Tạp bút

Khắc sâu hình bóng...

Cập nhật, 12:33, Chủ Nhật, 24/03/2024 (GMT+7)

Bà là người đàn bà đã sinh ra cha ta, ra mẹ ta. Bà là người đàn bà đã nuôi nấng ta bằng bàn tay nhăn nhúm, bằng lời ru ầu ơ, với tình thương ngọt ngào như củ khoai lùi, ấm áp như than hồng trong bếp chiều quê. Cuộc sống đơn giản với những hình ảnh thân thương, quen thuộc hàng ngày vậy mà in đậm vào tâm hồn của ta.

Về quê, không khó bắt gặp cảnh bà chăm lo cho cháu, đưa cháu đi học. Vì “không làm là không có ăn”, không ít vợ chồng trẻ gửi con cho bà ở quê chăm sóc để lên thành phố làm ở các khu công nghiệp. Và cháu thấy ấm áp và được yêu thương khi ở bên bà. Bà thấy tâm trạng thoải mái, hạnh phúc khi được bên cháu, không bị cô đơn ở tuổi xế chiều. Ba mẹ cũng yên tâm vì không ai thương cháu như ông bà.

Cháu lên ba với đôi mắt tròn xoe, khuôn mặt bầu bĩnh, giọng non choẹt đã thuộc và hát tặng bà: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm/ Tóc bà trắng màu trắng như mây/ Cháu yêu bà cháu nắm bàn tay/ Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui”.

Hình ảnh của người bà xưa hay nay cũng thế, đã đi vào tâm hồn non trẻ của những đứa cháu thơ dại với hình ảnh tóc bạc lơ phơ bay theo con gió bởi dãi dầu mưa nắng, hình ảnh chiếc khăn rằn vắt hờ qua vai, tay ngoái cơi trầu… Những hình ảnh khắc sâu vào nỗi nhớ của những đứa cháu và hiện lên lúc lòng nỗi khắc khoải, nhớ thương: “Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.

Cách đây hơn 15 năm, đi đâu cũng nghe và thuộc nằm lòng “Ngày nào thơ dại nội yêu thương/ Bắt con cua đồng cho tôi vui/ Đêm về nội gói gói bánh lá dừa khi cháu thèm ăn/…/ Một đời nuôi cháu thương con/ Một đời chèo ghe đưa đò/ Dãi dầu mưa nắng/ Tóc trắng lưng còng thương quá nội ơi” từ những chiếc đầu đĩa, thùng loa phát ra với bài hát mộc mạc, chân tình qua giọng ca Đan Trường (“Nội tôi” của nhạc sĩ Đình Văn). Nghe khắc khoải xót thương quá đi.

“Rồi ai rắc muối lên này/ Làm cho mái tóc của bà bạc phơ”. Khi tóc bà bạc phơ, lúc ấy cháu đã lớn khôn. Cháu lớn lên đi lập nghiệp, cháu xa bà, cháu lại nhớ bàn tay nhăn nhúm làm những món cháu thích ăn một thời thơ dại. Có cao sang gì đâu trong thời “đủ ăn là quý” rồi, đó là bánh nắn lá, bánh lá dừa, bánh đúc, bánh lọt,… Lâu lâu những đứa trẻ ngày ấy xúm lại làm bánh dân gian để bà cháu cùng ngồi nhớ lại những ngày qua. Để nhớ lại khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời.

Đàn cháu của bà, ai hỏi bà bảo: “Đứa này con thằng hai, đứa này con thằng năm, đứa này con con ba…”. Vòng tay bà dang rộng và ấm áp nuôi đàn cháu. Bà không giàu tiền, giàu bạc, bà chỉ có bàn tay ấm áp. Bàn tay bà nhăn nhúm vì nắm chặt tay cháu, dẫn cháu đi suốt đoạn đường thơ dại. Bà cháu chẳng ngại ngần thể hiện tình yêu thương qua buồng chuối xiêm chín bói bị chim ăn, với trái ổi sẻ, trái mận hồng đào,… Lúc bà ngồi ngạch cửa, tựa lưng, ánh mắt mỏi mòn trông. Chiếc đèn dầu in bóng bà trên vách lá. Thương sao!

Bên bà, cháu cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn, sự ấm áp và gần gũi. Tuổi thơ gắn với những bước chân chạy đùa trên cánh đồng, yên cả bên dòng sông, khóm trúc,… không bao giờ phai trong tâm trí. “Bà tôi tóc bạc da nhăn/ Nhưng tôi vẫn quý vẫn thương vô cùng”.

HOÀI THƯƠNG