Ca sĩ Hạnh Nguyên: "... Dừng lại có nghĩa là thụt lùi!"

Cập nhật, 11:50, Chủ Nhật, 12/04/2015 (GMT+7)

Hạnh Nguyên sinh ngày 30/6/1980, quê Long An- một trong những cái nôi của ca nhạc tài tử Nam Bộ- hiện cùng gia đình sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Nếu là người yêu thích thể loại dân ca, hẳn các bạn sẽ không xa lạ gì Hạnh Nguyên này bởi giọng hát ngọt ngào.

Ca sĩ Hạnh Nguyên.
Ca sĩ Hạnh Nguyên.

* Hạnh Nguyên đã “bén duyên” nghề ca hát như thế nào?

- Không giống như một số các ca sĩ khác có quá trình ca hát từ bé, lúc nhỏ Nguyên không tham gia một đội ca, nhóm ca nào cả! Nguyên chỉ thích nghe radio đài FM, nghe băng cassette, đĩa nhạc rồi tự ghi lời bài hát và thích hát cho một mình mình nghe. Lần nọ Nguyên tìm đến Nhà Thiếu nhi Quận 1 chơi, vì thiếu người, đạo diễn Lê Cường đã nhờ Nguyên đóng dùm một vai phụ và từ đó Nguyên trở thành diễn viên của đội kịch Tuổi Ngọc. Tuy về sau nhiều lần cũng được đóng vai chính, nhưng Nguyên cảm thấy mình không phù hợp lắm với kịch nói. Rồi một lần khác khi có dịp đi với người bạn đến xem một buổi thi học kỳ của học sinh thanh nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Các học sinh thanh nhạc đứng hát bên chiếc piano, không có thiết bị âm thanh, không có dàn nhạc, nhưng Nguyên vẫn cảm nhận được cảm xúc của bài hát. Chính hình ảnh đơn sơ, mộc mạc đó đã gây ấn tượng lớn, đã khơi dậy tình yêu âm nhạc trong tâm hồn Nguyên, day dứt, thôi thúc, lôi cuốn... và sau cùng đã lái Nguyên rẽ ngoặt, thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp và Nguyên bắt đầu hành trình nghệ thuật ca hát từ độ ấy. Hạnh Nguyên đã tìm đến thầy Hoàng Tín để học thanh nhạc và sau đó xin thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh dù cùng lúc Nguyên vẫn đang theo học hệ chính quy ở Trường Đại học Ngoại thương.

* Một khi nhắc tới Hạnh Nguyên, khán giả lại nhớ đến hình ảnh cô ca sĩ thướt tha với tà áo dài cùng giọng hát ngọt ngào trong những giai điệu dân ca trữ tình. Lý do nào chị chọn theo đuổi dòng nhạc này?

- Chiếc Huy chương vàng Tiếng hát Sinh viên toàn quốc năm 1997 và giải tư Tiếng hát Truyền hình năm 1998 như những tấm “hộ chiếu” để Nguyên bước vào con đường nghệ thuật. Trong thời gian làm việc với Trung tâm băng nhạc Rạng Đông và Hãng phim Trẻ, nhiều người khuyến khích Nguyên nên thử sức trong 2 thể loại dân ca và nhạc trẻ. Và mình quyết định chọn dân ca. Lúc đó, dù đã khẳng định hướng đi, Nguyên vẫn chưa thật sự tin tưởng mình có thể thành công. Những điều nhà trường dạy chỉ là những kiến thức, kỹ năng cơ bản, mình phải tự học hỏi qua các băng đĩa của những ca sĩ nổi tiếng hát dân ca, tự tìm tòi thể nghiệm, đôi lúc cùng một bài hát nhưng phải được xử lý, biểu diễn với những cách thể hiện khác nhau, để từ đó tìm ra những cách diễn cảm đa dạng, phong phú. Nguyên luôn nghĩ rằng dừng lại có nghĩa là thụt lùi, vì vậy hôm nay phải tiến bộ hơn hôm qua, mới có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả, nhất là trong tình hình “chóng yêu, chóng ghét” của số đông khán giả trẻ ngày nay.

* Ngoài thể loại dân ca mang phong cách boléro, Hạnh Nguyên còn hát được thể loại nào và hình như Hạnh Nguyên đã từng tham gia đóng phim?

- Đúng rồi! Có một dạo mình đã “thử sức” trong lĩnh vực phim ảnh. Vai diễn đầu tiên là vai chính Nga trong phim “Thằng quỷ nhỏ” của đạo diễn Vinh Sơn- Lê Cường thực hiện năm 1998. Bộ phim thứ 2 là “Cay đắng mùi đời” của đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện năm 2006. Về âm nhạc, ngoài boléro, Nguyên cũng hát rất nhiều các bài hát thể loại mang âm hưởng dân ca, nhạc nước ngoài, Anh, Hoa và Nhật, kể cả nhạc pop. Nhưng trên sân khấu thì vẫn chủ yếu thể hiện âm hưởng dân ca và boléro.

* Hạnh Nguyên vừa ra mắt cùng lúc 2 album xem như muốn đánh dấu sự trở lại của mình?

- Đây cũng là 2 album đều do Trung tâm băng nhạc Rạng Đông phát hành. CD “Còn gọi tên em” gồm 13 ca khúc mới thuộc dòng nhạc trữ tình quê hương, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc của nhạc sĩ Hàn Châu và lời của nhà thơ Vịnh Đại Sơn. Ngoài ca khúc “Còn gọi tên em”, trong CD này còn giới thiệu những ca khúc trữ tình quê hương khá hay khác như “Nhớ về đồi sim”, “Áo tím về đâu”, “Tuổi mộng nào cho em”, “Câu chuyện đời tôi”, “Đêm cuối cùng bên nhau”, “Trên sa mạc thời gian”… Riêng DVD “Gọi tên quê hương” cũng khá đẹp về hình thức với thiết kế album sang trọng.

* Ở lần quay trở lại này, vào những ngày tới ca sĩ Hạnh Nguyên sẽ có gì mới mẻ, hấp dẫn hơn trước?

- Suốt hơn 2 năm qua, Nguyên đã tập trung học đàn tranh, guitar, vũ đạo. Còn hiện tại Nguyên đang tích cực tập luyện với guitar để chuẩn bị cho những show diễn chuyên nghiệp hơn với phong cách mới vừa đàn vừa hát.

* Cảm ơn ca sĩ Hạnh Nguyên đã dành cho chúng tôi có cuộc trò chuyện này!

NGUYỄN SINH