Lạ lẫm sầu riêng ruột đỏ

Cập nhật, 16:05, Chủ Nhật, 24/11/2019 (GMT+7)

Ông Võ Tấn Đức- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn (huyện Chợ Lách- Bến Tre) phấn khởi nói với chúng tôi: “Hiện nay, đã có nhiều nông dân trên địa bàn huyện và một số địa phương lân cận tiến hành trồng sầu riêng ruột đỏ có xuất xứ từ Malaysia bởi năng suất, sản lượng vượt trội so với các loại sầu riêng khác, vừa dễ trồng, vừa có giá bán rất cao trên thương trường.

Đây là loại sản phẩm nông nghiệp được đánh giá chất lượng cao nhất hiện nay tại các nước nông nghiệp phát triển như: Malaysia, Thái Lan…”.

Cây giống sầu riêng ruột đỏ hiện khá đắt.
Cây giống sầu riêng ruột đỏ hiện khá đắt.

Người có công rất lớn trong việc đưa giống cây này về với huyện Chợ Lách là anh Nguyễn Trí Tâm (42 tuổi, ngụ ấp Lân Tây, xã Phú Sơn). Nhắc đến anh Tâm, nhiều nông dân nhớ ngay về người đầu tiên mang giống sầu riêng Musaking từ Malaysia về nhân rộng rất thành công tại ĐBSCL, các tỉnh miền Đông, miền Trung năm 2017, 2018.

Anh Tâm kể: “Đây là cây rất “sốt” ở nước ngoài với nhiều tính năng vượt trội. Sầu riêng này tên nguyên thủy là sầu riêng SaBah. Tên khoa học của chúng là Sukang hay Tabelak. Chúng thường rộ vào tháng 8 đến tháng Giêng năm sau. Điều đặc biệt, loại sầu riêng này mùi vị không nồng như những trái sầu riêng ở Việt Nam.

Cây giống được ghép từ đọt cây và được kiểm nghiệm rất chặt chẽ nên an toàn, sạch bệnh. Cây phát triển rất nhanh, mạnh; trái nhiều, to, múi lớn, màu sắc đỏ tự nhiên, mùi thơm, vị béo rất đặc trưng. Hiện tại chỉ mỗi cơ sở cây giống của tôi “độc quyền” mặt hàng này trên phạm vi cả nước”.

Theo lời anh Tâm, hiện có nhiều cơ sở kinh doanh quảng bá đang sở hữu loại cây giống này và bán với giá từ 200.000- 300.000 đ/cây con là không đạt chuẩn.

Bởi, nếu là cây chất lượng 100% nhập về từ Malaysia thì giá bán sẽ không dưới 1.500.000 đ/cây con. Từ khi nhập cây ghép từ đọt về đến nay (đầu năm 2019) anh Tâm cho sở hữu được 500 cây giống ban đầu và đã bán trên 300 cây, số còn lại đã có người đặt mua.

Thấy chúng tôi thắc mắc về số lượng cây giống “khiêm tốn” của mình, anh Tâm nói thêm: “Loại cây giống này rất đắt tiền nên vốn bỏ ra ban đầu cũng rất lớn. Trong khi đó nông dân cũng rất lạ lẫm với loại sầu riêng “đặc biệt” này nên họ mua số lượng hạn hẹp để trồng thử nghiệm.

Tuy vậy, toàn bộ cây giống của tôi đã “cháy” hàng. Nhiều người đang đặt nhưng chưa thể đáp ứng. Tiếc lắm. Tôi đang dự định đi Malaysia để có nguồn cây giống tuyệt đối an toàn, thuần chủng cung cấp cho thị trường”.

Múi sầu riêng ruột đỏ bắt mắt.
Múi sầu riêng ruột đỏ bắt mắt.

Theo kinh nghiệm của một số người trồng sầu riêng ruột đỏ thì cần phân biệt sự khác nhau của loại cây con này với các loại sầu riêng khác như: toàn bộ phần dưới của lá, toàn bộ thân cây đều màu đỏ sậm (các loại sầu riêng khác màu xanh).

Cây mới ghép nhánh sau 3- 4 tháng là xuất bán cho trồng xuống đất (không còn trồng trong chậu). Thổ nhưỡng phù hợp nhất là vùng đất cát, đất sét thích hợp với khí hậu ôn hòa.

Điều rất đặc biệt là loại cây này chỉ thích hợp với phân hữu cơ và phân vi sinh nên rất an toàn cho người tiêu dùng. Cây trồng từ 36- 40 tháng là bắt đầu cho trái “chiếng”. Mỗi cây có khoảng 200 trái/năm; mỗi trái có trọng lượng 1,8 đến 2,5kg. Cây càng lâu năm thì trái càng nhiều.

Khi chín trái vẫn có màu xanh nhưng ruột đỏ sậm, tỷ lệ hạt chiếm 30% cả múi và mùi thơm lan tỏa kéo dài. Hiện nay giá bán tại các siêu thị Malaysia xấp xỉ 1.000.000 đ/kg. Riêng người ưa thích tại Việt Nam khi đặt hàng sẽ có giá cao hơn nhiều. Đây chính là cơ hội làm giàu của nông dân nếu có được loại trái cây quý hiếm tại bản xứ.

Ông Võ Tấn Đức- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn- ước tính: Với sản lượng, giá bán như hiện nay thì trồng sầu riêng ruột đỏ sẽ có lời gấp 4- 5 lần sầu riêng truyền thống. Tuy nhiên, cần tính toán thêm thị trường đầu ra sản phẩm không để xảy ra việc cung vượt cầu và quan trọng hơn cả phải có được những cây giống tốt, cho trái chất lượng, an toàn.

Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ