Động lực thi đua từ giải thưởng cao quý mang tên Bác Tôn

Cập nhật, 11:11, Thứ Ba, 14/12/2021 (GMT+7)

(VLO) Để động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong lực lượng công nhân lao động; tuyên dương, khen thưởng những người thợ giỏi, những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” trong hoạt động của tổ chức công đoàn... UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương thành lập giải thưởng Tôn Đức Thắng và bắt đầu xét khen thưởng từ năm 2022.

Giải thưởng Tôn Đức Thắng sẽ cổ vũ công nhân, viên chức, lao động thi đua, mang lại giá trị cao hơn cho đơn vị và cuộc sống
Giải thưởng Tôn Đức Thắng sẽ cổ vũ công nhân, viên chức, lao động thi đua, mang lại giá trị cao hơn cho đơn vị và cuộc sống

Lý giải về sự cần thiết thành lập giải thưởng này, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú, có 4 cơ sở thực tiễn. Thứ nhất, An Giang là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, người công nhân ưu tú của giai cấp công nhân Việt Nam.

Xuất thân từ một người thợ trải qua bao khó khăn, gian khổ hy sinh, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy đối với Đảng và nhân dân và là tấm gương về tinh thần lao động cho các thế hệ công nhân noi theo.

Thứ hai, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thành lập 2 giải thưởng mang tên lãnh tụ Đảng, nhà nước được quy định tại Quyết định 1689/QĐ-TLĐ ngày 12-11-2019 ban hành Quy chế thi đua khen thưởng của tổ chức Công đoàn là “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” được xét, trao tặng cho công nhân, lao động trực tiếp sản xuất và “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” được xét, trao tặng cho cán bộ công đoàn các cấp có thành tích đặc biệt xuất sắc, có sáng kiến, sáng tạo trong hoạt động công đoàn.

Thứ ba, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thành lập “Giải thưởng Tôn Đức Thắng” từ năm 2000 đến nay để tôn vinh, khen thưởng những người thợ giỏi, những công nhân lao động xuất sắc trên địa bàn thành phố và sử dụng từ nguồn kinh phí xã hội hóa để khen thưởng.

Thứ tư, số lượng công nhân tiêu biểu có thành tích đặc biệt xuất sắc hàng năm nếu xét trao thưởng không quá 10 người với mức thưởng 15 triệu đồng/người thì kinh phí khen thưởng có thể vận động xã hội hóa khoảng 150 triệu đồng/năm, không sử dụng quỹ thi đua khen thưởng từ ngân sách nhà nước.

Do đó, việc thành lập giải thưởng là hoàn toàn khả thi, đảm bảo điều kiện thực hiện và lập giải thưởng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng là cần thiết và phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký Quyết định 52/2021/QĐ-UBND, ngày 16-11-2021 về ban hành quy chế xét tặng giải thưởng Tôn Đức Thắng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Giải thưởng cấp tỉnh mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng (sau đây gọi tắt là giải thưởng Tôn Đức Thắng) được phát động thi đua đối với cá nhân là đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập (có tổ chức công đoàn).

Cụ thể có 4 nhóm đối tượng, gồm: Công nhân trực tiếp sản xuất có tay nghề, bậc thợ từ 2/5, 3/6, 4/7 trở lên; kỹ sư trực tiếp sản xuất hoặc trực tiếp điều hành sản xuất (đang giữ chức vụ quản đốc, phó quản đốc phân xưởng, đội trưởng, tổ trưởng sản xuất); cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên, người lao động ngành y tế; cán bộ, giáo viên, người lao động ngành giáo dục.

Giải thưởng Tôn Đức Thắng được xét tặng không quá 10 cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất tại mỗi đợt tổ chức trao giải. Người được tặng giải thưởng phải là những người tiêu biểu xuất sắc để các lực lượng cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh noi gương, học tập và được nhân rộng ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh sẽ phối hợp LĐLĐ tỉnh tổ chức trao tặng hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8) và chỉ trao tặng một lần cho mỗi cá nhân đạt giải, kèm theo bằng khen, biểu trưng và tiền thưởng. Đồng thời, cá nhân được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng sẽ được ưu tiên đề nghị xét khen cấp nhà nước (Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động…).

Để xứng đáng đón nhận giải thưởng cao quý mang tên Bác Tôn, cá nhân đề nghị giải thưởng này phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn, danh hiệu thi đua theo quy định.

Bên cạnh tiêu chuẩn chung về chính trị, quy chế còn nêu rõ các tiêu chuẩn riêng về thành tích xuất sắc và danh hiệu theo từng cá nhân, lĩnh vực. Các tiêu chuẩn này sẽ được triển khai, tuyên truyền rộng rãi đến công nhân, viên chức, lao động qua hệ thống công đoàn từ tỉnh đến cơ sở.

Giải thưởng Tôn Đức Thắng là sự tôn vinh của tổ chức công đoàn và sự ghi nhận của lãnh đạo tỉnh dành cho những kỹ sư, công nhân ưu tú.

Đây sẽ là động lực để họ được thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người lao động với niềm say mê sáng tạo, ý thức đề cao tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến… Từ đó, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo MỸ HẠNH (Báo An Giang)

Các tin khác: