Blog thị trường

Cần cơ cấu chăn nuôi hợp lý

Cập nhật, 15:26, Thứ Sáu, 27/03/2020 (GMT+7)

Cách đây không lâu, trước thiệt hại từ dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã khuyến nghị người nuôi giảm bớt việc nuôi heo mà tăng dần trâu bò và gia cầm trong cơ cấu chăn nuôi.

Bởi, trong cơ cấu chăn nuôi của Việt Nam đang rất mất cân đối. Ở các nước phát triển, chăn nuôi heo chỉ chiếm 20- 25%, gia cầm chiếm 40% và gia súc ăn cỏ từ 30- 35%. Còn ở ta, heo chiếm tới 65- 70%, gia cầm chiếm 20- 25%, gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 6- 8%.

Đây không phải là cơ cấu hợp lý, khi vòng đời của gà là ngắn nhất (42 ngày), chi phí tăng trọng rẻ nhất (1,5- 1,6kg thức ăn cho 1kg tăng trọng). Trong khi đó, heo nuôi tới 6 tháng, chi phí cho 1kg tăng trọng lên tới 2,5kg thức ăn.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, thịt heo đang chiếm tới 65- 70% trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam, thịt gia cầm 15- 20%, số còn lại là thịt bò và thủy sản.

So với các nước trên thế giới thì tiêu thụ thịt heo trên đầu người của nước ta chưa phải là cao, thế nhưng cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề lo ngại về sức khỏe và nhất là áp lực môi trường.

Và một hệ quả gần đây mà ai cũng dễ dàng nhận ra khi “chăm chăm vào thịt heo” là sau dịch bệnh, xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung đẩy giá tăng cao vút.

Hiện heo hơi đã tăng lên mức gần 80.000 đ/kg kéo theo giá bán tại các chợ tăng từ 5.000- 8.000 đ/kg. Điều này, đặt ra lo ngại việc đổ xô nuôi mà mất kiểm soát lại tái diễn dịch bệnh, thiệt hại.

Hạn chế ăn thịt heo- nói vậy không có nghĩa là “bỏ hẳn” thịt heo như cách mà nhiều bà nội trợ từng nghĩ, rồi phản ứng.

Mà khuyến cáo ở đây với mong muốn giảm ăn thịt heo giai đoạn khó khăn này nhằm khống chế tình hình khan hàng giá cả leo thang. Ngành chăn nuôi có thời gian tìm nguồn giống tốt, định hướng chăn nuôi an toàn, tái đàn một cách bền vững.

Khuyến cáo hạn chế ăn thịt heo và thay thế bằng cá hay thịt gia cầm là mũi tên trúng nhiều đích, mà muốn đạt hiệu quả cao cần sự chung tay hợp tác mạnh mẽ của người tiêu dùng.

NGUYỄN HOÀNG