Nhà giàn DK1- hải trình đong đầy cảm xúc

Kỳ cuối: Ký ức không quên nơi trùng khơi

Cập nhật, 20:39, Thứ Bảy, 23/03/2024 (GMT+7)

 

Do sóng to, gió lớn, không thể trực tiếp lên thăm các nhà giàn, trưởng đoàn công tác chúc Tết qua bộ đàm.
Do sóng to, gió lớn, không thể trực tiếp lên thăm các nhà giàn, trưởng đoàn công tác chúc Tết qua bộ đàm.

Vượt qua muôn trùng khơi, tàu Trường Sa 16 đã nối gần khoảng cách giữa đất liền với biển trời Tổ quốc, góp phần mang không khí đầm ấm đến các Nhà giàn DK1- nơi những chiến sĩ kiên trung luôn vững vàng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng.

Hải trình kết thúc, nhưng đã để lại trong lòng mỗi người những kỷ niệm đẹp cùng những ấn tượng khó phai. Đó là những cảm xúc nghẹn ngào khi không thể đặt chân lên nhà giàn khi chỉ cách nhau chưa đầy 200m. Đó còn là những giây phút quyến luyến, bịn rịn chia tay khi rời nhà giàn. Và đó còn là buổi lễ tưởng niệm dâng trào cảm xúc... Tất cả đã tạo nên những ký ức đẹp, để mỗi khi nhắc lại thấy càng yêu thương nhau hơn và yêu biển trời Tổ quốc biết dường nào.

Nghn ngào... người đó, nhà giàn đây

Tàu Trường Sa 16 chở theo nhiều tình cảm, hơi ấm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nhà giàn DK1. Ở nhà giàn, các anh chờ đoàn chúc Tết như chờ những người thân, nhưng do sóng to, gió lớn, dòng chảy mạnh và sự khắc nghiệt của thời tiết, nên đoàn công tác chỉ được lên thăm CBCS Nhà giàn DK1/9 và DK1/21 thuộc cụm Ba Kè. Đối với các nhà giàn còn lại thì chuyển quà qua dây và gửi lời chúc qua bộ đàm.

Trong khoảnh khắc thân thương, gần gũi, tàu và nhà giàn chỉ cách nhau chưa đầy 200m, nhưng mọi người đành phải chào nhau từ xa trong sự ngậm ngùi, nghẹn ngào và tiếc nuối vì không thể tận mặt nhìn thấy nhau hay bắt tay chào, thăm hỏi nhau trực tiếp...

Đại tá Trần Chí Tâm- Phó Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác xúc động nói: “Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cùng các nhà báo, phóng viên trong cả nước đã tới Nhà giàn DK1/20 (cụm Ba Kè); DK1/8, DK1/9 (cụm Quế Đường); DK1/7 (cụm Huyền Trân); DK1/2, DK1/16, DK1/17 và DK1/18 (cụm Phúc Tần), nhưng do sóng gió phức tạp, đoàn không thể lên thăm và chúc Tết trực tiếp các đồng chí được. Đoàn mong các đồng chí hết sức chia sẻ và thông cảm.

Nhân dịp đầu xuân mới, được sự ủy quyền của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2, đoàn công tác gửi tới toàn thể CBCS lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Đặc biệt là luôn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc với tinh thần “còn người, còn nhà giàn”, vui xuân mới, vững tay súng, không quên nhiệm vụ”.

Đáp lại tình cảm của trưởng đoàn công tác và hậu phương, từ đầu dây bên nhà giàn, Đại úy Trần Huy Thân- Chính trị viên Nhà giàn DK1/20 đã chân thành cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và các nhà báo, phóng viên cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả nước đã động viên, tặng quà, chúc Tết đơn vị.

“Đây là món quà vô giá, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp đơn vị yên tâm công tác. CBCS Nhà giàn DK1/20 xin hứa sẽ vững tay súng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước”- Đại uý Trần Huy Thân nói.

Tại khu vực cụm Quế Đường, đáp lại lời chúc chân tình cùng tình cảm của thủ trưởng và đoàn công tác, Trung uý Phan Tiến Tùng- Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Nhà giàn DK1/19 xúc động gửi lời cám ơn đến thủ trưởng và đoàn công tác đã vượt ngàn sóng gió, mang những tình cảm thân thương, hơi ấm của đất liền đến với các CBCS đang công tác nơi đầu sóng ngọn gió, đã “đưa khoảng cách giữa đất liền đến với chúng tôi ngày một gần hơn”- Trung uý Phan Tiến Tùng chia sẻ.

“Lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ hải quân

Đại tá Trần Chí Tâm- Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân nhận định: Thành công của chuyến hải trình là sự tổng hợp tình đoàn kết quân dân gắn bó. Các thành viên của đoàn cùng nhau chia sẻ khó khăn, động viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân giao. “Tôi mong rằng, sau hải trình, các nhà báo sẽ lan tỏa nhiều hơn nữa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ hải quân kiên trung, can trường, bản lĩnh giữ vững chủ quyền Tổ quốc từ hướng biển”- Đại tá Trần Chí Tâm nhắn nhủ.

Phía bên đây bộ đàm, nhà báo Cù Thị Thuận- Báo Đồng Nai nhắn gửi: “Hậu phương đất liền luôn ở bên các anh, các anh hãy vững tay súng, chắc chân sóng để giữ vững chủ quyền biển đảo thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc”...

Tàu Trường Sa 16 hú còi chào tạm biệt để tiếp tục hải trình. Tàu chạy một vòng quanh nhà giàn. CBCS nhà giàn tập trung trước ban công của “cột mốc” chủ quyền, cầm lá cờ Tổ quốc phất cao trong gió biển.

Những cánh tay vẫy chào của người lính hải quân dần mờ xa, nhưng trong tiếng sóng biển dường như vẫn ngân vang giai điệu bài hát “Mùa xuân DK” của nhạc sĩ Thập Nhất: “Sóng gió mặc sóng gió/ Lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mặc chênh chông/ Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông...”. Tiếng hát hòa cùng nhịp sóng vỗ khi tàu đang chầm chậm rời xa...

Dáng hình anh hoà mình vào sóng nước

Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người con đã hy sinh bảo vệ độc lập, tự do của tổ quốc.

Trong chặng cuối của hải trình, tại bãi cạn Phúc Tần đoàn công tác đã tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đây được xem là lời tri ân và nhắc nhở dành cho các thế hệ tiếp nối- noi gương và nỗ lực phấn đấu, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các vị anh hùng dân tộc.

Đúng 7 giờ sáng, tất cả thành viên đã có mặt trên boong tàu, nghiêm trang dự lễ tưởng niệm. Với lòng thành kính, biết ơn vô hạn, đoàn công tác kính cẩn, nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, đời đời trân trọng công lao, sự hy sinh vô bờ bến vì sự toàn vẹn giang sơn, gấm vóc.

Trung tá Lê Xuân Tâm- Trưởng Ban Dân vận Vùng 2 Hải quân ôn lại những chiến công hào hùng của những người lính nhà giàn DK1 đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta cảm phục sự hy sinh cao cả của CBCS Nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông vào đêm 4, rạng sáng 5/12/1990”.

Thời điểm này, dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và thượng úy, Trạm phó Chính trị Trần Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 CBCS xuống biển. Và rồi 3 CBCS đã anh dũng hy sinh...

Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng...

Trong cơn bão số 8 tháng 12/1998, Nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên (hay còn gọi là nhà giàn Phúc Nguyên 2A) bị nghiêng, rung lắc dữ dội. Với tinh thần “còn người, còn nhà giàn”, các CBCS đã kiên trì bám trụ để giữ vững thông tin liên lạc, liên tục báo cáo chính xác diễn biến về Sở Chỉ huy quân chủng.

Đồng thời, dự kiến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và tìm mọi biện pháp nhằm giảm thấp nhất thiệt hại về người và trang bị… Trong giờ phút sinh tử, Đại úy Vũ Quang Chương vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, còn anh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng.

Sức mạnh và sự tàn phá của cơn bão số 8 lên đến đỉnh điểm cũng là lúc Nhà giàn DK1/6 bị đổ. Chín CBCS lần lượt nhảy xuống biển và được lệnh bám lên phao bè, nhưng những cơn sóng dữ liên tục dội xuống khiến mọi người bị rơi ra nhiều hướng. Chuẩn úy Lê Đức Hồng, chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” trước khi ngã vào lòng biển.

Anh ra đi khi vẫn còn tám lá thư màu mực tím chưa kịp gửi cho cô gái vừa làm quen qua hộp thư kết bạn. Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã ngã xuống khi đứa con nhỏ vừa mới chào đời, chưa kịp nhìn mặt bố. Đại úy Vũ Quang Chương đã nằm lại mãi dưới thềm lục địa cùng lá cờ Tổ quốc, bỏ lại bên đời hai người em gái bị nhiễm chất độc da cam... Các anh đã đi vào lòng biển, hoà mình vào sóng nước.

Trong chuyến đi thanh xuân của mình, hình ảnh mà cô phóng viên trẻ Nguyễn Nhật Quỳnh- Báo Lâm Đồng, không thể nào quên được, đó là khi chia tay CBCS Nhà giàn DK1/21. “Lúc đó, các anh đưa dây để tôi đu xuống xuồng. Mặc dù mưa to, gió lớn, biển động, nhưng mọi người vẫn đứng ở trên nhà giàn và vẫy tay chào, gửi những lời chúc sức khoẻ, cùng lời chúc năm mới đầy quý mến và yêu thương... Tôi đã rất xúc động vì không biết sau này sẽ cơ hội nào để chúng tôi có thể gặp lại nhau, được gặp lại các anh em CBCS trên nhà giàn nữa không”- Nhật Quỳnh tâm sự.

“Một cái chết để muôn ngàn lần sống. Tên của các anh vang vọng mãi giữa thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, trong triệu triệu trái tim của người dân Việt Nam. Tự hào người chiến sĩ hải quân, tự hào người chiến sĩ Nhà giàn DK1 luôn vững tay súng canh giữ biển trời của Tổ quốc…”- trung tá Lê Xuân Tâm xúc động nghẹn ngào.

Hoà lẫn giữa đau lòng và bi tráng, phóng viên Vũ Nguyên Hạnh- Báo Tuổi trẻ chia sẻ: “Tôi cảm phục và hy vọng câu chuyện của các anh không bao giờ bị lãng quên. Đứng trước các anh, tôi cảm thấy mình khiêm nhường hơn và tôi nghĩ rằng đây là điều mà tôi khắc cốt ghi tâm để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đóng góp cho đất nước”...

Tàu Trường Sa 16 chở đoàn công tác dần rời xa tuyến nhà giàn trở về đất liền. Những cánh tay vẫy chào tiễn biệt nhau trong vô ngần cảm xúc. Hải trình rẽ sóng, vượt biển đã thành công tốt đẹp.

Các thành viên đoàn công tác đã nỗ lực cùng nhau đưa đầy đủ hương vị Tết đến với CBCS các nhà giàn, tạo động lực tinh thần to lớn, góp phần giúp các anh yên tâm chắc tay súng, vững chân sóng, bảo vệ vững chắc từng cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi.

Hải trình kết thúc, nhưng những kỷ niệm về các nhà giàn DK1 và tàu Trường Sa 16 sẽ lưu dấu mãi trong ký ức mỗi người.
Hải trình kết thúc, nhưng những kỷ niệm về các nhà giàn DK1 và tàu Trường Sa 16 sẽ lưu dấu mãi trong ký ức mỗi người.

Sau 15 ngày chân không chạm đất, gắn bó cùng nhau trên biển, các thành viên của đoàn đã cùng ăn cùng ở, cùng nhau trải qua những khoảnh khắc đẹp, xúc động và tự hào... Yêu lắm biển trời Tổ quốc thân thương, yêu lắm nhà giàn DK1 và Tàu Trường Sa 16.

Tiếp nối sự nghiệp giữ biển

Tiếp nối truyền thống hào hùng, đã và đang có nhiều thế hệ trẻ lên đường tòng quân giữa mùa xuân, tiếp tục sự nghiệp giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

 

Những ngày có mặt trên tàu Trường Sa 16 theo chuyến hải trình “mang xuân đến nhà giàn DK1”, hạ sĩ Trần Công Đức (19 tuổi, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) không khỏi tự hào khi góp sức cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

 

Trước khi được phân công đi Nhà giàn DK1/19 (cụm Quế Đường), Đức là hạ sĩ, có gần một năm đi nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn DK1, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân. Vài tháng trước, khi nhận được cuộc gọi từ một người bạn đang công tác ở nhà giàn, anh thấy mình có duyên với biển nên viết đơn đăng ký tình nguyện bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Đức từng có chú và cậu ruột là chiến sĩ nhà giàn. Điều đó như tiếp thêm động lực giúp anh tự tin khi nhận nhiệm vụ “giữ biển”. “Lần đầu tiên mình đón tết ở nhà giàn, nên xen lẫn niềm vui với sự hồi hộp. Mình quyết giữ vững tinh thần vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó”- Đức chia sẻ.

 

Phó Thuyền trưởng Tàu Trường Sa 16- Phạm Hồng Quân, một sĩ quan trẻ đầy bản lĩnh. Cha mẹ anh đều công tác trong ngành Hải quân, lúc nào cũng bận rộn, có khi đi cả tháng không về nhà. Khi bước chân vào nghề, anh Quân càng hiểu và thương cha, mẹ hơn.

 

Đồng thời, anh tự hứa sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp nối thế hệ cha ông. Cấp ủy, Chỉ huy tàu Trường Sa 16 đã đề xuất thăng quân hàm trước niên hạn đối với Phạm Hồng Quân bởi những thành tích mà anh và tập thể cấp ủy, Chỉ huy tàu Trường Sa 16 đã đạt được.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI