Khi nông dân lên Zoom bàn chuyện làm ăn

Cập nhật, 09:56, Chủ Nhật, 26/09/2021 (GMT+7)

 

Nông dân ở Vũng Liêm lên Zoom bàn chuyện làm ăn với thế giới (ảnh chụp trước dịch bệnh).
Nông dân ở Vũng Liêm lên Zoom bàn chuyện làm ăn với thế giới (ảnh chụp trước dịch bệnh).

(VLO) Trên hành trình tìm nông sản sạch, mong muốn đem đến cho cộng đồng sự thay đổi trong tư duy canh tác, thói quen tiêu dùng, cũng đã có không ít người gục ngã trong sự lẻ loi.

Nhưng con đường đó vẫn đang tiếp tục, bằng nhiều cách và nhiều con người tâm huyết gặp nhau mà hợp thành. Mekong Organics (Úc) ra đời tự đặt trên vai mình sứ mệnh kết nối, đưa nông dân đồng bằng lên tầm nhìn rộng hơn, để nhìn lại chính mình.

Nó như một cuộc tiếp lửa mạnh mẽ gây dựng một niềm tin tiếp tục trên một con đường nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Những nông dân đã lên Zoom (một ứng dụng hội họp trực tuyến) nhìn ra thế giới.

Chuẩn bị dũng khí và sự… thất bại

Năm 2016, anh Hồ Quốc Việt (xã Phước Hậu- Long Hồ) cùng một người bạn bàn bạc chuyển hướng đầu tư làm nông sản sạch sau gần 20 năm xịt, xịt và xịt đủ loại thuốc hóa chất, cũng gợn nỗi lo bệnh tật của chính gia đình mình trước.

Nhưng cuộc chơi “lỡ phóng lao phải theo lao” đã đưa số vốn dự tính đơn giản ban đầu không nhiều, nó đã dắt dây đủ thứ lên đến hơn 200 triệu. Và càng kéo dài về những năm tiếp theo nó… càng lỗ.

Nhiều nông dân dạn dày kinh nghiệm cho rằng: “Tụi này điên, đem tiền quăng xuống đất mà chẳng biết có thu hồi được không”. Trên con đường đổi mới một nền nông nghiệp thật sự rất cần cái chất “điên” được chuẩn bị sẵn sàng dũng khí và lòng lương thiện để đem đến cho cộng đồng sự đổi thay tốt đẹp.

Trang trại lúa mùa Tư Việt (Kiên Giang) nhận sự tài trợ của Mekong Organics đã có nhiều sản phẩm đóng gói từ gạo lúa mùa.
Trang trại lúa mùa Tư Việt (Kiên Giang) nhận sự tài trợ của Mekong Organics đã có nhiều sản phẩm đóng gói từ gạo lúa mùa.

Anh Nguyễn T.Đ. ở TP Long Xuyên (An Giang) chỉ đầu tư ban đầu cho 5 công rẫy, cùng đội ngũ bán nông sản trực tiếp cho người dân, vậy mà suýt vỡ nợ con số trên 500 triệu.

Nếu không được “bơm vốn” kịp thời thì giờ đây chắc cũng đã dẹp lại giấc mơ nông sản sạch lâu rồi. Vượt qua những bước ngoặt suýt chết, giờ đây trang trại của anh đã định hình được thương hiệu, xây dựng những mối quan hệ chặt chẽ từ cộng đồng hữu cơ ở Úc và Nhật Bản.

Những câu chuyện thành công mà nhiều người được biết, nó chỉ là cái phần nổi hiếm hoi trong khi có biết bao nhiêu người đã gục ngã giữa đường.

Nhưng nền nông nghiệp đồng bằng đầy tự hào lớp lớp nông dân cha truyền con nối, hiểu rõ đất đai, gắn bó với ruộng rẫy như chính máu thịt mình và một vùng tài nguyên trù phú, mênh mông trải khắp các nhánh sông giàu có phù sa hàng triệu năm nay, một chế độ khí hậu, thời tiết khá thuận lợi thì lẽ nào không định hình được những sản phẩm “độc bá thiên hạ”.

Cuộc đua sản lượng đã đẩy nông dân vào những niềm vui giả tạo được mùa, còn nỗi đau mất giá, dội hàng là thường xuyên và có thật. Chẳng lẽ một nền nông nghiệp có đầy đủ những thế mạnh như thế mà không đủ sức tự đứng lên mạnh mẽ, vươn tầm mà cứ mãi trông chờ… lòng hảo tâm giải cứu!

Trong khi đó, con đường hướng đến chất lượng, phẩm chất cao và nông sản sạch, sinh thái thì quá nhiêu khê và thực sự… nguy hiểm.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh)- nói tại hội thảo khoa học: “Nếu ghét ai cứ xúi họ làm nông nghiệp sạch đi, 3 năm là phá sản hà”. Một câu nói đùa chua chát, nhưng nó thể hiện rõ cái thực trạng khó khăn thế nào trên con đường canh tác hướng đến nền nông nghiệp an toàn, sinh thái.

Nông dân cần có một sự kết nối, dẫn dắt để không còn lẻ loi, giảm rủi ro, có cơ hội làm giàu ngay trên mảnh ruộng của mình. Điều quan trọng là nông dân xứng đáng có vị trí cao hơn, đời sống vững chãi hơn. Họ cần một điểm tựa và một đòn bẩy thực sự.

Nông dân lên Zoom bàn chuyện làm ăn

Bắt đầu từ Diễn đàn phát triển nông nghiệp hữu cơ đầu tiên ở ĐBSCL vào tháng 1/2019, tại Trường ĐH An Giang, có hơn 200 đại biểu đến từ các viện, trường ĐH, các nhà nông, tổ chức xã hội cộng đồng trong nước, các nhà khoa học hữu cơ đến từ Úc (Australia) và các nước vùng Mekong.

Dự án này được Đại sứ quán Úc tại Việt Nam chọn là dự án tiêu biểu của chương trình. Sau khi được thành lập phi chính thức tại Úc năm 2017, Mekong Organics có cơ hội thực hiện sứ mệnh kết nối của mình bắt đầu từ dự án này.

Kết nối từ nông trại của vợ chồng anh Tony và chị Robyn (làng Cudjera Creek miền Đông Bắc Úc).
Kết nối từ nông trại của vợ chồng anh Tony và chị Robyn (làng Cudjera Creek miền Đông Bắc Úc).

Để có thể tiếp nhận các nguồn tài trợ cho các hoạt động thúc đẩy kết nối nông nghiệp hữu cơ giữa 2 quốc gia Úc- Việt Nam, năm 2019, Mekong Organics đã đăng ký doanh nghiệp tại Canberra (Úc).

Khi các nguồn tài trợ đến đã mở ra con đường cho những chuyến du học, giao lưu tham quan học tập nhiều hơn. Nguồn tài trợ của Australian Alumni Grant Funt của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã giúp cho 3 cựu du học Úc từ Trường ĐH An Giang triển khai Dự án “Phát triển đối tác Việt- Úc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở 2 quốc gia”.

Năm 2020, nhận nguồn tài trợ của Cotary Club of Hall tại Canberra (Úc), TS. Nguyễn Văn Kiền- Giám đốc Mekong Organics- thực hiện tuyển chọn 6 nhà nông đồng bằng đến tham quan, giao lưu với những nhà làm nông nghiệp hữu cơ Úc.

Dự định xây dựng hạt nhân cho Nhóm nông nghiệp hữu cơ ĐBSCL và tiếp tục triển khai các chương trình tiếp nối. Nhưng dịch COVID-19 bùng nổ, làm ngưng lại chương trình này và một chương trình khác được mở ra, đem lại lợi ích thiết thực và sự mở rộng kết nối thực sự nhanh chóng.

Hành trình “Vòng quanh nước Úc” của TS. Nguyễn Văn Kiền và ông Alan- Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ vùng Bairndale bang Victoria, Úc- đã đưa nông dân 2 nước Việt- Úc xích lại gần nhau và có những cuộc trò chuyện, trao đổi thú vị. Những ngày đầu chỉ có khoảng vài chục người, dần dần con số mở rộng đến 200- 300 người tham gia.

Sự lan tỏa, thành công của chương trình, đã tạo sự quan tâm đặc biệt từ Bộ, Sở Nông nghiệp- PTNT các địa phương, các tổ chức hữu cơ, các doanh nghiệp, nhiều chủ trang trại trên khắp cả nước tham gia.

Nhưng xúc động nhất chính là những hình ảnh đầu tiên nông dân ở vùng sâu Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã có cơ hội lên Zoom bàn chuyện làm ăn với thế giới.

Đây là niềm tin, cơ sở để Mekong Organics thực hiện tiếp dự án đào tạo trực tuyến về nông nghiệp hữu cơ cho nông dân Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Kiền chia sẻ: Trong số khoảng 570 triệu nông dân trên thế giới, thì có đến khoảng 475 triệu nông dân sản xuất quy mô nhỏ hơn 2ha. Khoa học cần tập trung nghiên cứu vào những nông hộ nhỏ và gia đình của họ.

Việc lựa chọn đất nước Úc vì đây là nước có nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp chính xác, thông minh. Với những cánh đồng hàng ngàn héc ta vẫn phát triển số đông là nông trại quy mô nhỏ (vài héc ta) để sản xuất theo phương pháp vĩnh cửu (permaculture) và hữu cơ.

Đó là đặc trưng của nền nông nghiệp hữu cơ Úc, cũng có nét tương đồng hộ sản xuất nhỏ của nông nghiệp Việt Nam.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Các tin khác: