"Xin cảm ơn người, mẹ Việt Nam ơi!"

Cập nhật, 06:28, Thứ Bảy, 30/04/2016 (GMT+7)

>> 41 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Giữa nắng trưa oi ả, chúng tôi về Vũng Liêm- nơi có nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng được truy tặng nhất tỉnh trong dịp 30/4 này.

Cù lao Dài (Thanh Bình- Quới Thiện) và những cánh đồng bát ngát xã Trung An làm mát lòng người như những bà mẹ luôn dang tay che chở các con. Các mẹ đã không còn, nhưng mẹ sống mãi trong lòng chúng tôi với những câu chuyện không bao giờ cũ.

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang trao Huân chương Độc lập hạng ba cho các gia đình.
Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang trao Huân chương Độc lập hạng ba cho các gia đình.

Nỗi lòng của mẹ

Nằm sâu trong những con đường mòn của ấp Rạch Vọp (xã Quới Thiện), nhà chú Nguyễn Văn Mười Một như được chở che bởi những vườn sầu riêng, măng cụt xanh um. Chú đón chúng tôi bằng nụ cười thật hiền.

Trên bàn dài giữa nhà chú vẫn còn khung chữ vàng của Tỉnh ủy- UBND tỉnh Vĩnh Long tặng Mẹ Việt Nam anh hùng- mẹ Trần Thị Phận. Mẹ mất cách nay 2 năm, thọ 96 tuổi.

Mẹ Phận có 11 người con, trong đó, có 2 người con là liệt sĩ, 2 người con là thương binh. Mẹ và chồng là ông Nguyễn Văn Thới đều tham gia kháng chiến.

Chú Một nhìn tấm bảng vinh danh trầm ngâm: “Lúc mẹ tui mất, vẫn băn khoăn vì chưa tìm được hài cốt anh Hai về!” Anh Hai đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Bường (bí danh Hai Miễn) hy sinh năm 1968 ở Trà Vinh trong một trận đánh. Hơn nửa tháng sau, mẹ Phận mới nhận được tin con hy sinh.

“Lúc đó má tui khóc dữ lắm”- chú Một nhớ lại. Rồi đến người con thứ tư, thứ năm, thứ mười lần lượt lên đường theo cách mạng, mẹ Phận đã từng đau mất con nhưng không cản ngăn, vì nợ nước nặng hơn tình nhà. Người con thứ mười là liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọt hy sinh năm 1974.

Chú Một chắc lưỡi: “Chiến tranh nó ác nghiệt và nguy hiểm lắm! Anh Mười của tôi trong lúc vận chuyển bom đạn về Trung Thành Tây thì vì đường trơn trợt té, nên bị nổ chết. May mắn xin được cái quan tài, đồng đội mới gấp rút chôn cất trong đêm, sáng sớm hôm sau là giặc lại càn. Má tui đau nhất vì không được nhìn mặt con lần cuối”.

Niềm vui của gia đình chú Nguyễn Văn Mười Một khi nhận được thơ mời của tỉnh.
Niềm vui của gia đình chú Nguyễn Văn Mười Một khi nhận được thơ mời của tỉnh.

Có con là Việt cộng, bản thân lại là cán bộ phụ nữ huyện, mẹ Phận thường đi đấu tranh đòi quyền lợi “lần nào cũng bị Tổng Đỏm đánh đập dã man đến mặt mày sưng húp, vậy mà lành rồi má tui vẫn cứ đi biểu tình nữa”- chú Một nói.

Chỉ tay về phía trước nhà, chú Một nói: “Ruộng ngày xưa tới cái đường đó nhưng không phải của mình, toàn làm thuê cho địa chủ. Thất mùa không có tiền đóng thuế thì bị nợ, cùng đường, tôi và các anh phải đi ở đợ”.

Thương con cực khổ, mẹ Phận cũng không bao giờ cho mình được nghỉ ngơi. “Má làm mướn suốt ngày, cấy mướn giáp đồng thì đi nhận công gặt”- chú Một xoa xoa đôi bàn tay chai sần từ lúc lên 10 vì cầm dây thừng, giữ trâu, giữ bò cho chủ.

Năm 2014, trong lúc chú Một đang chuẩn bị hồ sơ để được xét công nhận Mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Phận thì mẹ ra đi. Hồ sơ phong tặng chuyển thành truy tặng. Chú cười cho biết: “Ngày má được vinh danh cũng là ngày giỗ ba tui”.

Mẹ- người chiến sĩ lão thành cách mạng

Tuy mẹ Trần Thị Bảy mất đã hơn 30 năm nhưng những câu chuyện, những việc mẹ làm, chú Đỗ Ký Hòa- con trai út không bao giờ quên được. Mẹ có chồng là liệt sĩ Đỗ Quang Diệu và con trai thứ tư là liệt sĩ Đỗ Văn Diễn cùng hy sinh năm 1963.

Chú Hòa nói: “Cha tui lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh của huyện Vũng Liêm, mẹ là giao liên cho Xứ ủy Nam kỳ. Cha, mẹ và ông nội tui đều là cán bộ lão thành cách mạng”.

Ông nội Đỗ Quang Trường tham gia kháng chiến năm 1925, cha tham gia năm 1930 và mẹ tham gia năm 1932. Một gia đình, một dòng họ cùng chung chí hướng!

Chú Hòa nhớ ngày anh Tư hy sinh, mẹ Bảy bị bắt lên đồn. Tổng Tỵ đánh đập mẹ dã man vì “thằng con bà dám đâm cháu tôi (Tổng Bul- trưởng đồn) mười mấy nhát”. Tưởng mẹ Bảy khó sống được thì Tổng Tỵ hay tin Đỗ Văn Diễn hy sinh.

“Trong lúc ám sát tên Tổng Bul, anh tui bị nó quăng lại trái lựu đạn bị thương rất nặng, sáng hôm sau thì mất”- chú Hòa thổi ly trà nóng, nhìn xa xôi. 6 tháng sau thì ông Đỗ Quang Diệu hy sinh.

Chú Hòa nói thêm: “Trong khi chỉ đạo trận đánh ở Cầu Chùa, cha tui bị thương và bị bắt đày ra Côn Đảo hơn 2 năm trời, bị hành hạ man rợ lắm. Ra tù, ông tiếp tục tham gia kháng chiến và hy sinh vì thổ huyết trong khi đang làm nhiệm vụ”. Nỗi đau nhân đôi của mẹ Bảy là quá lớn, vậy mà khi chú Hòa xin đi kháng chiến, mẹ lại hết sức ủng hộ con.

Ở nhà, mẹ Bảy nuôi chứa cán bộ, tiếp tế thuốc men cho bộ đội. Chú Hòa kể: “Lần đó, má tui mới mua thuốc về giấu trong mấy bao trấu thì bị lính soát. Hên sao, tới bao đựng thuốc thì chúng lại thôi.

Rồi tụi nó vô nhà, mấy chú rút đi kịp nhưng còn quên lại 7 máy radio. Vậy là tụi nó đánh rồi đốt nhà tui, bắt má tui vô “Catina” gần 2 năm”. Sau đó, địch chuyển mẹ Bảy về khám Chí Hòa và tại đây mẹ cùng nhiều đồng đội khác vượt ngục.

Hòa bình lập lại, niềm vui chưa được bao lâu thì mẹ Bảy nay ốm, mai đau vì những vết thương địch hành hạ trong những ngày bị giam cầm. Chú Hòa thở dài: “Những năm cuối đời, má tui nằm bệnh viện ở Vĩnh Long nhiều hơn ở nhà…”.

Chú Hòa không bao giờ quên những câu chuyện về mẹ Bảy.
Chú Hòa không bao giờ quên những câu chuyện về mẹ Bảy.

Các mẹ vừa là người mẹ, người vợ vất vả lo cho gia đình, mà cũng là người chiến sĩ quyết lòng bảo vệ quê hương. Tám chữ vàng Bác tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” thật xứng đáng dành cho các mẹ. Những câu chuyện, hình ảnh mẹ Việt Nam sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, dù nay mẹ có đi xa.

 

Ngày 29/4/2016, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 103 mẹ trong tỉnh. Vũng Liêm có 78 mẹ được truy tặng trong đợt này. Xã Trung An có nhiều mẹ được truy tặng nhất huyện với 12 mẹ. Hiện huyện Vũng Liêm có 677 Mẹ Việt Nam anh hùng, có 67 mẹ còn sống.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN