Tết sớm ở các làng nghề

Cập nhật, 11:04, Thứ Hai, 01/02/2016 (GMT+7)

Đến thăm các làng nghề: bánh tráng Cù lao Mây, xóm mứt Bình Minh, tàu hủ ky Mỹ Hòa vào những ngày cận tết, chúng tôi cảm nhận được sự tất bật, hối hả của bà con nơi đây để cho ra lò những mẻ bánh mứt thơm ngon. Làng nghề đỏ lửa báo hiệu một cái tết nữa lại về…

Chú Lương Văn Thông tranh thủ phơi bánh để kịp giao theo đơn đặt hàng.
Chú Lương Văn Thông tranh thủ phơi bánh để kịp giao theo đơn đặt hàng.

Nhộn nhịp ở làng nghề bánh tráng cù Lao mây

Làng nghề truyền thống nức tiếng gần trăm năm này hoạt động quanh năm, tuy nhiên nhộn nhịp nhất vẫn là vào thời điểm cận tết. Dọc hai bên đường vào làng nghề là hình ảnh các chú, các bác phơi bánh tráng đầy khắp sân, bên trong bếp thì các cô, các chị vừa thổi lửa, vừa tráng bánh. Khói tỏa ra trên những mái nhà; hương gạo, hương dừa thơm ngào ngạt.

Khác với mọi khi, những ngày này, từ 3 giờ sáng, gian bếp các hộ trong làng nghề đều sáng đèn, người xây bột, người nạo dừa rồi pha bột “thì mới mong chạy kịp đơn hàng”. Bởi một ngày, trung bình mỗi hộ tráng khoảng 600 bánh thì giờ tăng lên 800 bánh.

Cô Trần Thị Tuyết Mai vừa tráng bánh, vừa phấn khởi nói: “Mấy ngày này làm suốt, mới hôm qua nè, tôi giao cả ngàn bánh nem hương dứa ra Hà Nội. Ở đây, tôi chỉ nhận đơn đặt hàng bắt đầu từ đầu tháng 10 âm lịch đến hết rằm tháng 12 là không nhận hàng nữa, sợ làm không kịp rồi chất lượng không đảm bảo thì mất hết danh tiếng làng nghề cha ông để lại. Nhờ nghề này mà gia đình ăn tết khỏe re”.

“Nhiều thương lái ở nơi khác đến mua rồi bảo bánh nhúng ở đây ngon nhờ giữ được hương vị truyền thống, bánh mỏng nhưng rất day, không chua”- chú Lê Văn Nên góp tiếng.

Cho đến nay, làng nghề bánh tráng cù lao Mây vẫn làm bánh theo cách thủ công từ khâu xây bột cho đến dùng ánh nắng mặt trời để phơi bánh, chỉ riêng công đoạn cắt bánh, đóng bao bì là sử dụng máy để tiết kiệm thời gian cũng như để bảo quản bánh được tốt hơn. Các sản phẩm từ làng nghề làm ra rất đa dạng như: bánh tráng nhúng, bánh tráng nem, bánh tráng mè ngọt, bánh tráng dừa …

Theo chú Thông- Giám đốc HTX Bánh tráng cù Lao Mây, giá bánh năm nay tăng từ 5.000đ đến 10.000đ/chục, riêng bánh tráng nhúng tăng khoảng 20.000/100 bánh, do giá nguyên liệu tăng và hút hàng.

Rôm rả  xóm mứt vào vụ Tết

Không khí làm mứt tại các hộ gia đình ở phường Cái Vồn, xã Thuận An (TX Bình Minh) vào những ngày này lại càng trở sôi động hơn.

Dọc tuyến đường dan dẫn vào làng mứt hôm nay, được trang hoàn bởi sắc màu tươi đẹp của những mẻ mứt me, mứt gừng, mứt hạnh, mứt chùm ruột,….chờ được ánh nắng hong khô để kịp bán ra thị trường phục vụ nhu cầu của khách.

Xóm bánh mứt Bình Minh không những thu hút lao động nhàn rỗi mà còn góp phần giúp họ có một cái tết sung túc.
Xóm bánh mứt Bình Minh không những thu hút lao động nhàn rỗi mà còn góp phần giúp họ có một cái tết sung túc.

Chị Thanh Tâm Bùi Văn Thẫm- Chủ cơ sở bánh mứt Minh Đăng: “Mứt ở đây sở dĩ được bạn hàng khắp các tỉnh An Giang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh,… rất ưa chuộng là do chất lượng mứt được đảm bảo. Mỗi nhà điều có công thức gia truyền riêng không ai giống ai nhưng điều làm nghề bằng cả cái tâm. Riêng cơ sở tôi, cứ đến tháng 8 âm lịch là bà con lại đến đây phụ giúp rất đông vui. Nhiều lao động nhàn rỗi cũng nhờ dịp Tết này mà có thêm thu nhập khoảng 120.000 đ/ngày/người”.

Ngoài 2 loại mứt chủ lực là me và mãng cầu, các cơ sở sản xuất mứt còn mở rộng sản xuất thêm mứt rừng, mứt hạnh, mứt chùm ruột.

Thoạt nhìn thấy đơn giản, nhưng muốn có những mẻ mứt thơm, ngon, để được lâu, mà không sử dụng chất tẩy trắng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là điều không dễ. Chỉ có những người thợ có tâm và muốn giữ được nét truyền thống theo đúng nghĩa của nó thì mới làm được.

Làng nghề tàu hủ ky khẩn trương cho kịp tết

Nằm bên nhánh sông êm đềm, con đường dẫn vào HTX tàu hủ ky Mỹ Hòa, huyện Bình Minh cũng không kém phần đông vui. Mỗi người, mỗi việc.  Cái nóng hừng hực tỏa ra từ các lò đun đậu, cùng khói và nhịp sống khẩn trương, đã “đánh gục” những người khách lạ lần đầu được thực tế công việc sản xuất tàu hủ ky như chúng tôi.

Tết đến, đơn đặt hàng ngày một nhiều giúp cho người dân làng nghề tàu hủ ky phấn khởi
Tết đến, đơn đặt hàng ngày một nhiều giúp cho người dân làng nghề tàu hủ ky phấn khởi

Chú Đinh Công Hoàng- Giám đốc HTX tàu hủ ky Mỹ Hòa, chia sẻ: “Những ngày cận tết lò làm cả ngày lẫn đêm mới đủ lượng hàng. Bình quân, HTX sẽ cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh từ 3 đến 4 tấn tàu hủ ky thành phẩm”.

“Tiền công 400.000đ/ngày nhờ thế mà cuộc sống cũng ổn định. Công việc tuy cực nhưng ai cũng quen rồi, tết ráng làm kiếm thêm tiền để mua sắm các thứ, ăn tết cho sung túc hơn”- chị Bé Sáu vừa phơi tàu hủ, vừa tươi cười chia sẻ.

Nhờ xóm nằm cạnh bên nhánh sông nhỏ của sông hậu nước ngọt quanh năm nên nguồn nước sạch lắng trong giữ màu sắc óng vàng của miếng tàu hủ. Không chỉ là một món ăn giàu dinh dưỡng, tàu hủ ky đã chiếm được cảm tình của nhiều thực khách do tính đa dạng trong chế biến...

Cũng vì thế làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa phát triển ngày một mạnh, sản phẩm không chỉ vượt qua bên kia sông Hậu mà còn bán được cho khắp các tỉnh miền Tây và lên cả Sài Gòn, Biên Hòa…

Xuân đang về với mọi người, mọi nhà. Hi vọng bánh tráng Cù Lao Mây, mứt Cái Vồn, tàu hủ ky Mỹ Hòa sẽ làm món quà thơm thảo thiết thực góp phần gia tăng hương vị ngày tết.

Bài, ảnh:  TẤN TÂN- NGỌC LIỄU