Thúc đẩy các giải pháp để kinh tế "tăng tốc"

Cập nhật, 13:49, Thứ Ba, 13/09/2016 (GMT+7)

Tình hình kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long những tháng đầu năm, được UBND tỉnh đánh giá tiếp tục ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản còn chậm… Để tăng tốc phát triển kinh tế hoàn thành kế hoạch năm, Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh các giải pháp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2016 đạt 25.893 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2016 đạt 25.893 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế phát triển ổn định, nhưng…

Trong 8 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 10,34% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành tăng cao như: sản xuất sản phẩm khác từ gỗ, sản phẩm từ tre, nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện tăng hơn 66%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng hơn 53%; sản phẩm thuốc lá tăng gần 38%...

Bên cạnh, theo nhận định của Cục Thống kê, do khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc yếu thế cạnh tranh trên thị trường nên một số ngành giảm như: chế biến thủy sản, sản xuất xi măng, xay xát và sản xuất bột thô, sản xuất thuốc, mỹ phẩm...

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng 2016 thực hiện 241,9 triệu USD, đạt trên 73% kế hoạch, tăng gần 33% so cùng kỳ. Thời gian qua, mặc dù xuất khẩu của tỉnh đã đa dạng hóa mặt hàng dựa trên tiềm năng, thế mạnh.

Các mặt hàng như rau quả đông lạnh, giày da, túi xách, vali... tăng mạnh và đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tuy nhiên, xuất khẩu tăng chủ yếu từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài.

Riêng mặt hàng gạo ngày càng thu hẹp thị trường, các hợp đồng tập trung có xu hướng giảm do sự thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu của các nước và gạo Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nước như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ,…

Hàng thủy sản đang yếu thế cạnh tranh do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và năng lực chế biến hạn chế. Hàng thủ công mỹ nghệ khó đáp ứng kịp thời yêu cầu của các nước nhập khẩu nên xuất khẩu cũng giảm mạnh...

Cũng theo Cục Thống kê, 8 tháng qua, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 871 tỷ đồng, chỉ đạt 34,06% kế hoạch năm.

Đây là vấn đề UBND tỉnh rất quan tâm đôn đốc, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương cần tập trung giải pháp đẩy nhanh khối lượng, giải ngân đúng tiến độ.

Mạnh dạn đề xuất cắt vốn những dự án chậm triển khai để bố trí cho những địa phương khác, nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư.

Đặc biệt, trong Chỉ thị số 20 vừa được UBND tỉnh ban hành mới đây cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Đồng thời, thay thế những cán bộ, công chức yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.

Thúc đẩy các giải pháp hoàn thành kế hoạch năm

Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, qua thăm dò, khảo sát hoạt động của một số DN trên địa bàn tỉnh cho thấy: đối với nhóm DN vừa sản xuất kinh doanh khá ổn, khả năng đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm và khá hài lòng với cách quản lý, điều hành, các chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Tuy vậy, ông Nguyễn Tường Nam cho rằng nhóm DN này không lạc quan lắm về tăng trưởng kinh tế và vẫn dè dặt trong việc mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đối với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đa số DN trong tỉnh) cho thấy việc tiếp cận các thông tin, chính sách hỗ trợ DN ít hơn, “có thể họ chưa có nhiều mối quan hệ hoặc còn bỡ ngỡ”- ông Nguyễn Tường Nam nhận xét.

Trong khi đó, nhóm các hộ kinh doanh cá thể, bạn trẻ có ý tưởng phát triển DN còn bỡ ngỡ hơn. Riêng đối với các bạn trẻ, họ cho rằng việc kinh doanh trong tỉnh còn rất khó khăn và có hơi chùn bước trong khởi sự DN…

Từ những ghi nhận trên đây, ông Nguyễn Tường Nam cho rằng, thời gian tới ngoài việc tham mưu cho tỉnh các chính sách, cơ chế tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh góp phần thúc đẩy khởi sự DN, Hội Doanh nhân trẻ cũng tăng cường các giải pháp liên kết trong sản xuất, đầu ra sản phẩm. Trước mắt, sẽ xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ tạo liên kết DN trong tỉnh, giới thiệu và quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương và khu vực.

Ông Lê Quang Trung nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, quản lý thị trường. “Đây là nhiệm vụ của tất cả các sở, ngành chứ không riêng đơn vị nào. Qua đó, tạo thuận lợi nhất cho DN, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh”- ông Trung lưu ý.

Mới đây, UBND tỉnh đã có Công văn 3290 chỉ đạo về việc thúc đẩy hoàn thành kế hoạch kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2016.

Công văn nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước và của tỉnh như: sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa Hè Thu, cây ăn trái sẽ giảm năng suất, sản lượng do bị ảnh hưởng xâm nhập mặn; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại sẽ được duy trì và tăng trưởng; diễn biến thất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh trên người, đàn gia cầm, vật nuôi… còn diễn ra.

Mục tiêu chung của tỉnh là tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội nhằm đạt kết quả cao nhất.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục nhanh nhất các mặt hạn chế yếu kém trong 8 tháng qua.

Đồng thời, kêu gọi các Hiệp hội ngành nghề, cộng đồng DN và nhân dân trong tỉnh tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn thách thức, tổ chức lao động sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Xây dựng và phát triển thương hiệu

Ngày 26/7/2016, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2016- 2020.

 

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 20 DN, tổ chức trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm các thương hiệu mạnh trong các lĩnh vực hoặc theo các tiêu chí bình chọn khác nhau, có khả năng cạnh tranh cấp vùng và quốc gia. Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có ít nhất 3 thương hiệu mạnh; mỗi huyện- thị- thành có ít nhất 1 sản phẩm mạnh mang thương hiệu địa phương.

 

Nghị quyết cũng đề cập việc hướng dẫn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học- công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động thương mại nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu trong và ngoài nước

.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC