Tỉnh Vĩnh Long được hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đứng trước cảnh làng mạc điêu tàn, đổ nát, ruộng vườn hoang hóa, nền kinh tế bị kiệt quệ do chiến tranh…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Long bắt tay ngay vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền cách mạng và củng cố an ninh chính trị, từng bước ổn định cuộc sống của nhân dân.

Sau 2 năm (1975- 1976) khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định trật tự xã hội, Đảng bộ quân và dân Vĩnh Long đã đạt được thành tích to lớn: xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng từ tỉnh, huyện, xã, đưa đại bộ phận nông dân về ruộng vườn cũ khôi phục sản xuất, nỗ lực xây dựng và bảo vệ quê hương Vĩnh Long yên bình và ngày càng phát triển.

Nguyễn San