Sáng mãi ký ức 30/4

Cập nhật, 07:23, Thứ Tư, 30/04/2014 (GMT+7)

Chiến thắng 30/4/1975 đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. 39 năm đã trôi qua nhưng trong tâm tưởng của bao người, ngày ấy vẫn luôn sống mãi…


Những cựu chiến binh năm xưa ôn lại ký ức ngày giải phóng miền Nam 30/4.

Vì lợi ích chung hy sinh tình riêng

Tuổi gần 80 nhưng nhờ có “máu” văn nghệ nên ông Huỳnh Anh Kiệt (Ba Kiệt) vẫn giữ phong thái của một người làm công tác tuyên giáo năm nào: vui vẻ và rất hoạt bát.

Câu chuyện của gần 40 năm trước, ông vẫn nhớ như in. Nào là chuyện quảng bá tư tưởng cách mạng, in truyền đơn, viết bản tin để đưa lên trạm phóng thanh về tình hình chiến sự…

Ông bảo: Trong chiến tranh, dường như chúng tôi không ai nghĩ tới mình. Mình cũng biết quý sự sống, quý tình yêu nhưng cũng biết cái gì lớn hơn mà có sự hy sinh”. Rồi ông đọc 2 câu thơ đã “theo tôi mấy mươi năm”: “Nếu mai đây anh em mình có ngã trên đường. Trong tư tưởng ta vẫn cùng đi tới”.

Ngày ấy, ông là Trưởng tuyên huấn thị xã, vợ ông công tác Đoàn, vì nhiệm vụ nên đành đem gửi các con cho người thân. Ông kể: “Ngày 30/4, vợ tôi cũng ra ngoài này rồi. Chỉ biết vậy thôi chứ cũng không nghĩ chuyện đi tìm mà chỉ nhớ mỗi nhiệm vụ là phải “chiếm… cái điện lực”.

Cũng tuổi đôi mươi, bà Nguyễn Kim Lâm- lúc ấy là Bí thư Chi bộ ấp Tân Thuận (nay là Phường 3) cũng “đầy nhiệt huyết, gan dạ lắm, không sợ chết là gì, thắng một trận là phấn khởi vô cùng”.

Sẩm tối 30/4, bà cùng các đảng viên chi bộ và “cơ sở có bao nhiêu họp hết” thống nhất phương án cướp trụ sở ấp, “lúc ấy tên trưởng ấp vẫn còn hò hét và ngoan cố lắm”.
 
Đến khoảng 18 giờ 30, “mình tiếp quản nơi này, buộc địch phải giao điện đài, súng ống”. Bà cười, nhớ lại: “Lúc ấy, tôi mang thai khoảng 3 tháng. Giặc thiết quân lực nên không đi xe mà toàn đi bộ nhưng không biết sợ, nguy hiểm là gì!”

Hỏi chuyện xưa, bà Nguyễn Thị Duy Lan- nguyên Thị đội phó chỉ huy biệt động, chân tình: “Mấy mươi năm, mình cũng già, sức khỏe yếu, trí cũng kém nhưng ngày 30/4 thì không thể nào quên”.
 
Bà cũng “một thời ngang dọc” nghi trang vai vợ lính làm công tác binh vận, đứng giữa chợ nói về 10 điều chính sách của Việt Minh...

Bà nói: “Lúc làm công tác thanh niên, mình đã học gương mấy anh, mấy chị như Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, La Văn Cầu nên dường như không biết sợ. Sợ thì không làm cách mạng được. Từ hoạt động bí mật ra hoạt động công khai dù “chết như chơi” nhưng vẫn không từ nan. 4 đứa con, 3 đứa gửi cho ngoại, còn 1 đứa gửi cho quần chúng để yên tâm công tác…”

Lòng dân to lớn

Ông Huỳnh Anh Kiệt nói: “Đêm 30/4 dường như không ai ngủ. Không chỉ chị em phụ nữ mình mà người dân cũng may cờ nên sáng 1/5 cờ rợp trời. Mừng quá, chúng tôi chỉ biết hát và bài “Về Vĩnh Long” của nhạc sĩ Kiên Tâm cứ vang lên. Sung sướng lắm, không sao diễn tả hết được!”

Cô Đào Thị Biểu (Sáu Hòa)- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chân tình:

“Nhớ những lần địch “tát” dân ra ngoài ấp chiến lược, ở trong này chúng tôi không có gạo để ăn. Dù không bà con thân thích nhưng bà con canh những ngày địch không hành quân, dựng chuyện đi thăm ruộng, thăm đồng để đem cơm, gạo vào tiếp tế cho chúng tôi. Có nhà đến mùa lúa “bồ, bồ” nhưng vì nuôi bộ đội đến khi cần hạt giống cho vụ sau phải đi mua…”

Ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đúc kết: Cách mạng thành công do Đảng có đường lối lãnh đạo đúng đắn và cũng chính vào sức mạnh của nhân dân.

Các câu chuyện về tình dân nghĩa Đảng nhiều không sao kể xiết:

“Có lần tôi cùng các đồng chí của mình được phân công về công tác địa bàn huyện Cầu Kè, được bố trí ở trong hầm bí mật vườn bà Nguyễn Thị Kim Liên. Trong chiến tranh, mọi thứ đều rất khó khăn. Thế mà hàng ngày, “lấy cớ” đi thăm vườn và cho heo ăn, bà đã lén tiếp tế nước uống, lương thực cho chúng tôi. Nghĩa cử ấy chúng tôi không thể nào quên”.

Còn bà Duy Lan cho rằng: “Đất nước được giải phóng là niềm vui mừng khôn xiết. Qua đó cũng thấy rằng đức hy sinh, lòng dũng cảm của người cộng sản và quần chúng là vô bờ, không gì sánh được. Công của dân to lớn lắm!”

Ngày 30/4/1975, người dân cả nước và người dân Vĩnh Long đều hừng hực niềm vui chiến thắng, vì non sông được quy về một mối. Toàn bộ sức mạnh để làm nên thắng lợi ấy là do Đảng lãnh đạo, là khởi nguồn từ sức mạnh của nhân dân.

Đó là hình ảnh đồng bào sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bản thân, gia đình để chở che, cưu mang cho cách mạng. Đó là hình ảnh các chị, các mẹ gan dạ, mưu trí vượt qua tai mắt của kẻ thù bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng… Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của cả dân tộc!

Bà Đào Thị Biểu:


Đảng có đường lối chủ trương nhưng dân chính là người thực hiện đường lối chủ trương ấy. Trong kháng chiến, công của dân lớn lắm. Bản thân tôi đi làm cách mạng cũng được dân thương, cưu mang, che chở!

Ông Huỳnh Anh Kiệt:


Sức mạnh của nhân dân to lớn lắm. Sự sáng tạo của quần chúng là vô cùng!

Bài, ảnh: THANH VĂN