Đầu tư lưới điện: Hứa hẹn những công trình

Cập nhật, 13:33, Thứ Năm, 05/05/2016 (GMT+7)

Vừa qua, đoàn công tác của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về công tác đầu tư xây dựng lưới điện, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện năm 2016 và những năm tiếp theo.

Công trình trạm biến áp 110kV Phước Hòa (xã Hòa Phú- Long Hồ) đã được đóng điện góp phần cấp điện cho Khu công nghiệp Hòa Phú và khu vực lân cận.
Công trình trạm biến áp 110kV Phước Hòa (xã Hòa Phú- Long Hồ) đã được đóng điện góp phần cấp điện cho Khu công nghiệp Hòa Phú và khu vực lân cận.

Qua đó, khẳng định quyết tâm của ngành điện và địa phương trong đầu tư lưới điện, với mục tiêu đảm bảo nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cho sự phát triển của địa phương.

Trong năm 2015, EVN SPC đã thực hiện đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn 238 tỷ đồng cho các công trình lưới điện 110kV và lưới điện phân phối, nhờ đó đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Cụ thể, việc cấp điện cho các thành phần phụ tải quan trọng, phụ tải sản xuất và đời sống được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện trong mùa khô, cung cấp điện đủ và an toàn cho các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của địa phương trong năm 2015 với 739 triệu kWh, tăng 13,85% so với năm 2014.

Tính đến cuối năm 2015, tổng số hộ dân có điện toàn tỉnh Vĩnh Long là 291.875 hộ, đạt tỷ lệ 99,62%, trong đó số hộ nông thôn có điện là 222.948 hộ, đạt tỷ lệ 99,52%.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 4 trạm biến áp 110kV với 240MVA, bao gồm các trạm: Bình Minh, Phước Hòa, Vĩnh Long và Vũng Liêm. Dự kiến công suất lớn nhất năm 2016 là 136MW, sản lượng điện thương phẩm 830 triệu kWh (tăng 12,31% so với năm 2015).

Năm 2016, EVN SPC bố trí 124 tỷ đồng để đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh, trong đó, lưới điện 110kV có tổng mức đầu tư 114 tỷ đồng, bao gồm 20,6km đường dây và 40MVA tổng công suất trạm biến áp.

 

Điện ngày càng đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Điện ngày càng đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Hiện các công trình đã đóng điện như công trình phân pha 16,9km đường dây Vĩnh Long 2- Sa Đéc, cải tạo trạm Vĩnh Long, trạm Cổ Chiên và 2x3,65km đường dây đấu nối.

Ngoài ra, đang chuẩn bị đầu tư các dự án 16km đường dây Bình Minh- Hòa Phú, lắp máy 2 trạm Phước Hòa, trạm Trà Ôn, trạm Bình Tân, trạm Tam Bình và các đường dây đấu nối.

Đối với lưới điện phân phối, tỉnh Vĩnh Long cũng được EVN SPC bố trí 10 tỷ đồng đầu tư các công trình như 5,1km đường dây trung áp, 12,8km đường dây hạ áp và 3,8MVA trạm phân phối.

Ngoài ra, dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế khu vực trung tâm thị xã, thành phố bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức cũng đang được chuẩn bị đầu tư với tổng vốn là 238 tỷ đồng.

Theo đó, khi dự án được triển khai sẽ xây dựng mới 23,5km và cải tạo 253,3km đường dây trung áp, xây dựng mới 45,1km và cải tạo 38,1km đường dây hạ áp và 76 trạm phân phối với tổng công suất 7.375kVA trên toàn tỉnh.

Để có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp điện theo định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2016- 2020, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc EVN SPC- Nguyễn Văn Hợp khẳng định sẽ chủ động tối đa nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu về điện trên địa bàn cũng như sẽ tích cực sát cánh với địa phương trong việc chống hạn đang diễn biến phức tạp, đồng thời đề nghị địa phương bổ sung kịp thời các nhu cầu mới vào quy hoạch điện lực.

Bên cạnh đó, EVN SPC rất mong và đề nghị sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng công trình đường dây 110kV Bình Minh- Hòa Phú.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, tuyên truyền những chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng, thay đèn chiếu sáng sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện như đèn compact, đèn led. Có tiến trình cụ thể xóa đèn sợi đốt trong sinh hoạt và sản xuất.

Tỉnh nên sớm hoàn chỉnh đề án quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016- 2025 có xét đến 2035 và trình Bộ Công thương phê duyệt để EVN SPC có cơ sở triển khai thực hiện.

Qua buổi làm việc với EVN SPC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu cam kết chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng tiến độ các công trình điện cũng như nhanh chóng giải quyết các đề nghị của ngành điện để đáp ứng tiến độ các công trình điện nhằm đảm bảo cho nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cho sự phát triển của địa phương.

Giai đoạn 2016- 2020, EVN SPC dự kiến đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn 919 tỷ đồng để thực hiện các công trình lưới điện 110kV và lưới phân phối để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế khu vực, bao gồm các dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ áp khu vực trung tâm thị xã, thành phố, nâng cao độ tin cậy lưới điện phân phối theo tiêu chuẩn N-1, trạm 110kV Cổ Chiên và đường dây đấu nối.

 

Bài, ảnh: LÊ SƠN