Người làm giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Cập nhật, 16:36, Thứ Sáu, 26/04/2024 (GMT+7)

Tôi có đứa cháu mồ côi cha, giờ mẹ cháu vì lý do khách quan không thể tiếp tục nuôi dưỡng cháu. Vì vậy, gia đình tôi muốn cử người giám hộ (NGH) để chăm lo cho cháu đến lúc trưởng thành hoặc khi nào mẹ cháu có thể tiếp tục thực hiện được trách nhiệm của người mẹ. Vậy, trường hợp này trong gia đình kể cả người thân, ai có thể đảm trách được nhiệm vụ này?

L.B. (Trà Vinh)

Trả lời:

Anh B. thân mến! Cháu của anh là một trong những trường hợp được giám hộ theo điểm b, khoản 1, Điều 47 Bộ luật Dân sự. Điều luật này quy định: Người được giám hộ là người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu NGH.

Vậy, để chọn NGH cho cháu, gia đình anh căn cứ Điều 52 Bộ luật Dân sự quy định NGH đương nhiên của người chưa thành niên (theo điểm b, khoản 1, Điều 47 của bộ luật này), NGH được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là NGH; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm NGH thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là NGH, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm NGH.

2. Trường hợp không có NGH quy định tại khoản 1 điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là NGH hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm NGH.

3. Trường hợp không có NGH quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là NGH.

Xin anh lưu ý, theo khoản 2, Điều 47 Bộ luật Dân sự: Một người chỉ có thể được một NGH, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

HT tư vấn