Khởi nghiệp từ nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

"Cứ đi sẽ đến, đừng ngại dấn thân"

Cập nhật, 13:09, Thứ Năm, 14/05/2020 (GMT+7)

Với niềm đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, vừa thỏa chí kinh doanh, vừa có thêm thu nhập, không ít người đã dần thành công trên con đường khởi nghiệp nhờ sự bền chí, nhiệt huyết và mong muốn sẽ lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến mọi người xung quanh.

Chị Mỹ bên vườn dưa lưới trong nhà lưới, giờ đã “an tâm đầu ra”.
Chị Mỹ bên vườn dưa lưới trong nhà lưới, giờ đã “an tâm đầu ra”.

Từ không biết bán cho ai đến… bán không kịp

Theo nhiều người, ý tưởng làm giàu từ nông nghiệp là một trong những lĩnh vực khởi nghiệp có tỷ lệ thành công cao hiện nay. Bên cạnh đam mê, còn có sự bền chí, nhiệt huyết với con đường mình đã chọn.

Học chuyên ngành kế toán, nhưng với đam mê sản xuất nông sản sạch vừa để sử dụng, vừa để cung cấp cho người tiêu dùng có được sản phẩm sạch, chị Huỳnh Thị Long Mỹ (ấp Tân An B, xã Chánh An- Mang Thít) cũng đã khởi nghiệp bằng con đường nông nghiệp theo hướng công nghệ cao được 2 năm nay.

Nói về lúc chập chững khởi nghiệp, chị Mỹ chia sẻ: “Mới đầu không có vốn liếng gì nhiều, nhưng tôi mê làm nông nghiệp công nghệ cao từ lâu lắm rồi nên “liều” thử luôn.

Lúc đầu tôi trồng rau cải các loại rồi đậu bắp,… trên 300m2 trong nhà lưới nhưng không hiệu quả. Không nản, dần dần tôi học hỏi rồi tìm tòi thêm và quyết định trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao. Nhờ kiên trì nên đến hiện tại cũng đã thu hoạch được 6 mùa trái rồi”.

“Khởi nghiệp chỉ vì đam mê thôi chứ vướng khó đủ thứ từ vốn, kỹ thuật rồi đến đầu ra. Nhưng rồi nghĩ “cứ làm đi, nếu không làm thì sẽ không thành công”.

Bên cạnh đó, dù lúc đó cũng chưa biết sẽ bán cho ai nhưng tôi thấy nhu cầu thực phẩm sạch rất cao nên cũng tự tin về đầu ra, nếu mình làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn thì nhất định sẽ được người tiêu dùng đón nhận”- chị Mỹ vui vẻ nói.

Theo chị Mỹ để đạt hiệu quả cao, đầu tiên phải chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, thích hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, rồi phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng thích ngọt nhiều hay ít mà điều chỉnh kỹ thuật trồng, liều lượng phân thuốc.

Chị Mỹ chọn trồng theo hướng công nghệ cao bởi trồng trong nhà lưới hạn chế được sâu bệnh, nắng mưa, chăm sóc cũng dễ hơn và ít hao hụt hơn.

Có hệ thống phun tưới tự động, tưới nhỏ giọt, kiểm soát được nguồn nước. Với 300m2 chị Mỹ trồng được 700 dây dưa lưới, 1 dây cho rất nhiều trái nhưng chỉ chừa lại 1 trái để cho cây nuôi đủ chất và đảm bảo trọng lượng.

“Lúc đầu chưa rành nên thấy dây ra nhiều trái cũng ham chừa lại 2- 3 trái/dây nhưng hiệu quả thu lại không như mong muốn nên vụ sau chỉ chừa 1 trái. Nhờ vậy mà trái đạt chất lượng, ngon, ngọt hơn”- chị Mỹ chia sẻ.

Vừa xuống vụ dưa lưới mới được 3 ngày, chị Mỹ phấn khởi nói: “Như đợt hạn mặn vừa rồi, vườn của tôi không bị ảnh hưởng do tôi chủ động tích trữ nước trong ao, điều chỉnh lượng nước thích hợp. Giờ đầu ra dưa lưới đã ổn định, mùa rồi còn không đủ bán.

Tôi cũng dần lấy lại vốn, thời gian tới tôi cũng dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng và thử nghiệm nhiều loại nông sản khác để đa dạng mặt hàng cung cấp cho thị trường. Tôi cũng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp này với những người khác chứ không giấu nghề”.

Lan tỏa niềm đam mê khởi nghiệp

Anh Thái khởi nghiệp từ niềm say mê trồng trọt và bắt đầu với hồng leo.
Anh Thái khởi nghiệp từ niềm say mê trồng trọt và bắt đầu với hồng leo.

Có “nền” chuyên môn ngành nông nghiệp, anh Nguyễn Quốc Thái- thạc sĩ ngành bảo vệ thực vật, giảng viên Trường ĐH Cửu Long- vì đam mê trồng trọt mà đã hô biến hơn 300m2 thành vườn hoa hồng các loại, “vừa thỏa đam mê với hoa vừa có thêm thu nhập, lại vừa có thể tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy”- anh Thái nói.

“Từ 2 năm trước từ khi phong trào trồng hồng leo rộ lên, tôi cũng tự mày mò, nghiên cứu thêm cách trồng, chiết nhánh hoa hồng chủ yếu là các loại hồng nhập.

Khi đó, được rất nhiều người ưa chuộng. Khi bắt đầu khởi nghiệp với hồng leo, tôi cũng không lo đầu ra lắm bởi đây vừa là ý tưởng khởi nghiệp vừa để trau dồi chuyên môn.

Hồng là loại cây không khó trồng nhưng muốn trồng đẹp không phải là điều dễ. Do đó, khi bán tôi luôn tư vấn kỹ cho người mua cách chăm sóc sao cho đúng cách, phân, nước đúng liều lượng.

Sau khi phong trào hồng leo tạm lắng xuống thì tôi nhập trồng thêm lan, lài, bằng lăng Thái,… Khi dịch COVID-19 xuất hiện, tôi chuyển sang bán online nhiều hơn”- anh Thái cho biết thêm.

Không chỉ khởi nghiệp cho chính mình, anh Thái còn có mong muốn lan tỏa niềm đam mê khởi nghiệp với nhiều người, nhất là các sinh viên. Chính vì vậy, anh Thái vận động nhóm thầy cô và 12 sinh viên của trường cùng tham gia dự án “Khởi nghiệp trồng phong lan dưới nhà máy năng lượng mặt trời”.

Anh Thái cho hay: Đây là nhà máy điện sản xuất năng lượng tái tạo sạch và cũng là nơi để cán bộ, giảng viên, nhân viên trường nghiên cứu, ứng dụng thực tế vào chương trình giảng dạy và đào tạo của nhà trường. Với diện tích rộng đến 1,5ha, nên thầy và trò có thể thỏa sức nghiên cứu và thử nghiệm.

Theo anh Thái, dự án này thuận lợi “thiên thời địa lợi” bởi nhà trường rất khuyến khích các dự án khởi nghiệp. Theo đó, dự án này đã được nhà trường hỗ trợ 50 triệu đồng về thiết bị, vật tư, bên cạnh đó, trường còn cho mượn vốn 50 triệu đồng trả trong 2 năm.

Hiện dự án đang thử nghiệm trồng lan dentro, hồ điệp, mokara,... Khi xác định được trồng lan dưới pin năng lượng mặt trời là thích hợp, hiệu quả, sẽ chuyển sang bán lan cắt cành và lan giống.

Nói về ý tưởng khởi nghiệp này, anh Thái chia sẻ: Dự án lan “cộng sinh” với pin năng lượng mặt trời, so với trồng lan trong nhà lưới thì trồng lan dưới pin năng lượng mặt trời, còn nhiều khó khăn như kiểm soát nắng, nhiệt độ nhưng vẫn có những thuận lợi riêng là có thể tận dụng mái che pin năng lượng mặt trời và tận dụng trụ đỡ làm trụ đỡ che lan.

Trong khi đó, hiện nay nhiều người cũng có xu hướng lắp máy che pin năng lượng mặt trời, đồng thời, lan là loại cây cho giá trị kinh tế cao nên có thể thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả cao.

Anh Thái cho hay, dự án đã khởi động từ tháng 12/2019, đã hoàn thành các khâu phòng cấy mô, nhà dưỡng con,... Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ sau tết đến tháng 4/2020 nên hiện đang bắt đầu tiếp tục triển khai.

“Tôi mong muốn giai đoạn 1 sẽ kết thúc trong 1 năm với các mục tiêu: xác định được quy trình kỹ thuật cho các đối tượng lan theo hướng công nghệ cao dưới pin năng lượng mặt trời. Đồng thời có được đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm từ nhân giống chăm sóc, đến tiếp cận thị trường. Giai đoạn 2 tôi sẽ kêu gọi góp vốn, dự kiến với số vốn 500 triệu đến 1 tỷ đồng”.

Đã đi được một phần chặng đường, anh Thái bày tỏ: “Tôi quan niệm cứ đi sẽ đến, đừng ngại khó, ngại khổ. Dấn thân vào cái mới chưa bao giờ là điều dễ dàng, phải đầu tư công sức, trong thời gian dài. Nhưng khi làm sẽ nâng cao được giá trị bản thân và nghề, ngành học của mình.

Tôi mong muốn sẽ nhen nhóm, bồi đắp lòng đam mê khởi nghiệp cho sinh viên nông nghiệp, cho sinh viên thấy ngành học của mình có ích, không phí phạm bởi ngành nông nghiệp là ngành học không dễ dàng.

Qua đó, cũng sẽ góp phần tạo động lực cho các sinh viên, không chỉ với đối tượng là lan mà còn là các loại cây trồng, nông sản khác. Từ đó, sinh viên cũng sẽ có nền tảng mạnh dạn đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp khác, không chỉ có ích cho ngành đang theo học mà có thêm kinh nghiệm cho bản thân trong công việc sau này”.

Bài, ảnh: THẢO LY