KỶ NIỆM 39 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM

Máu vẫn đổ trước giờ toàn thắng

Cập nhật, 10:55, Thứ Tư, 30/04/2014 (GMT+7)

Trận quyết chiến cuối cùng và nơi duy nhất trong tỉnh Vĩnh Long máu vẫn còn đổ, các liệt sĩ vẫn phải ngã xuống trong ngày vinh quang đại thắng của dân tộc, đó chính là trận bao vây “bức hàng” đồn Bầu Thiềng thuộc ấp Tân Thiềng (xã Tân Long Hội, nay là xã Tân An Hội) đêm 30/4/1975.

Tân Long Hội anh hùng thuộc huyện Cái Nhum nay thành lập 3 xã: Tân Long, Tân Long Hội và Tân An Hội (Mang Thít). Trụ sở UBND xã Tân An Hội hiện nay được xây dựng trên mặt bằng nền đồn Bầu Thiềng 39 năm trước.

Xã đã được hoàn toàn giải phóng đêm 30/4/1975, cùng thời gian với bọn ngụy quyền ở quận Minh Đức và tỉnh Vĩnh Long đầu hàng. Để đến được giờ khắc vinh quang của ngày vui lớn ấy, xã cũng phải gánh chịu mất mát tổn thất không nhỏ.

Đồn Bầu Thiềng có vị thế hết sức hiểm yếu đối với cả ta và địch. Đó là một trong 3 đồn tiền duyên (Rạch Sâu, Cái Bát và Bầu Thiềng) án ngữ bảo vệ vòng ngoài của chi khu quận lỵ Minh Đức của địch.

Đồn được xây dựng kiên cố theo kiểu Mã Lai trên bán đảo bờ Nam vàm sông Bầu Thiềng (và còn gọi là vàm rạch Mương Chùa vì gần thánh tịnh Ngọc Sơn Quang) cách trụ sở tề xã Tân Long Hội 6km về hướng Tây Nam, cách đồn cầu số 8 hơn 1km, cách quận lỵ Minh Đức hơn 2km về hướng Đông Bắc. Nơi đây đã trở thành hang ổ đề kháng hết sức điên cuồng, ngoan cố của quân địch do tên Nguyễn Văn Sáu (tự Sáu Bầu) trực tiếp chỉ huy.

Trưởng đồn Sáu Bầu là một trung đội trưởng dân vệ ác ôn khét tiếng đã từng có nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân. Hắn chỉ huy cố thủ tại nơi đây với 17 tên, gồm những tên ác ôn được trang bị mạnh, đầy đủ: 1 khẩu M79, hàng chục khẩu M72, súng AR15, máy thông tin PRC 25; lựu đạn, đạn dược dồi dào.

Cho nên trên thực tế chiến trường từ sau tháng 10/1974, đồn Bầu Thiềng đã rơi vào thế bị cô lập và quân ta đã đắp pháo đài, tổ chức nhiều đợt bao vây siết chặt, nhất là từ tháng 2/1975, nhưng địch vẫn ngoan cố kiên thủ đến cùng. Cho nên gỡ đồn Bầu Thiềng là mục tiêu đầy khó khăn thử thách của quân và dân xã Tân Long Hội.

Trước đó, tháng 10/1974, trong lúc ta đang đào công sự sát hàng rào đồn để đón đánh chặn khi địch ra khỏi đồn, thừa lúc các đồng chí ta vừa rời công sự, địch bí mật bò ra gài lôi, lựu đạn tại công sự. Khi các đồng chí ta quay lại, lựu đạn nổ, đồng chí Lê Thanh Tòng hy sinh.
 
Lúc 20 giờ đêm 28 rạng 29/12/1974, trong lúc các đồng chí ta áp sát hàng rào, địch phát hiện và đánh mìn khiến 2 đồng chí Nguyễn Văn Ẩn, Bùi Văn Khoái hy sinh tại mấu chân cầu bờ Nam sông Bầu Thiềng.

Ngày 30/4/1975, sau nhiều ngày bị quân ta cô lập hoàn toàn, vây chặt trong đồn, trước khí thế chiến thắng bừng bừng của cách mạng, ngụy quyền Trung ương Dương Văn Minh đã đầu hàng. Nhận định địch ở trong đồn đang tuyệt vọng và hoang mang cao độ, ta tiếp tục đẩy mạnh mũi binh vận, đã vận động đưa vợ của tên Sáu Bầu và các gia đình binh sĩ địch vào cửa đồn yêu cầu tên Sáu Bầu ra gặp ta.

Lúc 15 giờ, hắn chịu ra cầu Bầu Thiềng gặp ta, đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo (Tám Thảo)- Bí thư Chi bộ xã trực tiếp nói chuyện với tên Sáu Bầu và hắn hứa sẽ ra đầu hàng nhưng không hẹn giờ. Trước 17 giờ, ta tiếp tục yêu cầu hắn ra cầu gặp lần 2, lần này hắn hẹn 18 giờ sẽ ra hàng nhưng không hẹn rõ quy ước ra hàng.

Ta đánh giá, với bản chất ngoan cố ác ôn, tên Sáu Bầu sẽ tráo trở chứ không dễ gì chịu đầu hàng, mà khả năng bỏ đồn tháo chạy nhiều hơn. Cho nên 3 cánh quân bao vây vẫn tiếp tục siết chặt và đón đánh chặn quân địch tháo chạy.

Thế nhưng do sơ suất trong lúc bao vây đồn, đến 24 giờ bọn địch đã bí mật cắt rào bỏ đồn tháo chạy, băng đường ruộng theo hướng Tây Nam.

Địch chạy khỏi đồn được khoảng 700m đến bờ xe (bờ cộ lúa) Năm Trung (thuộc Ấp II) chạm phải loạt súng của đồng chí Nguyễn Văn Sáu (Sáu Chùa)- nơi đây ta bố trí 12 đồng chí do đồng chí Phan Văn Hai (Hai Chóp) xã đội trưởng chỉ huy- địch đã điên cuồng bắn vào đội hình quân ta với hỏa lực mạnh, chủ yếu bằng M72, lựu đạn “xỏ xâu” ném liên tục vào đội hình du kích.
 
17 tay súng địch áp đảo ác liệt, khu vực trận địa như vỡ tung mặt đất. 2 đồng chí của ta là Nguyễn Văn Hai và Nguyễn Văn Núi đã hy sinh ngay từ đợt hỏa lực áp đảo đầu tiên của địch.

Các đồng chí còn lại của ta đã phải tránh dưới công sự chiến đấu, các con kinh và địch đã lướt sườn mở được đường máu chạy thoát về trụ sở cụm tề xã Bà Phong.

Trong đêm 30/4/1975, Nguyễn Văn Ấu (Chín Ấu)- Phân chi khu trưởng và Nguyễn Văn Hưng (Năm Hưng)- xã trưởng đã chấp nhận đầu hàng quân giải phóng.

Quân ta vào tiếp quản trụ sở cụm tề xã Bà Phong lúc 7 giờ sáng 1/5/1975. Sau đó, tất cả quân địch đều ra trình diện quân cách mạng, trừ tên Sáu Bầu đã dẫn theo tên Nhựt trốn thoát. 2 tháng sau, tên Nhựt quay về địa phương trình diện đầu thú và đến 7 tháng sau ta mới truy đến tận khu vực Tòa thánh Tây Ninh bắt tên Sáu Bầu về địa phương đưa đi tập trung cải tạo.

Trong ngày vui đại thắng, niềm vui chưa được trọn vẹn bởi thiếu vắng các anh. Các anh đã ngã xuống trong những giây phút cận kề chiến thắng, cho hàng triệu người khác được sống, được đoàn tụ gia đình sau bao nhiêu năm vì chiến tranh cách trở.

Mong người còn lại hãy sống xứng đáng với mất mát lớn lao này và đừng bao giờ quên các anh- những người con của quê hương Tân Long Hội anh hùng. Đại tá, nhà văn Chu Lai có câu nói vô cùng xúc động:

“Có lẽ tất cả những người lính từ mặt trận trở về khi gặp lại những bà mẹ và các chị vợ liệt sĩ, chúng ta đều cảm thấy có một lỗi vì tại sao mình trở về mà chồng con của các mẹ, các chị không về”. Đúng vậy, chúng ta hãy làm cái gì đó cho tròn với các anh!”

Nơi cõi vĩnh hằng, các anh hãy thanh thản, an lòng yên nghỉ. Mỗi lần kỷ niệm ngày toàn thắng, không thể không nhắc nhớ đến các anh. Những người còn lại hôm nay đã và đang chung lòng chung sức chăm lo cho người người no ấm, quê hương Tân Long Hội ngày nay đang thay da đổi thịt, đổi mới từng này.

8/3/2014

QUỐC TRUNG