Đem biển- đảo về với đất liền

Cập nhật, 07:22, Thứ Ba, 20/06/2017 (GMT+7)
Chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đi tuần tra. Ảnh: CAO HUYỀN
Chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đi tuần tra. Ảnh: CAO HUYỀN

Chúng tôi là những phóng viên địa phương, nơi không có biển đảo. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần đến với biển đảo quê hương thì cảm xúc rất dạt dào. Để rồi mỗi chuyến đi, chúng tôi mang về cả cảnh vật, con người nơi biển đảo. Từ đó, tuy ở đất liền nhưng nối liền với biển đảo thân yêu, qua những hình ảnh, bài viết của mình.

Hành trình không thể nào quên

Hàng năm, phóng viên Báo Vĩnh Long đưa hơn 100 tin, bài ảnh liên quan đến vấn đề biển đảo. Bao nhiêu tin, bài là gần bấy nhiêu đó chuyến hành trình chúng tôi đi. Vất vả khó khăn là không tránh khỏi nhưng đó lại là những chuyến hành trình “không thể nào quên”.

Những chuyến hành trình biển đảo là mong ước của hầu hết phóng viên. Mong ước đó không phải là mong ước như những người đi du lịch mong khám phá một vùng đất mới mà là tâm thế của những phóng viên sẵn sàng cho công việc, cho những chuyến hành trình dài ngày và nhiều khó khăn đang đợi.

Chuyến đi nhớ đời của nhà báo Nguyễn Hữu Khánh- Phó Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- là lần đến với Trường Sa năm 2008: “Tôi tự hào là một trong những nhà báo đầu tiên của tỉnh đến Trường Sa” và các thành viên báo chí đi trong đoàn cũng tự hào về nhiệm vụ của mình.

Nhà báo Hữu Khánh nói: “Là nhà báo nên một lần đến với Trường Sa”. Mười mấy ngày lênh đênh trên biển, giữa bốn bề gió lộng và biển sâu đen thẳm, nhà báo thấy mình như “giọt nước giữa biển khơi”.

Còn nói về những khó khăn trong quá trình đi công tác, nhà báo Hữu Khánh cười “tưởng chừng phải… 3 đầu 6 tay mới làm xuể”. Bởi, với 21 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong quần đảo Trường Sa, có nơi đoàn chỉ ghé 2 giờ rồi lại tiếp tục hành trình.

Nếu phóng viên chỉ đi theo đoàn thì không thể nắm tình hình cuộc sống bên ngoài được. Nhà báo Hữu Khánh chia sẻ: “Tôi để máy ghi âm tại những nơi gặp mặt… rồi xách máy ảnh ra ngoài tác nghiệp”.

Nhà báo Dương Thu hào hứng kể cho tôi nghe những câu chuyện về vùng biển đảo mà anh đã đi qua, về những chuyến hành trình mà anh ước gì được đi thêm lần nữa.

“Chỉ tính bộ máy ảnh và latop mang theo đã 15 ký”- nhà báo Dương Thu cười nói tiếp- “có những lần phải cuốc bộ khoảng 3km mới đến nơi”. Và để có những tấm ảnh đẹp, đôi khi nhà báo phải trèo lên đỉnh núi…

Đối với một nhà báo thường say xe như Thảo Ly thì những chuyến công tác biển đảo tưởng chừng như cơn ác mộng. Nhưng, 3 chuyến hành trình biển đảo Ly đều không bị say xe, say sóng. Ly cười: “Chắc tại mình nôn tới quá nên khỏe hơn cũng không biết chừng”.

Với tôi, chuyến đi công tác đầu tiên ở Vùng 5 Hải quân tưởng chừng như vắt kiệt sức của một phóng viên mới hơn 1 năm tuổi nghề. Vừa đi theo đoàn, vừa chụp ảnh… và đến khi mọi người ăn cơm thì tôi lại lụi hụi viết tin bài. Những bữa cơm ăn vội, những hôm hơi khó ở vì thiếu nước tắm và cái nắng cháy mùa hè thiêu đốt…

Đưa biển đảo đến đất liền

Nhà báo Hữu Khánh cho rằng, những vất vả, khó khăn của đoàn đi công tác không thấm vào đâu với những ngư dân trên biển.

Những chiếc tàu nhỏ đi đánh bắt xa bờ, người ngư dân không chỉ đối mặt với sóng dữ mà còn trước những thế lực thù địch khác. Rồi hình ảnh người lính biển dũng cảm, mưu trí lạ thường. “Dũng cảm thì dễ chứ mưu trí để không mắc bẫy kẻ thù thì khó lắm”- nhà báo Hữu Khánh nhận xét.

Cảm động nhất là khi đoàn công tác đến gần vùng biển nơi 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma hy sinh. Đó là nghĩa trang giữa trùng dương, đoàn thả neo mặc niệm mà ai cũng không cầm được nước mắt.

Nhà báo Hữu Khánh cho biết: “Có khi vừa viết vừa chảy nước mắt”. Thương làm sao khi đọc những dòng tâm sự trên báo tường của chiến sĩ Hải quân. Hay hình ảnh “con bò trên đảo ăn quần áo của các cô trong đoàn, vì chúng thấy váy hoa tưởng là hoa cỏ thật”, những hình ảnh chân chất của người dân xứ đảo, những người lính kiên cường giữa biển khơi… Trong chuyến đi ấy, nhà báo Hữu Khánh đã làm 2 ký sự nhiều kỳ.

Người đất liền luôn hướng về biển nên Trường Sa không xa. Ảnh: Gia Khánh
Người đất liền luôn hướng về biển nên Trường Sa không xa. Ảnh: Gia Khánh

Chúng tôi có may mắn hơn những người khác khi tham gia những chuyến hành trình biển đảo là được mang cái mình nghe, mình thấy đến với mọi người. Nhà báo Thảo Ly yêu làm sao những trẻ em nghèo trên đảo ngọc Phú Quốc.

“Có em đi chân đất, quần áo không lành lặn, khi nhận được quà thì đôi mắt sáng long lanh” và còn “Những người lính đảo dễ thương mà đến nay tôi vẫn còn giữ liên lạc”- Ly nói.

Riêng nhà báo Dương Thu, yêu biển đảo Tây Nam bởi vẻ đẹp hoang sơ và cả con người. Hạnh phúc của người làm báo là khi thấy được sự đổi thay trên những vùng đất mình đã đi qua. “Năm 2009, tôi đi công tác Phú Quốc và năm 2017 này vừa quay lại, Phú Quốc đã giàu đẹp hơn nhiều”- nhà báo Dương Thu nhận xét.

Nhà báo không tiếc công sức mình bỏ ra cho những chuyến hành trình biển đảo. Chúng tôi luôn lên kế hoạch sẵn sàng cho những chuyến đi và vì người làm báo về với biển đảo bằng cả tấm lòng đối với quê hương, bằng một tình yêu của người con đất liền đến những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Năm 2010, loạt phóng sự 4 kỳ: “Đồng bằng sông Cửu Long- Cần phát triển kinh tế biển” của Phương Nam- Trần Phước đạt giải nhất, thể loại bài; Phóng sự ảnh: “Hai chữ “thầy” trong một sắc áo” của tác giả Vinh Hiển đạt giải nhất thể loại ảnh, Giải Báo chí Nguyễn Minh Điền năm 2010.

 

Năm 2013: Loạt bài viết về biển đảo được nhiều bạn đọc khen của Ngọc Trảng “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển đảo”; “Biển đảo là quê hương”; “Lên đảo Lý Sơn sờ cột mốc Hoàng Sa”; “Không cô độc giữa biển khơi”; “Điểm tựa biển Đông”.

 

Năm 2015: Đáng chú ý là chuyến thăm chúc tết cán bộ chiến sĩ và nhân dân Vùng 4 Hải quân, Đoàn cán bộ tỉnh Vĩnh Long thăm quân dân Trường Sa với loạt bài viết “Thắt chặt thâm tình hậu phương Hải đảo”; “Sức sống mới bừng lên nơi đảo xa”; “Gần lắm Trường Sa”.

 

Năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017: Các bài, loạt bài được đánh giá cao: Loạt ký sự “Hành trình mùa xuân trên biển, đảo Tây Nam”, “Tháng 3 ra Côn Đảo”, “Rủ nhau về biển đảo Tây Nam”… 

 

 

CAO HUYỀN