Không thiếu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân

Cập nhật, 05:18, Thứ Sáu, 27/03/2020 (GMT+7)

“Với hệ thống bán lẻ trên toàn tỉnh hiện nay, mặt hàng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm đủ đáp ứng nhu cầu của người dân” là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Công thương- Trương Thanh Sử, trước lo ngại thiếu nguồn cung hàng hóa của người dân trong thời gian qua. Theo đó, ngành công thương cũng đã chuẩn bị các phương án, kịch bản để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh ứng phó với dịch COVID-19.

Siêu thị tăng nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Siêu thị tăng nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đảm bảo đủ lượng hàng

Theo Sở Công thương, nhìn chung, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, như: gạo, thịt heo, thịt- trứng gia cầm, thủy hải sản, mì gói, thực phẩm chế biến, rau củ quả,...

Sở Công thương cũng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin giá cả hàng hóa chặt chẽ với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL,… trong trường hợp hàng hóa trên thị trường có biến động bất thường để kịp thời cung ứng và trao đổi hàng hóa.

Cụ thể, đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, mì gói, đường, nước chấm,… đã vận động Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn- Vĩnh Long (Co.opmart Vĩnh Long), Siêu thị Vincommerce Vĩnh Long, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh (23 cửa hàng), hệ thống cửa hàng Vinmart+, Công ty CP Acecook Vĩnh Long tham gia dự trữ và cung ứng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 115 chợ, 3 siêu thị tổng hợp, phục vụ cho việc cung cấp hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh.

Tăng lượng hàng và liên tục nhập hàng để phục vụ người tiêu dùng (NTD), bà Diệp Thị Quế Hương- Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long- cho biết: “Siêu thị tăng nguồn hàng từ 3- 5 lần so với bình thường, với mức giá ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu, do đó khách hàng có thể yên tâm, không nên quá lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm”.

Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng như Bách Hóa Xanh, cửa hàng tiện lợi, Vinmart +... cũng đã tăng lượng hàng nhập vào từ 2 tháng nay. Anh Nguyễn Thảo- Quản lý chuỗi cửa hàng Vinmart + khu vực Vĩnh Long- cho biết: Hiện Vinmart + có 7 điểm cửa hàng.

Để phục vụ nhu cầu cho NTD, từ đầu tháng 3, chuỗi cửa hàng đã nhập lượng hàng tăng gấp 2, gấp 3 so với trước, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm khô như: gạo, mì, đồ hộp, thịt… đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Chị Lê Mai Phương Ngân- Phó Ban Quản lý chợ Phước Thọ (Phường 8- TP Vĩnh Long) cũng cho biết: Chợ có trên 300 hộ tiểu thương, lượng hàng lương thực, thực phẩm tại chợ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của NTD.

Ban quản lý cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra hàng hóa, chất lượng thực phẩm tại chợ để đảm bảo quyền lợi cho NTD.

Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện tình trạng găm hàng.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện tình trạng găm hàng.

Ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho hay: Qua làm việc với các trung tâm thương mại, nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất hàng lương thực thực phẩm, có thể khẳng định mặt hàng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm trên địa bàn tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, không có tình trạng khan hiếm hay thiếu hụt như lo ngại của nhiều người. Do đó, khuyến cáo người dân không nên mua sắm, tích trữ quá mức những mặt hàng không cần thiết.

Đã có kịch bản cụ thể ứng phó với dịch COVID-19

Để chủ động ứng phó, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh trong trường hợp xảy ra dịch COVID-19, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch ứng phó với 3 kịch bản.

Cụ thể, trong trường hợp bình thường, chưa có dịch bệnh xâm nhập, dự kiến nhu cầu hàng hóa tăng thêm khoảng 20-30%, sẽ thường xuyên nắm tình hình cung ứng hàng hóa để kịp thời phân phối ra thị trường và phối hợp chia sẻ nguồn cung hàng hóa với các tỉnh- thành.

Trong trường hợp có dịch bệnh mới xâm nhập, sức mua của người dân cho nhu cầu dự trữ giả định tăng 50-70%, Sở Công thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu cao trong hệ thống phân phối để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đồng thời, nắm chắc tình hình các doanh nghiệp về lượng hàng dự trữ, tình hình cung ứng hàng hóa và sức mua của người dân, phối hợp với các doanh nghiệp điều tiết hàng hóa từ nơi thừa đến nơi thiếu trên địa bàn tỉnh.

Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, xuất hiện các khu vực bị cách ly do dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực bị cách ly giả định ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, cần sự hỗ trợ và cung cấp trực tiếp về thực phẩm thiết yếu và hàng hóa phục vụ sinh hoạt cho các khu vực này thì tập trung cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho các khu vực bị cách ly.

Tại các khu vực khác: lượng khách mua sắm giảm do lo sợ về dịch bệnh nên hạn chế đi lại, lượng mua hàng hóa tăng do nhu cầu tích trữ tăng 100-150%.

Khi đó, sở sẽ thống kê mặt hàng và số lượng hàng hóa có sức mua cao, thiếu hàng hóa và phải xác định ngay địa điểm xảy ra thiếu hàng để kịp thời chỉ đạo các đơn vị phân phối có điểm bán đang thiếu hàng thực hiện điều tiết nguồn hàng trong hệ thống, bù đắp lượng hàng thiếu; thông tin, tuyên truyền đến NTD mua hàng đủ tiêu dùng, không gom hàng để nhường cho người khác được mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu hàng ngày.

“Trong trường hợp có khu vực bị cách ly do dịch bệnh: Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở ngành tỉnh và chính quyền địa phương nơi có khu vực bị cách ly để xây dựng phương án, phương thức cung cấp hàng hóa đến các khu vực bị cách ly”- ông Trương Thanh Sử thông tin thêm.

Để góp phần bình ổn thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- cho biết: Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho người dân. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính, lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý, không để tình trạng tăng giá đột biến xảy ra.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN