Tiềm năng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc còn rất lớn

Cập nhật, 05:06, Thứ Sáu, 08/11/2019 (GMT+7)

Theo ông Hồ Tỏa Cẩm- Tham tán Kinh tế Thương mại Đại Sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới. Và tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông sản, thủy sản của ĐBSCL còn rất lớn.

Nông sản ĐBSCL còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nông sản ĐBSCL còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bà Huỳnh Thiên Trang- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ- cho biết, về quan hệ thương mại, Trung Quốc có 14 năm liền (từ năm 2004 đến nay) là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 8 trên thế giới.

Đặc biệt, năm 2018, Trung Quốc là đối tác đầu tiên có kim ngạch thương mại với Việt Nam đạt trên 106 tỷ USD (tăng 14% so cùng kỳ 2017)- đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam lập kỷ lục này.

Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 41 tỷ USD (tăng 16% so cùng kỳ 2017) và giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 65 tỷ USD (tăng 11%).

Về quan hệ đầu tư, tính đến nay, Trung Quốc xếp thứ 7/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 2.149 dự án, tổng vốn đăng ký gần 13,3 tỷ USD.

Các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghiệp và khai khoáng, tiếp đến là dịch vụ, nông- lâm- ngư nghiệp và chế biến thủy sản… phân bố trên 53 tỉnh- thành trên cả nước.

“Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam- Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới với nhiều quy định mới về hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm phát huy lợi thế của các doanh nghiệp 2 nước, mục đích là nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc”- bà Huỳnh Thiên Trang nói.

Ông Hồ Tỏa Cẩm thông tin thêm, với dân số 1,4 tỷ người, bình quân mỗi năm người Trung Quốc tiêu thụ 700- 900 triệu con heo, 7- 8 tỷ con gà…

Bình quân một người Trung Quốc tiêu thụ 30kg sữa/năm, 40kg thịt heo, 50kg hoa quả. “ĐBSCL là trung tâm sản xuất hoa quả, các loại cá, gạo…

Do đó, các doanh nghiệp không có lý do không tăng cường khai thác thị trường lân cận 1,4 tỷ người này trong khi dư địa, không gian phát triển ở thị trường này còn rất lớn”.

Về việc có phải thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, ông Hồ Tỏa Cẩm bày tỏ quan điểm: Thị trường dễ tính hay khó tính còn tùy theo mức sống.

Hiện GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt 10.000 USD- mức sống cao thì yêu cầu về hàng hóa sẽ cao hơn. Theo ông, thị trường Trung Quốc chưa phải khó tính mà yêu cầu theo quy chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Lý giải tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn “là dễ hiểu” nhưng cũng theo ông Hồ Tỏa Cẩm “mất cân đối thông tin đang là vấn đề lớn của Việt Nam”. Điều này dễ thấy ở những lần nông sản Việt Nam bị ùn tắc ở cửa khẩu, rồi giải cứu.

Ông ví dụ ở ĐBSCL có mặt hàng khoai lang tím mà từ các nhà hàng nhỏ đến khách sạn 5 sao của Trung Quốc đều có (phần lớn đều của Việt Nam) nhưng nhìn lại thì mặt hàng này chưa đạt được hiệu quả tương xứng tiềm năng “lâu lâu lại nghe rớt giá, thương lái Trung Quốc không mua”.

Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, cần coi lại hệ thống thông tin, chú ý từ khâu giống cho tới cách canh tác, quan tâm thêm công nghệ chế biến và thị trường.

Khoai lang tím hiện đang là một trong những mặt hàng được ưu tiên đàm phán mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Khoai lang tím hiện đang là một trong những mặt hàng được ưu tiên đàm phán mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Vấn đề còn lại là kết nối thị trường Trung Quốc và Việt Nam như thế nào. Theo ông, vấn đề cần lưu ý: nhận thức đầy đủ về thị trường Trung Quốc (nhu cầu, thuế, ưu đãi…); làm theo tiêu chuẩn, nắm các thông số, tiêu chuẩn phía Trung Quốc đưa ra; chọn đối tác cho kỹ càng; tận dụng các quy tắc mậu dịch tự do. Bên cạnh, cần chú ý bao bì, mẫu mã, chất lượng.

Đồng thời, cần thông tin rộng rãi đến người sản xuất về việc chắc chắn thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng yêu cầu cao (thông qua chính ngạch thay vì tiểu ngạch). Theo đó, cần tận dụng, phát huy vai trò hội, hiệp hội, đại sứ quán,…

“Quan trọng là cập nhật thông tin, kịp thời nắm quy định của phía Trung Quốc. Ngoài ra, phải trao đổi và biết khả năng của thương lái Trung Quốc.

Với những lô hàng lớn, cần phải đến tận nơi. Nếu chưa đủ thông tin, có thể đến Đại sứ quán chúng tôi giúp cung cấp thêm thông tin”- ông chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Công- Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn về nông- thủy sản của thế giới với quy mô khoảng 160 tỷ USD/năm. Trong đó, rau quả khoảng 9-10 tỷ USD; thủy sản 8-10 tỷ USD; thịt, sữa 9-10 tỷ USD và gạo là 2- 2,5 tỷ USD.

Trung Quốc và Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 1.450km, đi qua 2 tỉnh của Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây) và 7 tỉnh của Việt Nam (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên).

Trung Quốc hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 34 cửa khẩu (7 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính 20 cửa khẩu phụ) và nhiều đường mòn lối mở ở các tỉnh biên giới nên việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản rất thuận lợi.

Ông Trần Văn Công cho biết thêm, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch được 9 mặt hàng trái cây tươi sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt (trong đó, có 4 loại trái cây chiếm từ 85- 95% thị phần tại thị trường Trung Quốc).

Bên cạnh, hiện 2 bên đang ưu tiên đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch những loại như sầu riêng, khoai lang tím... Các loại quả khác đã được gửi hồ sơ, gồm chanh leo, bưởi, dừa, mãng cầu…

Ông Trần Văn Công nhận định, dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản Việt Nam vào quốc gia này chỉ đạt trên 8,6 tỷ USD và 9 tháng đầu năm nay là hơn 6 tỷ USD.

“Rõ ràng, so với quy mô 160 tỷ USD mà Trung Quốc nhập khẩu mỗi năm, thì con số của Việt Nam bán sang đây là quá nhỏ”- ông Trần Văn Công nói.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU