Nhà báo trên những dặm đường xa

Cập nhật, 07:29, Thứ Bảy, 17/06/2017 (GMT+7)

 

Nhà báo với hạnh phúc được chuyển dịch, trải nghiệm và tắm mình trong thiên nhiên kỳ vĩ. Ảnh: VINH HIỂN
Nhà báo với hạnh phúc được chuyển dịch, trải nghiệm và tắm mình trong thiên nhiên kỳ vĩ. Ảnh: VINH HIỂN

Là kiểu nhà báo “ngang hông” cứ luôn dặn lòng mình phải học gấp đôi mọi người, sau 9 năm làm nghề, tôi rút ra một kinh nghiệm lớn nhất: hãy luôn thắp lên trong lòng ngọn lửa đam mê và một tâm thế sẵn sàng quảy ba lô, xỏ giày và lên đường bất cứ lúc nào.

Và trên những nẻo đường gần xa ấy, chúng ta sẽ được rất nhiều thứ, hơn cả những tác phẩm báo chí ra đời, là một tình yêu lớn với nghề, cùng những nỗi niềm, trăn trở trước những vấn đề mà cuộc sống, thời đại đặt ra cho nhà báo.

Cái nghiệp “xê dịch”

Thực ra được di chuyển, được xê dịch là niềm hạnh phúc lớn của một đời người. Tuy nhiên, sự xê dịch của nhà báo không phải là những cuộc đi tung tẩy, nhìn ngắm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, mà trong hành trang là hàng tá câu hỏi, ngồn ngộn những suy tư, những vấn đề cần phải nắm bắt bằng sự nhạy cảm và những thiên tư vốn có để có thể đi đến tận cùng của vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra.

Những chuyến đi khi thì trang phục chỉn chu, lúc lại phóng túng bụi bặm, nói chung là quăng mình vào những chuyến đi, hòa cùng hơi thở cuộc sống, buồn vui với từng nhân vật, sự kiện trên mỗi dặm đường đất nước.

Nhớ hồi mới ra trường, tôi đã chọn cho mình nghề hướng dẫn du lịch mà không đắn đo vì niềm đam mê với tiếng Nhật. Tuy nhiên trong sâu thẳm đã tự “hoạch định”, tự “cắt khúc” cuộc đời mình làm 2 giai đoạn mà cái đoạn kết: phải là nghề báo.

Nhưng thật sự vẫn không tự biết được “duyên đưa đẩy” sẽ đến lúc nào và mình sẽ “neo đậu” cuộc đời mình với nghề báo ở đâu? Có lẽ cái may mắn lớn nhất chính là cả 2 “giai đoạn nghề” của tôi đều gắn với ba lô, đôi giày và những cuộc di chuyển trên khắp mọi nẻo đường đất nước.

Nếu du lịch “đưa” tôi đi theo mục đích của người khác và chỉ thưởng thức những cảnh đẹp, thẩm thấu những miền văn hóa bằng những nét phác họa đơn sơ, thì nghề báo bắt chúng ta phải thật sự “lặn vào bên trong” của những sự vật, sự kiện;

vì thế mà niềm vui hay nỗi buồn thường được “đẩy” đến tận cùng của suy tư và cảm xúc. Nói văn vẻ một chút thì nếu du lịch là hoa lá cành, thì nghề báo là gốc rễ đâm sâu và bám chặt vào lòng ruột của cuộc đời.

Và cho đến nay, sau gần 30 năm dịch chuyển, ngọn lửa đam mê và niềm háo hức trước những chuyến đi chưa bao giờ nguội lạnh.

Và cũng tự nghiêm túc dặn lòng rằng cho đến bao giờ cảm thấy “mỏi gối chồn chân”, thì cũng nên... buông bút là vừa. Nếu không còn những chuyến đi, thì cái nghiệp viết hẳn là nhạt nhẽo lắm; đặc biệt đối với những người làm báo.

Có mặt tại những sự kiện lớn của đất nước là niềm hạnh phúc của nghề báo. Trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2017.
Có mặt tại những sự kiện lớn của đất nước là niềm hạnh phúc của nghề báo. Trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2017.

Vừa đi vừa kể chuyện

Nếu ai đó bắt nhà báo ngồi kể những chuyến đi, thì có mà... in thành sách, mà cũng khó lòng nhớ hết; nhưng có một điều chắc chắn rằng “chất lượng” của những chuyến đi sẽ được... phơi bày ràng ràng trên mặt báo.

Dấu ấn cuối cùng là những sản phẩm, những tác phẩm báo chí ra đời. Và nhà báo cũng luôn tự nhủ lòng rằng: những tác phẩm báo chí lớn của đời mình vẫn luôn còn ở phía trước, đó không phải và cũng không nên là sự khiêm tốn, mà đó là động lực làm nên sự thôi thúc bên trong cho những chuyến đi chưa bao giờ dừng lại.

Đi xuống cơ sở, nếu gặp nông dân bên bàn trà sẽ khác khi nhà báo xắn quần, lột giày lội ra ruộng gặp bà con tại rẫy, rồi sà xuống gốc cây làm ghế. Cuộc trò chuyện sẽ là những tâm tình, trải lòng bên chung trà, ly rượu đế thì nhà báo có... tệ mấy cũng sẽ có được một vài chi tiết đắc địa.

Bà con nông dân ở Đông Thạnh (TX Bình Minh), Phước Hậu (Long Hồ), Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm), An Phước (Mang Thít), Tân Lược (Bình Tân)... và nhiều nhiều nữa, khi mối sơ giao trong công việc chuyển qua thành những mối thâm giao thì nhà báo sẽ có cả một kho tư liệu về nông dân, ruộng rẫy mùa màng, để có thể tiếp tục những chuyến đi và khai thác hoài không cạn.

Nhớ lắm những câu nói thiệt lòng của bà con ở Hiếu Nghĩa: “Mai mốt tui gả con gái sẽ mời mấy chú xuống nghe” hay là “tháng tới nhà tui đám giỗ, xuống nhậu chơi!”...

Và những chuyến đi nhớ đời trong quá trình làm nghề, với hàng chục ngày xuyên Việt ra Thủ đô Hà Nội, ngược đường lên tận ATK của núi rừng Tây Bắc, lúc đó, nhà báo sẽ cảm thấy mình “lớn lên một chút” khi mà cảm xúc “dẫn dắt” xuyên suốt chuyến đi là cảm hứng về lãnh tụ, về Bác Hồ, một tình yêu lớn về Tổ quốc thân yêu, hay một nén nhang thành kính dâng lên Vua Hùng tại đất Tổ Phú Thọ để rồi cảm nhận dòng máu Rồng Tiên đang lan chảy miên man về nguồn cội.

Có những chuyến đi để lại trong lòng nhiều tiếc nuối, khi mà thời gian, không gian không cho phép nhà báo có thể tác nghiệp một cách “thỏa mãn”, để rồi tự dặn với lòng sẽ có một ngày quay trở lại.

Chuyến đi ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mà vỏn vẹn chỉ có được hơn 2 tiếng đồng hồ tiếp xúc với bà con ngư dân, phải làm sao truyền tải đến độc giả một tình yêu, niềm tự hào lớn về vấn đề chủ quyền biển đảo, làm sao “vẽ” lên được cái cảm xúc choáng ngợp khi “chạm mặt” Lý Sơn để thấy một Hoàng Sa thân thương của Tổ quốc. 

Các nhà báo ĐBSCL trên tàu của Vùng E Hải quân ra thăm quân- dân các đảo Tây Nam.Ảnh: NGỌC TRẢNG
Các nhà báo ĐBSCL trên tàu của Vùng E Hải quân ra thăm quân- dân các đảo Tây Nam.Ảnh: NGỌC TRẢNG

Trong chuyến đi đó, từ biển đảo Lý Sơn, chúng tôi ngược lên đỉnh Trường Sơn, nơi có giống sâm quý Ngọc Linh ở độ cao ngàn mét. Chúng tôi đi dọc miền phên giậu của đất nước đến thăm từng cột mốc chủ quyền, thăm những đồn biên phòng cho đến cuối dãy Trường Sơn, kết thúc hành trình làm việc tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Đó là một chuyến đi còn... dang dở, nên sắp tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình dọc theo biên giới Việt Nam- Campuchia, đi qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), để tiếp nối câu chuyện về biên giới, chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Cảm ơn nghề báo, cảm ơn những chuyến đi đã mang lại cho chúng tôi những cảm nhận rõ rệt hơn, sâu sắc hơn về tình yêu quê hương đất nước; đồng thời cũng cảm nhận sâu sắc món nợ với nghề về những tác phẩm báo chí tốt hơn nữa, đáp ứng trọn vẹn lòng tin cậy, yêu thương mà độc giả dành cho đội ngũ làm báo chúng tôi.

  • NGỌC TRẢNG