Chim rừng về phố

Cập nhật, 05:38, Thứ Bảy, 14/12/2013 (GMT+7)

Những năm trở lại đây, nuôi chim cảnh trở thành thú vui chơi tao nhã của nhiều người. Họ cất công và tiền bạc săn lùng chim quý hiếm theo sở thích đem về nuôi. Có người nuôi chim cảnh để hàng ngày được nghe tiếng hót quanh nhà, thư giãn nhưng cũng có người muốn chơi theo trào lưu của xã hội.

Song, mặt trái “chim rừng về phố” kéo theo nhiều biến tướng xấu như nạn bẫy chim vô tội vạ đang bị lên án, bởi làm mất cân bằng sinh thái và tương lai không xa sẽ vắng tiếng chim vui.

Nuôi chim cảnh là thú chơi tao nhã của nhiều người.

Chim quý- lồng son

Ngày nay, nuôi chim cảnh trở thành thú chơi tao nhã, phổ biến của nhiều người ở thành thị. Những người rủng rỉnh tiền thì chọn nuôi chim quý như két, nhồng, cưỡng, yến phụng (vẹt Hongkong), vẹt Nhật, bạc má, long cơ,… nói chung có hàng trăm loại chim cảnh tha hồ lựa chọn.

Một điểm mua bán nhiều loại chim và lồng chim ở TP Vĩnh Long.

Anh Dũng- chủ một quán ăn ở Phường 9 (TP Vĩnh Long) nuôi gần chục chim cảnh: chìa vôi, sáo, cu đất, họa mi… và mới đây anh còn “nhập hộ khẩu” thêm con nhồng có giá trên 1 triệu đồng. Nhiều vị khách đến quán ngoài ăn uống còn được ngắm nhìn những con chim xinh xắn nhảy nhót, hót líu lo rất vui tai. Anh Dũng khoe: “Nhờ những con chim cảnh này mà giữ chân được khách.

Tuy cực, mỗi ngày phải bỏ công chăm sóc cho chúng sung thì mới nhảy nhót hót hay nhưng có mệt cũng đáng công sức bỏ ra. Mình mua chim thiên nhiên về thuần dưỡng mất nhiều thời gian nhưng được lợi là ít tốn tiền. Những con chim quý nhập ngoại có giá hàng chục triệu đồng là chuyện bình thường…”

Nuôi chim cảnh giải trí nhưng cũng lắm công phu thuần dưỡng theo sở thích của riêng mình và tốn nhiều tiền bạc. Với những con két, sáo, nhồng… còn phải mất thời gian tập cho chúng nói tiếng người. Anh Nhân ở Phường 1 treo chiếc lồng nuôi con nhồng ngoài cửa, ai đi ngang cũng ngước mắt nhìn, bởi không những nó đẹp mà còn biết nói… tiếng người.

Anh Nhân cho biết: “Mỗi khi có khách ghé nhà chơi là nó (nhồng) nhảy nhót lăng xăng, kêu “có khách đến, có khách đến”. Mấy đứa nhỏ trong xóm thích thú đến chọc ghẹo và dạy nó nói bậy tôi phải đem ra nhà sau tập nói lại. Mỗi lần nó nói chuyện mình nghe cũng hay hay, vui tai…”

Anh Chính thì thích nuôi chim con bắt ngoài thiên nhiên về dưỡng sau này chúng lớn lên khôn hơn và có thể làm chim mồi bẫy được đồng loại của chúng. Anh Chính có nuôi 2 con chìa vôi và trao trảo. 2 con chim này ở ngoài thiên nhiên chúng ăn trái cây chín, sâu, cào cào.

Nhưng sau thời gian anh Chính thuần dưỡng chúng ăn thức ăn công nghiệp và cứ thấy anh đi ra huýt gió là bay nhảy, hót như mừng được chủ tới cho ăn. Anh Chính chia sẻ: “Những chú chim vừa đủ lông còn trên ổ hốt về nuôi mớm mồi cho ăn và sau này chúng trưởng thành quen hơi người, xem chủ như bạn, nhiều con sổ lồng ra ngoài thiên nhiên vẫn quay về chuồng…”

Chiếc lồng cũng rất quan trọng trong nuôi chim cảnh, vì sẽ tôn lên vẻ đẹp, sang trọng của từng loại chim. Theo các nghệ nhân nuôi chim cảnh, chiếc lồng cọng tre vót nhỏ, mảnh, sơn màu nuôi sơn ca, họa mi.

Còn chim hồng hoàng, yến phụng, vẹt Nhật chiếc lồng nhỏ, thấp. Sáo, két, vẹt, nhồng, cưỡng… nuôi lồng quả chuông úp. Nói chung chim quý thì phải ở lồng son mới thể hiện được giá trị của chúng và sành điệu người nuôi.

Lo mai này thiên nhiên vắng tiếng chim!

Vài năm gần đây, nhu cầu muôi chim cảnh khá phổ biến. Nhiều người tỏa ra đi săn lùng và xem đây là một nghề. Một điểm mua bán chim cảnh ở Phường 1 có đủ loại chim cảnh như: sáo, két, bồ câu, hoàng oanh, chích chòe, se sẻ và chim sắc các loại,…

Tình trạng săn bắt hủy diệt và dọc theo một số tuyến lộ, nhiều điểm treo bán chim thịt.

Chim nhốt đầy chuồng. Do chưa thuần dưỡng nên khách đến xem, chúng vỗ cánh loạn xạ như muốn thoát ra ngoài trở về với thiên nhiên hoang dã. Một chủ bán cho biết, hàng (chim) lấy nhiều nơi của những người đi bẫy ngoài rừng nên nó còn tính hoang dã. Khách hàng muốn mua chim quý, thuần dưỡng thì phải đặt trước vài tuần…

Nhìn những chú chim rất đẹp được chủ nhân nhốt trong lồng chăm sóc, người thì thích thú nhưng cũng có người không khỏi tội nghiệp cho loài chim trời, biết bao giờ mới được sổ lồng về với thiên nhiên.

Vài năm trở lại đây, thịt chim còn là món ăn “đặc sản” có trong thực đơn các nhà hàng, quán nhậu: chim rô ti, khìa, xào bầu… được thực khách ưa chuộng và giá nó không hề rẻ... Bởi thế, hiện nay tình trạng săn bắt chim vô tội vạ làm mất cân bằng sinh thái. Về nông thôn, chúng ta gặp không ít người làm nghề săn bắt chim. Họ đi sâu vào khu vực vườn rậm, bẫy tất cả loại chim hoang dã.

Ông Khiêm làm nghề bẫy chim hơn chục năm nay. Trung bình mỗi ngày ông bắt khoảng 10 con chim các loại. Nếu tính đến nay thì số lượng chim ông bắt không nhỏ.

Tùy loại chim mà có cách bắt khác nhau. Két, vẹt, sáo, nhồng, họa mi, hoàng oanh, cu đất bẫy bằng lồng sắt. Còn chim sẻ, chim sắc… thì giật lưới. Gần đây, nhiều người còn dùng keo có độ dính cao thoa vào đầu cây chích những con chim non hoặc trét vào nhánh cây khiến chim đậu vào là khó rứt ra.

Ông Khiêm cho biết, trước đây cứ xách cái bẫy đi vào vườn vài tiếng là bắt đầy một lồng chim. Bây giờ, nhiều người săn bắt quá nên đàn chim cạn dần, một ngày bẫy 10 con là nhiều lắm rồi. Chim cảnh như họa mi, hoàng oanh, chìa vôi… có giá thì bán cho người nuôi thuần dưỡng, còn chim bổi thì đưa vào nhà hàng, quán nhậu làm mồi nhắm cho thực khách.

Một thương lái chim quê tỉnh An Giang bỏ mối cho các điểm bán chim cảnh ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ… cho biết: “Tui làm nghề buôn bán chim cảnh này gần 5 năm. Trước đây, chim sáo rừng, chim núi bay đầy, bẫy bắt riết rồi cũng cạn kiệt. Bây giờ cả tháng mới gom đủ chim đi bán được một chuyến…”

Ngày nay cuộc sống phát triển, nhu cầu nuôi chim cảnh vui chơi giải trí, pháp luật không cấm. Song, “chim rừng về phố” với thú chơi (và cả “thú ẩm thực”) đã kéo theo tình trạng săn bắt vô tội vạ làm những người yêu thiên nhiên không khỏi lo lắng: một ngày không xa sẽ vắng tiếng chim rừng!

Bác Hai Thành- lão ông ở An Bình buồn rười rượi khi nhắc đến chim. Bác bảo: “Hồi trước ra vườn, chim với người như là bạn bè. Chúng rất dạn dĩnh đậu trên cây líu lo hót nghe cũng vui tai và chúng giúp nhà nông tiêu diệt sâu, rầy phá hại, giúp trái cây trúng mùa. Bây giờ nạn săn bắt chim tràn lan nên sâu hại tấn công vườn tược, chắc vài năm nữa sẽ không còn được nghe tiếng chim…”.


Bài, ảnh: NGỌC THUẬN