Trợ cấp thôi việc, mất việc làm

Cập nhật, 14:58, Thứ Ba, 05/07/2016 (GMT+7)

Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH quy định, trường hợp người lao động (NLĐ) làm việc cho người sử dụng LĐ theo nhiều hợp đồng LĐ kế tiếp nhau theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động, khi chấm dứt hợp đồng LĐ cuối cùng thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc theo các hợp đồng LĐ.

Trường hợp hợp đồng LĐ cuối cùng do NLĐ đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật sa thải thì thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng LĐ cuối cùng không được tính trợ cấp thôi việc. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng LĐ cuối cùng.

Đối với doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước hoặc DN cổ phần hóa từ DN nhà nước khi chấm dứt hợp đồng LĐ mà NLĐ có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN thuộc khu vực nhà nước và chuyển đến làm việc tại DN nhà nước trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp 1 lần trước khi phục viên, trợ cấp xuất ngũ đối với NLĐ có thời gian làm việc ở đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thì người sử dụng LĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian NLĐ đã làm việc cho mình và chi trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian NLĐ đã làm việc cho các cơ quan tổ chức, đơn vị, DN thuộc khu vực nhà nước trước đó theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Thời gian làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 bao gồm: thời gian NLĐ làm việc thực tế tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thời gian làm việc tại DN nhà nước khác.

Trường hợp NLĐ có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng LĐ từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm dưới 18 tháng thì trợ cấp mất việc làm của NLĐ ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.

Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách DN, hợp tác xã mà NLĐ chấm dứt hợp đồng LĐ thì người sử dụng LĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian NLĐ đã làm việc cho mình và thời gian NLĐ đã làm việc cho người sử dụng LĐ trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách DN, hợp tác xã.

Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

MAI ANH