KINH NGHIỆM HAY:

Xây tráng đường từ... trấu

Cập nhật, 07:23, Thứ Ba, 11/09/2012 (GMT+7)

Dùng vỏ trấu thay cho sắt, đá để làm đường đan, nhiều tuyến giao thông nông thôn ở huyện Trà Ôn đang được nối dài bằng cách làm độc đáo này.


Tuyến đường đan ấp Phú Sung được làm từ trấu- cát- xi măng.

Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường đan ở huyện Trà Ôn được xây dựng chỉ với trấu- cát- xi măng, tiết kiệm được 2/3 kinh phí đầu tư, chất lượng vẫn khá tốt. Với cách làm này, 2 tuyến đường đan thuộc ấp Mái Dầm (Phú Thành) và ấp Kinh Ngây (Lục Sĩ Thành) dài gần 4km đã hoàn thành với tổng kinh phí chỉ khoảng 600 triệu đồng. Trong khi làm đường đan bê tông cốt thép sẽ tốn không dưới 1,5 tỷ đồng. Tính ra, bình quân 1m2 “đường trấu” chỉ tốn 100.000đ, còn đường đan bê tông phải mất từ 300.000đ trở lên.

Cụ thể, đường đan ấp Kinh Ngây (Lục Sĩ Thành) có chiều dài 1.200m đã hoàn thành sau hơn 1 tháng thi công với mặt đan rộng 2m. Nhờ sử dụng vật liệu mới cùng với sự đóng góp ngày công lao động của người dân nên kinh phí được tiết giảm đáng kể với tổng kinh phí khoảng 230 triệu đồng.

Trước đó không lâu, tuyến đường đan thuộc ấp Mái Dầm (Phú Thành) dài hơn 2.700m cũng được làm từ trấu- cát- xi măng. Đến nay mặt đường vẫn láng, độ cứng cũng không thua đường đan làm bằng bê tông cốt thép. Nhưng kinh phí xây dựng chỉ khoảng 370 triệu đồng.

Gần đây nhất, UBND xã Phú Thành khởi công xây dựng tuyến “đường trấu” tại ấp Phú Sung dài gần 500m, rộng 1,6m, tổng vốn khoảng 75 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ giao thông nông thôn do nhân dân đóng góp. Đây là tuyến giao thông kết hợp thủy lợi, đảm bảo khép kín đê bao chống lũ cho trên 200ha hoa màu và vườn cây ăn trái. Đây cũng là con “đường trấu” thứ 2 của xã.

Theo kinh nghiệm của người dân, tỷ lệ phối trộn là 1 bao xi măng, 7 xô cát và 7 xô trấu (hoặc 1 bao xi măng- 6 xô cát- 6 trấu). Trước khi trộn, trấu được ngâm nước khoảng 2 đêm thì trấu mới “ăn hồ”, khi tráng thì mặt đường đan sẽ láng đẹp. Cái hay của “đường trấu” là có hư hỏng thì chỉ cần trám lại là “láng o như mới”, còn đường bê tông khi giặm vá thường không có độ kết dính tốt giữa lớp cũ và mới nên không bền, chưa kể khi bị bong tróc sắt dễ hư hao.

Ngoài làm đường giao thông, hiện nay một số bà con xã Phú Thành còn sử dụng vật liệu mới này để làm nền chuồng trại chăn nuôi, sân phơi cũng mang lại hiệu quả khá cao.


“Đường trấu” giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng.

Ông Ngô Công Khanh- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành, cho biết: Việc sử dụng trấu làm đường đan bắt đầu từ cuối năm 2011. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ mô hình tương tự ở xã Tích Thiện, thấy có hiệu quả, lại tiết kiệm kinh phí nên xã về triển khai làm ngay. Đường đan ấp Mái Dầm được chọn thử nghiệm đầu tiên, lúc đầu cũng đắn đo, nhưng sau khi bàn bạc kỹ, xã đã mạnh dạn vận động nhân dân đầu tư xây dựng công trình. Qua thực tế sử dụng, công trình đã đem lại kết quả ngoài mong đợi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Thấy có hiệu quả, xã tiếp tục vận động nhân dân mở thêm được nhiều tuyến mới. Sắp tới đây, hơn 1.000m đường ở ấp Phú Hưng sẽ được xây dựng theo cách này.

Theo ông Hồ Nhật Thế- Chủ tịch HĐND xã Phú Thành góp thêm: Do chi phí thấp nên khi vận động nhân dân rất nhiệt tình ủng hộ hiến đất, hoa màu và ngày công lao động. Bên cạnh, công trình là do dân tự quản lý, giám sát và tham gia thi công nên đảm bảo chất lượng, nâng cao ý thức bảo vệ công trình. Với cách làm này, khả năng nhân rộng mô hình là rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho xã nối mạch mạng lưới giao thông nông thôn thông suốt, góp phần phát triển kinh tế địa phương hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Các tin khác: