Những chuyện nghề chưa kể

Cập nhật, 15:57, Chủ Nhật, 18/06/2017 (GMT+7)

 

Phóng viên Tuyết Nhi trên đường đi công tác.
Phóng viên Tuyết Nhi trên đường đi công tác.

Tôi thường dự các buổi tư vấn tuyển sinh và hầu như năm nào thí sinh cũng hỏi “chị ơi, làm nhà báo chắc vui lắm hả chị”, “làm nhà báo chắc sướng lắm…” Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), chúng tôi- những người làm báo- xin có chút tâm tình.

Làm báo là công việc lao động cả chân tay và trí óc, đòi hỏi nhà báo có kiến thức, có kỹ năng, chịu được áp lực công việc, biết làm việc độc lập, biết làm việc nhóm. Nghề còn dạy chúng tôi biết khiêm tốn, sẻ chia, cho chúng tôi những nụ cười, những giọt mồ hôi, nước mắt; để mỗi tin, bài là một “đứa con tinh thần”, góp sức cho xã hội thêm giàu, thêm đẹp.

Làm nhà báo có sướng không?

Ngay khi tôi đang ngồi viết bài này thì còn ít nhất 5 việc nữa tôi phải hoàn thành nhanh gọn trong hôm nay mới kịp cho tiến độ công việc. Làm báo là như thế.

Phóng viên không có chuyện ngày làm 8 tiếng, mà đôi khi là cả… 18 tiếng nếu công việc “đang kéo tới rần rần”.

Sau mỗi cuộc họp, chúng tôi phải viết tin bài ngay và chuyện ăn cơm là “chuyện từ từ” giải quyết sau. Tin, bài phải “nóng”, phải nhanh và phải chính xác. Trong những ngày lễ tết, phóng viên cũng ít khi được nghỉ mà còn bận rộn hơn ngày bình thường vì tin bài phải luôn nóng sốt.

Nhà báo là người luôn luôn đem công việc về nhà vì “làm hoài cũng không hết việc”. Thức khuya, dậy sớm viết bài là chuyện bình thường vì sáng mai có thể có một cuộc họp đang chờ.

Như nhà báo Trần Út thường nộp bài lúc 2-3 giờ sáng. Còn nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thu thì cười hì hì: “Hình như chưa có giao thừa nào tôi ở nhà, vì giao thừa nào cũng đi chụp ảnh lễ, pháo hoa, xong rồi thì còn xử lý ảnh và gửi về cho biên tập ngay tại quảng trường thành phố”.

58 tuổi, hơn 35 năm làm báo, nhà báo Dương Thu chưa từng ngại khó khăn trong những chuyện hành trình nào dù dài hay ngắn. “Đôi khi, tôi được phân công đi xuống huyện chỉ để chụp một tấm ảnh báo xuân, nhưng làm nhà báo mà ngại khó, sợ khổ thì không làm được”- nhà báo Dương Thu nói.

Nữ nhà báo Cẩm Huệ phụ trách mảng Đoàn thanh niên cũng nói vui: “Dường như lâu lắm rồi, tôi không có khái niệm về ngày thứ bảy hay chủ nhật, vì hoạt động Đoàn là đi suốt hà”.

Chúng tôi thường xuyên đi công tác bằng xe máy, chuyện nguy hiểm khi cứ “nhong nhong ngoài đường” đã đành mà chỉ buồn vì đôi khi đi rồi lại về không.

Phóng viên Phạm Phong thường đi xác minh phản ánh của bạn đọc và nhiều lần “trắng tay” vì “hộ A ở Bình Minh phản ánh nhà bà B xây làm nhà mình nứt, tới nơi thì chẳng có chuyện gì”. Đó là chưa kể “có lần suýt bị đánh, phải co cẳng chạy chỉ vì chụp ảnh cái ranh đất đang tranh chấp”- phóng viên Phạm Phong nói.

Chuyện đi lại cực khổ vậy, mà nhiều nhà báo còn gặp nguy hiểm và những sự cố khi đi tác nghiệp.

Nhà báo Hải Yến còn nhớ đời chuyến đi công tác về xóm dưa cải Bình Tân: “Mới đến nơi thì nhiều người dân đã chạy ùa ra đuổi “về, về… không có cho chụp ảnh, quay phim gì hết á…”. Sau khi bình tĩnh, nhẹ nhàng nói chuyện, chị mới biết là do trước đó có một đơn vị truyền thông đến đây đưa tin sai sự thật nên xóm này ghét luôn báo chí.

Còn những nhà báo chuyên “đi vụ án”, tiếp xúc những đối tượng phạm tội thì sao? Nhà báo Diễm Phượng kể về những kỷ niệm khó phai của 27 năm trong nghề: “Tòa xử án về một thanh niên côn đồ, mẹ đối tượng khóc rất nhiều.

Tôi lấy máy ảnh ra chụp lại cảnh này và ngay lập tức anh ruột của đối tượng là một thanh niên cao to, đầu trọc, xăm mình hung hăng đòi đập máy ảnh của tôi. Anh ta quát “ai cho chụp hình”. Lực lượng công an mời đối tượng trên ra khỏi tòa nhưng ánh mắt căm phẫn còn ngoái lại nhìn tôi…”

Cánh nhà báo nữ còn vất vả hơn bởi gánh nặng gia đình. Nếu như thời gian ban ngày chúng tôi dành trọn cho công việc với những chuyến công tác nối tiếp nhau thì chiều tối về nhà lại là một người mẹ, người vợ. Dỗ con ngủ xong, lại len lén ra viết bài đến khuya.

Bên bàn trà Phòng Phóng viên, nhà báo Trinh Tuyền miên man với những nhân vật được địa chỉ nhân đạo của Báo Vĩnh Long giúp đỡ: Chị Hạnh ở Mang Thít, đã hết bệnh và có ít vốn chăn nuôi. Em Tâm ở Tam Bình bị tai biến được đi tái khám giờ đã đi lại được… Tôi thấy hạnh phúc khi được góp chút sức mình cho những nhân vật khó khăn.

 

 

Hạnh phúc được làm báo

Cũng như những người thợ vui mừng khi xây xong một ngôi nhà đẹp, chúng tôi hạnh phúc khi “những đứa con tinh thần” được đón nhận và góp sức cho xã hội tốt đẹp hơn.

Những kế hoạch, những bài chất lượng cao đăng ký nhưng chưa làm xong cứ canh cánh bên lòng, đi cả vào giấc mơ.

Rồi khi gặp được những nhân vật hay, viết được bài tốt thì đến khi đi ngủ cũng mỉm cười. Tôi vẫn nhớ những bác nông dân tôi gặp ở An Giang, Sóc Trăng- những lão nông “tri thức, tri điền” mà chúng tôi may mắn tìm được, không bỏ công đi hàng trăm cây số và bì bõm lội ruộng ra tận giữa đồng.

Đó là nụ cười của nhà báo Hải Yến, Xuân Tươi khi làm xong bài báo xuân về dưa cải muối chua và “người dân ở đó tới giờ còn thương mình”.

3 năm phụ trách chuyên mục Địa chỉ nhân đạo của Báo Vĩnh Long, nhà báo Trinh Tuyền tiếp xúc nhiều với những mảnh đời khó khăn, neo đơn, bệnh tật. Mỗi tuần chị giới thiệu một địa chỉ mới và trao tiền cho một địa chỉ cũ “số tiền bình quân mỗi địa chỉ khoảng 6 triệu đồng, tuy không nhiều nhưng đã giúp họ lúc khó khăn”.

Chị chỉ tiếc, thỉnh thoảng số tiền định đem cho nhân vật chữa bệnh lại thành tiền lo hậu sự: “Báo mới đăng hoàn cảnh ở xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) thì gia đình gọi báo chú mất mà không tiền lo hậu sự.

Tiền quyên góp mấy hôm mới ngót nghét hơn 3 triệu, Tổng Biên tập Phạm Hoàng Khải chỉ đạo cơ quan hỗ trợ thêm để kịp thời đem xuống 5 triệu đồng giúp đỡ. Gia đình người bệnh rớt nước mắt vì không có Báo Vĩnh Long phụ giúp thì tiền đâu chôn cất”.

Nghề làm báo là thế! Trong lịch làm việc dày đặc, chúng tôi còn có những công việc như “xin học bổng cho Hậu, tìm hình nạn nhân cho cô Tâm, tìm việc cho em Ngọc…” những công việc không tên, không thù lao nhưng đó là niềm hạnh phúc.

Nhà báo Khánh Duy tác nghiệp bên ruộng lác Vũng Liêm.
Nhà báo Khánh Duy tác nghiệp bên ruộng lác Vũng Liêm.

Tôi gắn bó với mảng giáo dục gần 7 năm đi làm và thường hồi hộp xem đề thi rồi dò kết quả của những thí sinh nghèo mình phỏng vấn, rồi báo tin và xin học bổng cho em đó.

“Những đứa em” của tôi có em đã ra trường có việc làm ổn định, có em đang học đại học. Tôi đã khóc khi nhìn thấy “Hậu xịt thuốc mướn” vừa đủ điểm vào đại học, hạnh phúc vì Tâm cắt lúa thuê nay đã là kỹ sư của công ty lớn, bé Hạnh cũng có việc làm.

Với nhà báo Thúy Quyên thì những lần đi công tác mảng bài da cam, giảm nghèo, chị thường chuẩn bị sẵn tiền vì biết chắc chắn rằng không thể cầm lòng trước những hoàn cảnh khó khăn.

Nghề báo dạy cho chúng tôi biết yêu thương cuộc sống, quý trọng gia đình, bản thân, công việc và hạnh phúc của mình. Và rồi, sau những chuyến đi, chúng tôi lại được học nhiều, biết nhiều hơn.

Lại tiếp tục trăn trở khi đề tài còn dang dở, lại ngủ không yên vì kế hoạch công tác chưa lên hay đau đầu vì tìm hướng đi cho đề tài mới. Khi được sống, làm việc đúng sở thích, được cháy với đam mê của mình thì sung sướng biết bao.

 

Tôi còn nhớ những trận mưa kinh hồn tháng 8 năm ngoái, 18 giờ, trên đường đi công tác từ Kiên Giang về Vĩnh Long.

 

Mưa lớn đến độ tôi không còn nhìn thấy đường, chiếc xe máy 125cc chạy như đang bò vì gió ngược, nhưng giữa đồng “chó ngáp” biết trốn vào đâu? Có lần 4 giờ khuya lồm cồm thức dậy đi công tác Hậu Giang, vì có cuộc hẹn lúc 7 giờ.

 

Vượt gần 100km, tôi chạy xe không dám nghỉ vì sợ trễ nhưng đến nơi thì được báo “Thầy hiệu trưởng có việc đột xuất, chị vui lòng gửi câu hỏi qua mail”!

 

 

 

  • Bài, ảnh: CAO HUYỀN