Lúa hữu cơ hướng phát triển bền vững

Cập nhật, 11:13, Thứ Ba, 14/12/2021 (GMT+7)

 

Lúa - tôm trúng mùa, thời điểm này, nông dân ở xã Trí Lực đang vào mùa thu hoạch rộ.
Lúa - tôm trúng mùa, thời điểm này, nông dân ở xã Trí Lực đang vào mùa thu hoạch rộ.

Trong chuyến khảo sát tại Cà Mau vào tháng 4/2021, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá, xã Trí Lực, huyện Thới Bình có đầy đủ điều kiện để trở thành vùng nguyên liệu lúa hữu cơ trọng điểm của địa phương. Ðây được xác định là hướng đi bền vững, “thuận thiên”, mở ra thời cơ phát triển mới cho người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết: “Cây lúa không xa lạ với bà con nông dân của địa phương, nhưng mô hình lúa - tôm, đặc biệt là lúa hữu cơ đã mang lại lựa chọn thật sự phù hợp, mới mẻ, mở ra hướng phát triển lâu dài, bền vững”.

Khi cây lúa trở lại

Trí Lực được chia tách từ xã Trí Phải năm 2005, vùng đất thuộc Bắc Cà Mau vẫn loay hoay với bài toán nuôi con gì, trồng cây gì để thoát khỏi ám ảnh của nghèo khó. Ông Nguyễn Minh Khai, nguyên Chủ tịch UBND xã Trí Lực, chia sẻ: “Trước chuyển dịch, dân vùng Trí Lực - Trí Phải coi cây mía là cứu tinh, là thế mạnh không cần bàn cãi. Sau đó chuyển dịch, con tôm lên ngôi.

Ở đây, cây lúa chưa bao giờ có được vị thế quan trọng”. Cũng không trách được người nông dân, khi cây lúa trên đất nhiễm phèn nặng không mang lại hiệu quả kinh tế. Dù là vùng quy hoạch lúa - tôm, nhưng người dân Trí Lực dường như quên bẵng đi cây lúa, chỉ độc canh con tôm, có làm cũng chỉ cầm chừng.

Cũng theo ông Khai, khi con tôm độc canh dần bộc lộ sự bấp bênh, người dân Trí Lực chuyển qua trồng... gừng để tìm hướng đi mới. Rồi củ gừng gặp khó về đầu ra, giá cả trồi sụt, người dân nơi đây bắt đầu loay hoay tìm hướng khác.

Ðến lúc ấy, những nông hộ kiên trì, thuỷ chung với mô hình lúa - tôm đã trở thành đề tài được hết thảy mọi người quan tâm vì hiệu quả kinh tế và tính bền vững. Nhưng người ta vẫn nghi ngại, thăm dò, nghe ngóng.

Nói về lựa chọn của người nông dân Trí Lực, ông Nguyễn Văn Trung cho biết: “Bà con cũng nhanh nhạy, tìm hiểu về mô hình lúa - tôm sau khi nhiều lựa chọn khác tỏ ra chưa hiệu quả.

Cái chính yếu là bà con nhìn vào thực tế sản xuất, phải có kết quả, phải có lợi ích kinh tế thì mới mạnh dạn làm. Làm lúa - tôm theo cách như trước đây thì người ta nghi ngại cũng đúng, vì chưa có gì đảm bảo cả”.

Theo đó, cách sản xuất lúa - tôm kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, giống lúa không đảm bảo, nên năng suất và lợi nhuận cũng thất thường. Có năm, trồng lúa trên đầm tôm mà nông dân không thu về được hạt lúa nào vì giống không phù hợp, kèm theo thời tiết không thuận lợi.

Mọi nút thắt được cởi bỏ khi Trí Lực xác định và khẳng định thế mạnh kinh tế chủ lực của địa phương là mô hình lúa - tôm; mang về những giống lúa mới là ST24, ST25 và kết hợp với con tôm càng xanh trên đồng đất quê hương. Năm 2018, HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực hình thành, tiếp tục củng cố niềm tin với người nông dân về hướng đi này.

Mùa vàng bội thu

Ông Mai Hoàng Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực, thông tin: “Tổng diện tích lúa - tôm thực hiện trong năm 2020 của địa phương là gần 2.300 ha. Trong đó, diện tích sản xuất giống chất lượng cao  ST24, ST25 chiếm trên 70%, riêng diện tích  lúa hữu cơ là 300 ha. Ước năng suất bình quân đạt 4,1-4,3 tấn/ha. Tổng sản lượng ước đạt gần 9.800 tấn”.

Ông Vinh dự báo, tỷ lệ người dân chuyển sang làm lúa giống chất lượng cao ST24, ST25 trong những năm kế tiếp sẽ tiếp tục tăng vì năng suất và giá trị kinh tế tỏ ra vượt trội so với các giống lúa khác. Diện tích lúa hữu cơ cũng từ đó sẽ tăng dần đều, định hình một vùng nguyên liệu lúa hữu cơ rộng khắp toàn địa bàn.

Lão nông Nguyễn Hoàng Út, ấp Phủ Thờ, phấn khởi: “Năm nay lúa trúng, tôm trúng, cuối năm mà được như vầy là ấm lắm rồi. Một công tính sơ sơ cũng trên 30 giạ, đầu ra không phải lo. Giờ thì ai dám chê chuyện con tôm ôm gốc lúa là tôi cự liền”.

Cùng niềm vui trúng mùa, ông Trần Thái Nguyện, ấp Phủ Thờ, bộc bạch: “Làm lúa trúng thấy ham quá. Cũng ngộ, hồi trước còn thuần nông, lúa thất, mà giờ lúa - tôm, một công lại hơn 30 giạ”.

Ông Trần Thái Nguyện, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình phấn khởi vì trúng đậm vụ lúa - tôm.
Ông Trần Thái Nguyện, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình phấn khởi vì trúng đậm vụ lúa - tôm.

Cũng theo những nông dân Trí Lực, do lúa chín đồng loạt, công gặt, công suốt lúa mướn khó vì tình hình dịch còn phức tạp, nhiều nhà phải huy động anh em, họ hàng đến hỗ trợ. Không khí trên đồng ruộng hối hả, tươi vui, hơn hẳn những năm làm ruộng thời trước chuyển dịch.

Sau khi thu hoạch lúa, người dân cũng bắt đầu đồng loạt thu hoạch tôm càng xanh. Tôm sạch, lúa sạch bội thu dịp cận Tết, nhân lên niềm vui cho người nông dân, với bao hy vọng vào năm mới tốt lành.

Nông dân Trí Lực bội thu lúa - tôm nhưng không phải không còn những nỗi niềm. Do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, lợi nhuận của người dân giảm sút đi nhiều.

Còn theo lãnh đạo xã Trí Lực, một vấn đề khác mà bà con nông dân cần lưu ý, đó là việc sản xuất theo những giống lúa cũ, năng suất thấp, chưa tham gia vào quy trình sản xuất lúa hữu cơ nên việc bao tiêu sản phẩm, giá cả bán ra cũng còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng là vấn đề mà Trí Lực hết sức trăn trở vì có thể ảnh hưởng đến thành quả chung của mùa vụ.

Ðể lúa - tôm thật sự là hướng đi bền vững, cần lắm những hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất có thể thích ứng và hiệu quả với thời tiết thất thường, giúp bà con nông dân yên tâm lao động sản xuất. Một vấn đề quan trọng khác, đó là giúp người nông dân gia tăng được giá trị kinh tế từ sản phẩm lúa - tôm, trở thành niềm tự hào của đất và người Trí Lực.

Lúa - tôm, đó không chỉ là lựa chọn “thuận thiên” mà còn là lựa chọn thuận với lòng người. Cây lúa đã trở lại, trĩu bông trên đồng đất Trí Lực như một cố nhân chung thuỷ, sẵn sàng cho hành trình mới, mà mục tiêu không gì khác là làm giàu cho bà con nông dân./.

Theo Phạm Quốc Rin (Báo Cà Mau)

Các tin khác: