Thanh niên miền Tây "bứt phá" khởi nghiệp

Cập nhật, 07:12, Thứ Bảy, 15/10/2016 (GMT+7)

Những năm qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và không ngừng lan tỏa.

Với sự năng động, sáng tạo, thanh niên miền Tây đã mạnh dạn ứng dụng nhiều mô hình kinh doanh, sản xuất mới có hiệu quả vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Đã có rất nhiều “tỷ phú áo xanh” vươn lên từ đôi bàn tay trắng, sinh viên có những sáng tạo trị giá hàng triệu đồng hay những trí thức trẻ làm giàu trên đất quê hương... tạo nên bức tranh sống động về thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, bản lĩnh và sống có trách nhiệm...

Kỳ 1: Chuyện Út Tiếng làm gạo sạch

Út Tiếng và sản phẩm Gạo an toàn Tâm Việt được người tiêu dùng ủng hộ.
Út Tiếng và sản phẩm Gạo an toàn Tâm Việt được người tiêu dùng ủng hộ.

Ít ai ngờ rằng Võ Văn Tiếng (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp)- chàng thanh niên ham chơi ngày nào- giờ đã thành người gắn liền với thương hiệu gạo an toàn Tâm Việt.

Ngay cả chính Út Tiếng cũng không ngờ sản phẩm của mình giờ lại được mọi người đón nhận như thế. Bởi “ngay khi thực hiện ý tưởng sản xuất lúa sạch, Út không được gia đình ủng hộ đã thế còn bị mọi người cho là “điên”- Tiếng kể.

Cuộc phiêu lưu ý nghĩa

Chuyện Út Tiếng sản xuất lúa nói không với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khiến cả xóm lấy làm lạ lắm vì trước giờ ở đây chưa có ai làm lúa mà không sử dụng phân bón hóa học cả. Mọi người cho rằng Tiếng “điên” và khuyên can đừng làm liều nữa. Nhất là ba Tiếng- người phản đối quyết liệt và cố ý chờ coi ngày Tiếng thất bại cho biết “mùi đời”.

Út Tiếng kể: Hồi trước, Út ham chơi nên không chịu học hành đến nơi đến chốn. Đến một ngày, Út chợt nhận ra nếu cứ bám nhà thì “đời coi như mất ý nghĩa”.

Thế là Út xin ba má đi bộ đội để rèn ý chí tự lập. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Út lên Sài Gòn học nghề với chuyên ngành công nghệ thông tin, sau đó tiếp tục học hướng dẫn viên du lịch để mong thoát khỏi nghề nông của gia đình. Học đủ thứ nghề mà vẫn không phù hợp, Út tự tìm tòi học hỏi ngoài xã hội.

Với suy nghĩ: thanh niên phải sống có điểm nhấn cho tuổi trẻ của mình, anh vác chiếc xe đạp đi từ Cà Mau đến Hà Nội cho dù trong túi anh chỉ có… 10.000đ. Đi đến đâu anh làm thuê đến đó để đổi lương khô đi tiếp. Chuyến đi đó đã cho anh nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, học nhiều bài học mà không trường nào dạy được.

Tiếng so sánh: Người Tây Bắc sống hạnh phúc lắm, “không phải vì họ có nhiều của cải mà nhờ có sức khoẻ tốt, nguồn sản phẩm sạch”.

Trong khi nông dân quê mình, ai cũng lạm dụng thuốc, phân bón hóa học bừa bãi. “Lúa gạo được làm ra từ “đống” phân thuốc ấy không phải là lương thực”- anh khẳng định:

Từ đó, anh tự đặt câu hỏi: Vì sao người Việt mình ngày càng có nhiều người mắc ung thư, phải chăng do ăn uống thực phẩm không an toàn? Tại sao Việt Nam là nước sản xuất gạo đứng thứ hai thế giới nhưng chất lượng gạo vẫn chưa bằng các nước bạn Campuchia, Thái Lan...

Những câu hỏi đó cứ không ngừng thôi thúc anh quay trở về quê hương để làm “cuộc cách mạng gạo sạch” với mong muốn tạo ra một sản phẩm an toàn nhất từ gạo cho gia đình và những người có nhu cầu.

Nức tiếng gạo sạch Tâm Việt

Để có được hạt gạo sạch đến tay người tiêu dùng, Út Tiếng phải bắt đầu hành trình khởi nghiệp đơn độc như những chuyến đi của anh. Cũng dễ hiểu vì mấy ai dám ủng hộ một thanh niên “lêu lổng” bỗng quay sang làm nông dân.

Tiếng kể lại: “Lúc Út nói dự định này với ba thì ông một mực phản đối vì cho rằng Út chẳng có chút kiến thức gì, lại chưa một lần chạm đến cây lúa hay cái cuốc... Thế nhưng Út cương quyết làm và làm phải thành công”.

Không thể ngăn được Tiếng, cha anh đã cấp cho 2ha đất để xem “con làm được gì”. Anh bắt đầu xây dựng bờ bao cao, chủ động nước và sản xuất giống lúa Nàng Hoa 9.

Mùa đầu, anh giảm nửa lượng phân bón và nhất quyết không xài thuốc trừ sâu. Khi nhìn thấy những hạt lúa đầu tiên ra đời, Tiếng vừa vui vừa buồn. “Vui vì đó là sản phẩm sạch do mình làm ra.

Còn buồn là vì sản lượng không như mình dự kiến. Lời vô tiếng ra, thử thách đủ thứ. Nhưng Út không nản chí và coi thất bại là mẹ thành công”- anh chia sẻ.

Út Tiếng cho rằng: Làm gạo sạch không vì lợi nhuận mà vì lợi ích cho người tiêu dùng.
Út Tiếng cho rằng: Làm gạo sạch không vì lợi nhuận mà vì lợi ích cho người tiêu dùng.

Mùa thứ hai, anh thuê 10ha đất trồng lúa sạch và nói không với phân hóa học hẳn luôn. Với nhiều người, có vẻ như Tiếng đang đùa cợt vì lấy gì chống sâu bệnh. Chòm xóm lo ngại, rầu dùm cho anh, khuyên phải xịt thuốc thôi nếu không “rầy lửa ăn hư hết lúa”.

Tiếng nhất quyết không, vì “con rầy lửa ăn tí thôi rồi no, nếu ham ăn quá sẽ bể bụng mà chết”. Hàng xóm lắc đầu, gọi Tiếng là “Tiếng liều”. Quả nhiên, cây lúa khi qua 20 ngày tuổi tự dưng xanh tốt trở lại.

Theo Tiếng, tự nhiên có cách giải quyết hài hòa của nó. Những loài “thiên địch” sẽ thay thế thuốc trừ sâu hiệu quả. Nói thì đơn giản nhưng để làm được thế, anh đã ngày đêm tìm hiểu giai đoạn thiên địch sinh trưởng, canh thời tiết, giờ bơm nước để có thể thuận theo tự nhiên mà trừ sâu bệnh...

Không chỉ vậy, Tiếng còn kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, “vừa tạo nên hệ tuần hoàn sinh thái tự nhiên lại thêm thu nhập”- Tiếng giải thích.

Đặc biệt, Tiếng còn tự đi xay xát gạo và đóng bao bì sản phẩm gạo làm ra với thương hiệu gạo Tâm Việt với “cái tâm của người Việt”. Hạt gạo sạch trắng tinh, dẻo, thơm lại ngon ngọt nên Tiếng chỉ đủ bán cho bạn bè, mối quen mà thôi. Và dự án sản xuất gạo sạch này đã mang lại cho anh thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Tiếng giờ trở nên nổi tiếng. Anh cho biết hiện đã mở rộng mô hình 20ha và nếu có điều kiện sẽ mở rộng quy mô hơn. “Sức khỏe người tiêu dùng mới chính là đích đến của Út”- anh khẳng định.

 

Ông Nguyễn Lâm Viên- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit đã đầu tư 50 triệu đồng cho dự án lúa sạch Tâm Việt. Ông Viên cho biết: “Tôi tin rằng Tiếng sẽ có một bước đi rất nhanh trong tương lai, bởi nông nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay người ta đang mong đợi trở về nền nông nghiệp hữu cơ”.

>> Kỳ 2: Vững chí, bền lòng- bí quyết thành công của ông chủ 9X

  • ™Bài, ảnh: CẨM HUỆ