Phát hiện hợp chất chữa cơn đau mãn tính trong ốc biển

Cập nhật, 15:17, Thứ Bảy, 25/02/2017 (GMT+7)

Công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, các nhà khoa học tại Đại học Utah cho biết một hợp chất tìm thấy trong nọc độc của Conus regius, một loài ốc nhỏ ở vùng Caribbean, có thể dùng phát triển thuốc chữa cơn đau mãn tính.

Phát hiện hợp chất chữa cơn đau mãn tính trong ốc biển
Phát hiện hợp chất chữa cơn đau mãn tính trong ốc biển

Được biết, hầu hết các loại thuốc giảm đau mạnh, như nhóm opioid, phát huy tác dụng bằng cách bám vào các prôtêin đặc biệt trong não và các cơ quan của cơ thể, gọi là các thụ thể opioid.

Nhưng hợp chất Rg1A trong nọc độc của ốc Conus regius (mà chúng dùng để làm tê liệt hay giết chết con mồi) hoạt động bằng cách tác động lên các bộ phận của hệ thần kinh.

Các nhà khoa học cho biết loại thuốc hoạt động theo cách này có thể mở ra hướng điều trị giảm đau mới, qua đó giảm sử dụng thuốc opioid mạnh như morphine, vốn có thể gây nghiện và dẫn tới một số tác dụng phụ nghiêm trọng.

Giáo sư tâm thần học J Michael McIntosh cho biết điều đặc biệt thú vị từ hợp chất mới là tác dụng phòng ngừa. "Một khi cơn đau mãn tính phát triển, nó rất khó điều trị.

Phát hiện mới mở ra tiềm năng ngăn chặn cơn đau ngay từ đầu…", ông nói. Các thử nghiệm trên chuột cho thấy những con được chữa bệnh bằng hóa trị cực kỳ nhạy cảm với đau đớn và lạnh, nhưng những con dùng thêm hợp chất Rg1A thì không bị như vậy.

"Hợp chất này hiệu quả đến 72 giờ sau khi tiêm, tức là vẫn ngăn ngừa cơn đau" – Giáo sư McIntosh nói. Nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện này đồng nghĩa Rg1A có thể được dùng để tạo ra một liệu pháp giảm đau mới cho bệnh nhân một khi họ không đáp ứng với các biện pháp giảm đau hiện hành.

Theo Cần Thơ Online