Bỏ quên người tiêu dùng xăng dầu

Cập nhật, 05:47, Thứ Sáu, 18/03/2016 (GMT+7)

Trong văn bản phát đi từ văn phòng Bộ Công thương vào ngày 14/3, cho rằng sở dĩ giá cơ sở (để làm cơ sở áp giá bán lẻ cho người tiêu dùng) của mặt hàng xăng dầu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) trong khi thuế nhập khẩu của các mặt hàng đã giảm dần theo các hiệp định thương mại (thấp hơn MFN từ 5-10 điểm phần trăm) là làm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Lời giải thích cho nghịch lý trên từ Bộ Công thương khiến dư luận không khỏi băn khoăn rằng: lợi ích của người tiêu dùng xăng dầu đã bị xếp sau rất nhiều yếu tố. Vì sao người tiêu dùng phải mua xăng dầu giá cao dù thuế nhập khẩu các mặt hàng này từ nhiều thị trường đã giảm dần theo các hiệp định thương mại?

Theo Điều 10 của Thông tư 39/2014/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn cho Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thì có một bộ phận gọi là Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu có nhiệm vụ tính toán giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu để tham mưu với lãnh đạo liên bộ Công thương- Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước. Nên Bộ Công thương là cơ quan nhà nước có vai trò chủ trì việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu và không thể lúc nào cũng “làm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính” được.

Lâu nay, các cơ quan quản lý luôn nói rằng luôn cân nhắc, tính toán để đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhưng trong chuyện giá xăng này cũng như giá nhiều mặt hàng khác như điện, thì quyền lợi người tiêu dùng đã bị bỏ quên!

Trong khi đó, hiện tại, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước Đông Nam Á đang thấp hơn khá nhiều mức thuế từ các nước khác. Nhờ vậy, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được lợi khá lớn. Nhưng người tiêu dùng sẽ không được hưởng lợi vì doanh nghiệp không thể tách bạch hàng nhập khẩu để áp dụng các mức giá khác nhau.

Bido2_40.com