Mô hình lúa gạo sạch xã Mỹ Lộc- tiền đề cấu trúc lại nông nghiệp

Cập nhật, 08:38, Thứ Bảy, 18/08/2018 (GMT+7)

“4 nhà” trong mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa sạch tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình) vừa tổ chức hội thảo tổng kết sau 3 năm thực hiện.

Mặc dù còn những khó khăn, song với những kết quả bước đầu, mô hình là “chỉ dẫn địa lý” và dần tạo nên một thương hiệu lớn trên thị trường. Mô hình này được đánh giá là hướng đi đúng, phù hợp và là điểm sáng cần được duy trì và nhân rộng.

Mô hình HTX sản xuất lúa sạch tại xã Mỹ Lộc nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.
Mô hình HTX sản xuất lúa sạch tại xã Mỹ Lộc nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.

Con đường đến lúa sạch

Năm 2011, được sự đầu tư của Sở Nông nghiệp- PTNT, xã Mỹ Lộc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với 100ha. Đến năm 2014, mô hình mở rộng ra toàn xã (hơn 1.200ha), trở thành mô hình điểm của tỉnh trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp.

Năm 2016, địa phương thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến và “nâng cấp” sản xuất theo quy trình lúa gạo sạch không sử dụng phân, thuốc vô cơ, với sự tham gia của “4 nhà”.

Trong đó, ông Phạm Chánh Trực- nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương- là “đầu tàu” trong việc vận động doanh nghiệp (Saigon Co.op) đứng ra bao tiêu sản phẩm, cùng nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong nước như: GS.TS Võ Tòng Xuân, PGS. TS. Nguyễn Văn Huỳnh, PGS.TS Phạm Văn Kim… tham gia “hiến kế” thực hiện.

Đến nay, sau 3 năm thực hiện mô hình đạt nhiều kết quả khả quan. Ông Dương Văn Thành- Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến- cho biết từ 33 thành viên, đến nay HTX đã có 82 thành viên với diện tích canh tác làm lúa gạo sạch khoảng 45ha.

Nếu năng suất những vụ đầu đạt chỉ 3,8 tấn/ha thì đến vụ Đông Xuân vừa qua trung bình hơn 6 tấn/ha, thu nhập năm sau cao hơn năm trước (năm 2018, sản xuất 2 vụ đạt 50,8 triệu đồng/năm/ha tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2017).

HTX cũng đã cung cấp cho thành viên 37 tấn lúa giống, 120 tấn phân hữu cơ các loại và cho thị trường trên 1.300 tấn lúa sạch. Đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh làm lúa theo quy trình sản xuất sạch không sử dụng phân, thuốc vô cơ. Nông dân (ND) tham gia mô hình phải ghi chép sổ tay, hàng vụ đều tổ chức họp sơ kết, đánh giá.

“ND trước đây còn quen tập quán sản xuất sử dụng phân, thuốc hóa học, và khi làm ra bán khó khăn. Nhưng từ khi tham gia mô hình những cái khó đã được khắc phục. Hiện ND dần quen sản xuất lúa hữu cơ. Để ý sẽ thấy, môi trường cải thiện, tôm cá về đồng đã nhiều hơn trước”- ông phấn khởi, nói.

Là người đã tham gia thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở một số tỉnh- thành ĐBSCL- PGS. TS. Nguyễn Văn Huỳnh cho rằng: Khó khăn ở hầu hết là đầu ra sản phẩm, nhưng với mô hình ở Mỹ Lộc được Saigon Co.op bao tiêu “là điều rất đáng quý”.

Cái được nữa là cải thiện được môi trường, chuyển dần tính thích nghi sản xuất của bà con từ 3 vụ lúa/năm thành 2 vụ. Vụ 3, đất được nghỉ ngơi xả lũ lấy phù sa, rơm thì làm nấm hoặc có thể chuyển đổi nuôi cá tôm để tăng thu nhập.

Trong khi đó, theo TS. Vũ Anh Pháp: Trên thế giới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ khoảng 10%, trong khi Việt Nam là dưới 1%, còn rất thấp.

Nhưng đó là xu thế buộc chúng ta phải làm. TS. Vũ Anh Pháp cho rằng sản xuất lúa hữu cơ tại xã Mỹ Lộc là hướng đi đúng. Và thực tế chứng minh mô hình đạt nhiều kết quả khả quan về hiệu quả kinh tế, đầu ra, nhất là môi trường được cải thiện.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Anh Pháp, muốn phát triển bền vững, thời gian tới phải cải thiện năng lực ban chủ nhiệm HTX, đầu tư hạ tầng giao thông, đồng ruộng để thuận tiện trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Hiện, kỹ sư ra trường rất nhiều, vì vậy địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ để thu hút đội ngũ này về phục vụ cho HTX”- TS. Vũ Anh Pháp nói giải pháp cải thiện năng lực quản trị HTX hiện nay.

Cơ hội tái cấu trúc nông nghiệp

Ông Phạm Chánh Trực đánh giá mô hình lúa hữu cơ tại xã Mỹ Lộc là đúng định hướng và hiệu quả; giúp ND làm ăn có liên kết, môi trường cải thiện và cũng là giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo.

Từ mô hình làm ăn bài bản của HTX Tân Tiến, ông cho rằng là cơ sở quan trọng tiến tới cấu trúc lại nông nghiệp ở Vĩnh Long và ĐBSCL.

Những tồn tại mà HTX Nông nghiệp Tân Tiến gặp phải thời gian qua là chưa tổ chức lao động xã viên thành tổ dịch vụ, xã viên còn tự mình sản xuất nên khó kiểm soát được quy trình; máy móc chủ yếu thuê mướn nên tốn kém chi phí.

Ông đề nghị: “HTX cần tổ chức xã viên thành tổ dịch vụ. Trước mắt, cần thành lập 3 tổ: rải phân, phun xịt thuốc, chăm sóc ruộng đồng để giúp nhau sản xuất, hạn chế thuê dịch vụ bên ngoài”. Ở khâu tiêu thụ, ông cho rằng nhận thức xã viên chưa thống nhất, “thậm chí có hộ còn xé rào làm sai quy trình, coi thường cam kết”. Đây là vấn đề tồn tại mà HTX cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Nói về vấn nạn nền nông nghiệp hiện nay là việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học tràn ngập, ông Phạm Chánh Trực cho rằng cần phải cấu trúc lại nông nghiệp, mà trước mắt là hình thức HTX. Với hình thức HTX đúng đắn như HTX Tân Tiến đang làm thì hoàn toàn có thể tổ chức lại nền nông nghiệp theo yêu cầu sản xuất hiện đại.

Ông cũng cho rằng, mục tiêu cấu trúc lại nhằm hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả. Và mô hình HTX sản xuất lúa sạch tại xã Mỹ Lộc là “tiệm cận” xu thế.

Đề cập vấn đề có thể sản xuất sạch, an toàn, hạn chế tiến tới không sử dụng hóa chất ở mô hình này, ông khẳng định “chắc chắn được”, với điều kiện nếu tiếp tục phát huy được những thế mạnh, khắc phục cho được những hạn chế yếu kém vừa qua.

Nhất là phải tuyên truyền, người dân tự nguyện, tự giác tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hợp đồng được ký kết.

“Cán bộ có ý nghĩa quyết định thành công của mô hình HTX Mỹ Lộc”- ông Phạm Chánh Trực lưu ý và cho rằng, HTX Tân Tiến Mỹ Lộc nên tham khảo mô hình của HTX tỉnh Saga (Nhật Bản) mà HTX đã từng đi tham quan, nghiên cứu. ND, xã viên vẫn làm ruộng trên thửa đất của mình, HTX giữ quyền nắm khâu kỹ thuật, quy trình sản xuất và nắm khâu tiêu thụ sản phẩm.

Kết luận tại hội nghị, ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng BCĐ Phát triển kinh tế tập thể tỉnh- cho rằng: Phát triển kinh tế tập thể là lĩnh vực khó, vì vậy tại hội nghị này đã có sự tham gia của nhiều thành phần để nắm bắt những thuận lợi và khó khăn.

Qua đó, cũng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng, phát triển mô hình.

Cho rằng sản xuất sạch là xu thế không thể đảo ngược và làm khác được, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu yêu cầu các sở, ngành trên cơ sở đóng góp của nhà khoa học, doanh nghiệp phải có giải pháp tháo gỡ gút mắc kịp thời; vận động nhân dân, nhất là đảng viên thực hiện gương mẫu khi tham gia mô hình. Đồng thời, thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương cho HTX, nhất là nguồn nhân lực.

Đối với HTX và xã viên phát huy tính tự chủ tự lực, không trông chờ ỷ lại. Đặc biệt là phải luôn tuân thủ quy trình sản xuất, ứng dụng kỹ thuật, quản lý minh bạch và tính mùa vụ để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn

Ông Phạm Trung Kiên- Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)

Trong quá trình đầu tư sản xuất tại Vĩnh Long, Saigon Co.op cũng có nhiều thuận lợi là sự ủng hộ, tham gia, chỉ đạo hỗ trợ rất tâm huyết và quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã.

Mục tiêu khi tham gia vào dự án mô hình lúa sạch xã Mỹ Lộc là định hướng thị trường, giảm chi phí trung gian, khuyến khích sản xuất bền vững theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh cũng còn không ít khó khăn về vận động thuyết phục các hộ ND tham gia vào mô hình; HTX chưa có hệ thống quản trị tốt, thiếu vốn…

Vì vậy, kiến nghị Nhà nước cần có các cơ chế chính sách quyết liệt hơn để hỗ trợ cho HTX, như về tài chính kỹ thuật, nhân sự để HTX có thể quản trị và hoạt động đúng hướng. Nhà khoa học cần tăng cường gắn kết giữa các đơn vị tư vấn để xây dựng kế hoạch sản xuất dài hạn, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong toàn bộ quy trình sản xuất.

Còn ND tham gia mô hình cần kiên định gắn bó với dự án, gắn sản xuất với thị trường theo định hướng của Saigon Co.op, chia sẻ với Saigon Co.op trong thời điểm thị trường bị biến động.


Ông Nguyễn Quốc Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình

Sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm là xu thế phát triển hiện nay để tiến tới sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, huyện xác định đây là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình lúa sạch xã Mỹ Lộc thì cần có sự chung tay nhiều hơn nữa của các đơn vị, cá nhân liên quan trong chuỗi liên kết sản xuất “4 nhà” và phải đảm bảo được 3 vấn đề năng suất, giá cả và lợi nhuận; kịp thời có giải pháp quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước không bị ô nhiễm để phù hợp cho sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.


Ông Dương Văn Thành- Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Tân Tiến


Tuy đạt một số kết quả, nhưng thực tế HTX chúng tôi cũng đang gặp một số khó khăn:

bước đầu chuyển đổi từ sản xuất sử dụng hóa học sang sử dụng sinh học cây lúa chậm phát triển nên thành viên HTX còn băn khoăn, chưa mạnh dạn thực hiện, khiến công tác vận động cũng gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ quản lý điều hành HTX còn lúng túng trong khâu quản lý; việc ghi chép nhật ký đồng ruộng còn một số thành viên chưa cập nhật thường xuyên và đầy đủ.

Ngoài ra, thời tiết diễn biến phức tạp dịch bệnh nhiều gây áp lực cho thành viên HTX. Diện tích sản xuất nhỏ, khó áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng.

 

 

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ