Mùa nước nổi ở "rốn lũ" Bình Tân

Cập nhật, 21:01, Thứ Bảy, 11/11/2017 (GMT+7)

Nhiều cánh đồng huyện Bình Tân đã được xả nước tràn đồng. Sau nhiều năm không xả lũ, do sản xuất liên tục hay do mực nước thấp không lên đồng, ngành nông nghiệp và nông dân đã thấy nhiều bất lợi.

Vì thế, tận dụng mùa nước nổi để lấy phù sa bồi bổ cho đất, diệt mầm sâu bệnh, rửa phèn… là giải pháp rất hiệu quả cho đồng ruộng. Bởi thực tế sản xuất cho thấy, sau mỗi mùa đồng ruộng được “ngâm mình” trong nước nổi thì vụ lúa, khoai sau đó luôn trúng mùa.

Năm nay, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, huyện đã vận động người dân xả lũ đón phù sa, với trên 5.500ha diện tích sản xuất.

Trong khi đó, vùng chuyên canh sản xuất màu như Tân An Thạnh, Tân Bình và Tân Quới không xả lũ, cùng một số khu vực vẫn còn rau màu, khoai lang trên đồng, ngành nông nghiệp cũng đã trang bị máy bơm để kịp thời bơm tát khi triều cường cao kết hợp mưa nhiều.

Đường tỉnh 908 xuyên qua vùng từng là “rốn lũ” của huyện Bình Tân, nhờ hệ thống đê bao thủy lợi đảm bảo đã giúp nông dân chủ động sản xuất. Và vì thế, bên cạnh đồng nước mênh mông là ruộng khoai lang tươi tốt. Bức tranh sản xuất mùa nước nổi trở nên sinh động và tràn đầy sức sống.

Ông Lê Duy Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Bình Tân)- cho biết: Từ tháng 8 âl, khoảng 90% diện tích lúa- khoai đã xả nước lên đồng.

Những năm trước, các khu vực gò thì bà con không xả lũ, cuốc đất trồng khoai liên tục, phát sinh mầm bệnh. Còn năm nay thống nhất xả lũ để diệt trừ mầm bệnh, rửa trôi phèn. Chỉ một số khu vực có ô đê bao chắc chắn, bà con mới giữ đất trồng khoai làm giống cho vụ Đông Xuân.

Cùng với Tân Thành, các cánh đồng dọc Đường tỉnh 908 như Nguyễn Văn Thảnh, Thành Trung… sẽ có mùa nước nổi từ 2- 2,5 tháng. Sau khi nước rút dần, đến tháng 10 âl mới bắt đầu gieo sạ lúa, cuốc đất trồng khoai vụ mới.

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)

Người dân xã Nguyễn Văn Thảnh kéo côn bắt cá khi nước tràn đồng.
Người dân xã Nguyễn Văn Thảnh kéo côn bắt cá khi nước tràn đồng.

 

Đặc sản theo nước lên đồng, chú Út Nùng tươi cười khoe với nhà báo: “Tui đắp rơm, cỏ thành ụ, đập cua, ốc bỏ vào để dụ lươn. Cách ngày dỡ một lần, nhiều lắm. Nhưng ai hỏi tui nói chừng nửa ký thôi”.
Đặc sản theo nước lên đồng, chú Út Nùng tươi cười khoe với nhà báo: “Tui đắp rơm, cỏ thành ụ, đập cua, ốc bỏ vào để dụ lươn. Cách ngày dỡ một lần, nhiều lắm. Nhưng ai hỏi tui nói chừng nửa ký thôi”.

 

Rất nhiều nhóm nhân công làm khoai dựng xe ven đường đi làm đồng.
Rất nhiều nhóm nhân công làm khoai dựng xe ven đường đi làm đồng.

 

Hình ảnh này rất thú vị, đồng nước mênh mông “bao vây” ruộng khoai đang được cuốc đất lên giồng chuẩn bị xuống giống
Hình ảnh này rất thú vị, đồng nước mênh mông “bao vây” ruộng khoai đang được cuốc đất lên giồng chuẩn bị xuống giống

 

 

“Biệt đội” phụ nữ trồng khoai trên giồng mới.
“Biệt đội” phụ nữ trồng khoai trên giồng mới.

 

Anh Tâm ở xã Thành Trung nuôi hơn 10 con dê và 1 con bò, tận dụng dây khoai lang làm thức ăn cho vật nuôi trong mùa nước nổi.
Anh Tâm ở xã Thành Trung nuôi hơn 10 con dê và 1 con bò, tận dụng dây khoai lang làm thức ăn cho vật nuôi trong mùa nước nổi.

 

Họ đã xuống giống gần hoàn thành một cánh đồng khoai rộng lớn trong đê bao chủ động tiêu, thoát nước.
Họ đã xuống giống gần hoàn thành một cánh đồng khoai rộng lớn trong đê bao chủ động tiêu, thoát nước.