Căn cứ nào để chấm dứt việc nuôi con nuôi?

Cập nhật, 09:51, Thứ Tư, 27/05/2020 (GMT+7)

10 năm trước, tôi có người bạn đột ngột qua đời. Sau đó, chồng của bạn cũng bỏ đi không về, để lại đứa con thơ cho bà ngoại nuôi dưỡng. Ít lâu sau, bà ngoại của đứa bé bị bệnh nặng không thể hồi phục nên ngỏ ý tôi nhận đứa bé làm con nuôi. Thương bà và cháu, vợ chồng tôi nhận cháu làm con nuôi.

Nay, con đã học xong đại học có việc làm ổn định. Nhận thấy trách nhiệm với con đã hoàn thành, chúng tôi và con nuôi đều thống nhất thôi không còn mối quan hệ cha mẹ nuôi cháu nữa. Muốn thực hiện điều này, tôi phải đến cơ quan nào?

L.T.D. (Đồng Tháp)

Trả lời:

Vợ chồng bà có thể thực hiện được ý định nêu trên. Bởi, theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi: Việc nuôi con nuôi có thể chấm dứt trong trường hợp con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Theo Điều 10 Luật Nuôi con nuôi: Tòa án nhân dân (cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Theo khoản 1 Điều 27 Luật Nuôi con nuôi: Quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ