Thu hút dự án đầu tư chất lượng đến Vĩnh Long

Cập nhật, 07:33, Thứ Ba, 12/11/2019 (GMT+7)

 

Giai đoạn 2019- 2020, tỉnh mời gọi đầu tư 6 dự án (thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước) lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Trong ảnh: Sản phẩm nông sản Vĩnh Long góp mặt tại các hội chợ, triển lãm.
Giai đoạn 2019- 2020, tỉnh mời gọi đầu tư 6 dự án (thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước) lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Trong ảnh: Sản phẩm nông sản Vĩnh Long góp mặt tại các hội chợ, triển lãm.


Nhận định Vĩnh Long đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỉnh cần xác định và phát huy những lợi thế phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế để thu hút những dự án đầu tư chất lượng.

Tính đến tháng 8/2019, toàn tỉnh có 235 dự án còn hiệu lực đầu tư với tổng mức vốn đăng ký đầu tư ước khoảng 25.616 tỷ đồng và 641 triệu USD.

Trong đó, có 63 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án này đã và đang góp phần làm gia tăng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 13,74% và đạt tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ của năm 2018 (9,14%), đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo các chuyên gia, Vĩnh Long hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, môi trường kinh doanh ổn định, điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích cây ăn trái lớn thứ 2 vùng ĐBSCL và thứ 4 cả nước; có tiềm năng du lịch trải nghiệm, miệt vườn.

Bên cạnh, với việc đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dự kiến được thông xe trong năm 2020, Vĩnh Long sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để khai phá các tiềm năng về phát triển kinh tế- xã hội…

Tuy có những lợi thế về tiềm năng, phát triển kinh tế và kết quả thu hút đầu tư nói chung còn chưa tương xứng với kỳ vọng.

Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, thu hút FDI, Vĩnh Long đứng thứ 40/64 địa phương trong cả nước và 7/13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tập trung vào lĩnh vực sản xuất da giày, chế biến thực phẩm, linh kiện. Chưa có dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, mang tính liên vùng trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, logistics, du lịch, nông nghiệp.

Theo đó, để thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng, tỉnh cần kiên định và nhất quán trong chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tầm nhìn dài hạn.

Trong đó, tiếp tục tập trung vào phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp gắn với chế biến chuyên sâu, hiệu quả cao. Bên cạnh, tiến tới thu hút các dự án công nghệ cao, logistics, du lịch, dịch vụ, tài chính, năng lượng; thúc đẩy mô hình kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh, cần định vị và xây dựng thương hiệu riêng cho Vĩnh Long gắn với tiềm năng và lợi thế. Mặt khác, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược dựa trên việc xây dựng và triển khai phát triển quy hoạch không gian đồng bộ…

Song song với việc thu hút dòng vốn FDI, ODA... tỉnh cần xây dựng danh mục dự án tiềm năng, tính khả thi cao để xúc tiến, trên tinh thần “đáp ứng cái gì doanh nghiệp cần, không phải đưa ra cái gì ta có” để thu hút các nguồn lực xã hội hóa từ tập đoàn, doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp tạo đòn bẩy nâng cao tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ dựa trên tri thức, sáng tạo, liêm chính. Cuối cùng, tỉnh cần đổi mới căn bản, toàn diện phương thức tiếp cận công tác xúc tiến đầu tư.

“Muốn thu hút chim phượng hoàng, phải làm tổ, đồng nghĩa với những cơ chế chính sách mới đột phá, sáng tạo có tính hệ thống”- Thứ trưởng Võ Thành Thống nói vậy và tiếp tục nhấn mạnh- “Để quảng bá Vĩnh Long hiệu quả hơn, tỉnh cần nên nghiên cứu lựa chọn thông điệp riêng và hình ảnh giới thiệu về một vùng đất tươi đẹp, tiềm năng gắn với tầm nhìn, định hướng và mục tiêu phát triển của tỉnh”.

Vĩnh Long đang hội tụ các điều kiện thuận lợi về giao thông, hạ tầng... để thu hút đầu tư các dự án chất lượng.
Vĩnh Long đang hội tụ các điều kiện thuận lợi về giao thông, hạ tầng... để thu hút đầu tư các dự án chất lượng.

Từ những phân tích thực tế về triển vọng phát triển kinh tế và cơ hội đầu tư ở tỉnh Vĩnh Long, PGS.TS. Trần Kim Chung- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- nhận định: Với các lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng và nguồn nhân lực, Vĩnh Long sẽ phải dựa trên 3 đột phá chính là nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp điện tử và du lịch sinh thái, miệt vườn lịch sử cách mạng.

Ông cũng lưu ý: việc hiện thực hóa các lợi thế và tận dụng được các cơ hội quốc tế và trong nước đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, quyết tâm chính trị rất cao của cả chính quyền và nhân dân.

Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL vào năm 2020, tỉnh đã ban hành Danh mục các dự án mời gọi đầu tư thuộc nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019- 2020 gồm: 6 lĩnh vực, với 46 dự án, tổng vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón khẳng định: đến Vĩnh Long, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, các nhà đầu tư sẽ tận dụng được các ưu thế của địa phương, được hỗ trợ bằng các chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư riêng mà tỉnh đang triển khai thực hiện.

Trong đó, nhà đầu tư sẽ được các cơ quan chức năng của tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và cung cấp nhanh chóng, kịp thời thông tin, số liệu cần thiết khác theo yêu cầu trong phạm vi pháp luật cho phép nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU- TRÀ MY