Chuyện cọng rơm

Cập nhật, 23:20, Thứ Hai, 23/11/2015 (GMT+7)

Mới đây, trên nhiều tờ báo, có đưa tin về dự án hợp tác chế biến rơm xuất khẩu sang Nhật Bản làm thức ăn trong ngành chăn nuôi giữa Nông trường Sông Hậu với Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX).

Theo đó, Nhật Bản đang rất cần nguồn thức ăn tốt, sạch cho chăn nuôi, nhất là cho đàn bò 4 triệu con. Do đó, sẽ nhập chừng 220.000 tấn rơm mỗi năm (đã qua chế biến). Có thể vào đầu năm tới, lô rơm đầu tiên sẽ có chuyến “vượt biển ra khơi”.

Việc mua bán rơm thật ra không phải là chuyện lạ lùng gì ở xứ lúa gạo miền Tây. Từ nhiều năm trước đây, ở tỉnh Đồng Tháp vốn đã có một chợ rơm nổi tiếng với ghe tàu tấp nập, rơm mua về được dùng làm nấm rơm. Tuy vậy, năm 3 vụ lúa với tổng cộng trên 4 triệu lượt hecta lúa thì số lượng rơm hàng năm đã lên tới trên 20 triệu tấn. Số rơm cho trâu bò ăn và làm nấm ở trong vùng vẫn chưa “nhằm nhò gì”. Phần lớn rơm rạ vẫn bị nông dân đốt bỏ, càng thêm ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, xuất khẩu rơm tuy chỉ mới gói gọn trong Nông trường Sông Hậu, nhưng cũng đã mở ra thêm một hướng mới và một lần nữa cho thấy, từ những phụ phẩm, thậm chí là phế phẩm (như lục bình, xơ dừa, mụn dừa,…) nếu bảo đảm an toàn vệ sinh (không hóa chất độc hại) và được chế biến tốt, vẫn có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu hấp dẫn, thậm chí là “hàng độc” mà không phải nơi đâu cũng có được.

THÁI BÌNH