Tái cơ cấu nông nghiệp- vẫn còn nhiều rào cản

Cập nhật, 16:15, Thứ Tư, 14/06/2017 (GMT+7)

 

Cần có giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ nét về tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Cần có giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ nét về tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển công nghiệp bền vững… có rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chất vấn để có những giải pháp tháo gỡ thời gian tới.

* Nhiều rào cản trong tái cơ cấu

Theo đại biểu Đặng Thuần Phong- đơn vị tỉnh Bến Tre, đánh giá tổng thể nền nông nghiệp nước nhà, có 5 rào cản lớn cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Một, chính sách nhiều, phân tán theo thẩm quyền từng ngành, từng cấp, thiếu gắn kết phối hợp.

Hai, nguồn lực và phân bổ nguồn lực dù bất cập, dự kiến cao nhưng thực có chỉ có khoảng 50%, chủ yếu là từ ngân sách nhà nước nguồn xã hội hóa yếu.

Ba, tích tụ ruộng đất, thời hạn sử dụng ruộng đất là rào cản cho đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Bốn, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa, tạo sinh kế ứng dụng khoa học, công nghệ dịch chuyển và phát huy lao động nông thôn, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị, xác lập thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều thách thức.

Năm, chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới, chuyển hóa nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa để nông dân có thể khá, giàu trong làm nông nghiệp còn là mơ ước. Những rào cản trên sẽ giải quyết như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chúng ta đang thiếu nguồn lực, tất cả cân đối nằm trong một bức tranh chung, do đó việc khó khăn khách quan, chúng ta đang phải đối phó là một thực tiễn.

Tới đây, các bộ, ngành phải tập trung để rà soát lại, tham mưu cho Chính phủ những chính sách gì đột phá, những chính sách gì ưu tiên trước.

Ngoài ra, cái khó lớn nhất hiện nay là chính sách để huy động tổng nguồn lực xã hội thì vấn đề này phải nghiên cứu một cách bài bản, căn cơ. Một số lần chúng tôi kiến nghị trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề này phải thành một luật thì mới tổng huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế chung của đất nước.

Theo đại biểu Trần Văn Mão- đơn vị tỉnh Nghệ An qua 4 năm thực hiện tái cơ cấu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất chậm, kết quả chưa đạt được so với mục tiêu và yêu cầu, vẫn còn tình trạng sản xuất vượt quy hoạch, kinh tế nhỏ lẻ tăng trưởng chưa cao, bộc lộ yếu kém. Vậy, lộ trình tham mưu cho Chính phủ những giải pháp căn cơ nào để khắc phục những yếu kém nêu trên?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chính sách để tập trung tháo gỡ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển là rất nhiều.

Những chính sách chúng ta muốn tháo gỡ khó khăn cho khu vực nông nghiệp, đầu tiên là tổ chức liên kết, không tổ chức lại không được, nếu để thế này không được. Muốn có liên kết phải có chính sách, làm sao ra hợp tác xã, làm sao ra được doanh nghiệp.

Rõ ràng muốn doanh nghiệp liên kết với dân phải có chính sách, chính sách ở hai nhóm: Một là ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp về tín dụng, về thuế, về đất đai…, Vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng giao nhiệm vụ phải ra soát lại để chỉnh sửa cho tính khả thi cao, dự kiến trình trong từ nay đến tháng 9/2017.

Một vấn đề nữa là chính sách mở rộng thương mại, bởi nếu chúng ta tổ chức thương mại không tốt, kể cả nội địa và kể cả xuất khẩu, sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

* Bất an với sạt lở

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết-đơn vị tỉnh An Giang vấn đề mà cử tri ĐBSCL vô cùng lo lắng và bức xúc là vấn đề sạt lở.

ĐBSCL là vựa lúa của cả nước nhưng là vùng trũng của cả nước và hạ tầng giao thông đường bộ đang là điểm nghẽn của vùng, nay sạt lở rất nghiêm trọng về phạm vi và cả cường độ, như An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau v.v... đang kêu cứu.

Sạt lở đã uy hiếp gần 20.000 hộ dân mất nhà cửa và đời sống người dân rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Vì vậy, giải pháp nào để giúp người dân ổn định cuộc sống, giúp cho địa phương có giải pháp căn cơ?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện đang chúng ta phải đối mặt với một thực trạng tác động biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng chung 6 vùng kinh tế- xã hội, trong đó vùng ĐBSCL đang bị tổn thương rất lớn.

Có lẽ là từ trước đến nay trong lịch sử kiến tạo chưa bao giờ vùng ĐBSCL chịu tác động tổn thương như bây giờ. Hiện nay, chỉ mới một số điểm sạt lở nghiêm trọng được đầu tư kinh phí, còn lại mới tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi đang cố gắng làm sao trong hoàn cảnh khó khăn nhưng phải có ngay để hỗ trợ khẩn cấp. Theo đó, bước 1, sẽ tái dân đi an toàn, các tỉnh đang làm rất tốt, không được để thiệt hại và ảnh hưởng đến dân.

Bước 2, chỗ nào xung yếu, ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông thì được ưu tiên trước. Gói tổng thể riêng vùng này phải có đánh giá quan trắc, đưa ra nhóm giải pháp rất đặc biệt.  

Một vấn đề rất được nhiều đại biểu quan tâm là cử tri yêu cầu là khi nào và cho đến khi nào giải quyết được, người nông dân không phải loay hoay đau lòng với thực tế nay trồng mai chặt, phải bỏ ruộng, treo ao? 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kỳ này chúng ta cần phải tập trung tất cả để rà soát quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, chuỗi ngành hàng không tách rời (kể cả các nhánh sản phẩm quốc gia, các nhánh sản phẩm của tỉnh, địa phương).

Chúng ta theo một nguyên lý tổ chức sản xuất, tất cả cùng tập trung vào một mối, lấy tín hiệu thị trường làm cơ sở để từ đó căn cứ hoàn cảnh cụ thể của địa phương, những vùng nào cây gì là lợi thế so sánh, cây gì có chuỗi giá trị cao.

Cây gì có thể chúng ta làm ra, đủ điều kiện để khuyến khích doanh nghiệp vào. Trên cơ sở đó chúng ta giải quyết những vấn đề giữa sản xuất với tiêu thụ.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian tới đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan triển khai tốt việc rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, khắc phục cơ bản những khó khăn của ngành gắn với việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

 

Trong năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch và có lộ trình cụ thể để cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020.

 

Tập trung các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ.

 

Đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Hoàn thành việc hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quyết định 678 của Thủ tướng về bộ tiêu chí theo dõi đánh giá thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020.

 

Ngoài ra, có giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ nét về tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 

Tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế để hỗ trợ liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển mạnh khâu chế biến, nhất là chế biến sau thu hoạch. 

 


Bài, ảnh: TÂM- THI