Xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh

Cập nhật, 07:01, Thứ Bảy, 10/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Từ ý nghĩa đó, tỉnh Vĩnh Long đã xác định chuyên đề năm 2023 là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long trong thời kỳ mới”. Đồng thời, cũng đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tỉnh ủy Vĩnh Long biểu dương, khen thưởng các tập thể điển hình học tập, làm theo Bác chuyên đề năm 2022.
Tỉnh ủy Vĩnh Long biểu dương, khen thưởng các tập thể điển hình học tập, làm theo Bác chuyên đề năm 2022.

Tư tưởng Bác là ngọn đuốc soi đường

Thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ta nêu ra và chỉ đạo bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, nhất là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ và Nhân dân.

Hàng năm, các cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch triển khai học tập trong toàn Đảng bộ và tuyên truyền rộng rãi ra Nhân dân.

Gần 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức đăng ký thực hiện chuyên đề hàng năm bằng những phương pháp mới, cách làm hay gắn với các phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Việc đăng ký làm theo Bác được đưa vào nội dung họp chi bộ, tạo thành nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Việc thực hiện có hiệu quả các chuyên đề góp phần tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội. Nhiều vấn đề khó, bất cập trong công tác xây dựng Đảng đã được giải quyết có hiệu quả.

Từ phong trào học tập và làm theo Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, khơi dậy tinh thần yêu nước, cổ vũ toàn thể Nhân dân hăng hái, phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển bền vững, văn minh.

Những giá trị về văn hóa, con người còn thể hiện ở lòng biết ơn sâu sắc truyền thống lịch sử, những vị anh hùng của đất nước để trân trọng và phấn đấu đóng góp xây dựng quê hương.
Những giá trị về văn hóa, con người còn thể hiện ở lòng biết ơn sâu sắc truyền thống lịch sử, những vị anh hùng của đất nước để trân trọng và phấn đấu đóng góp xây dựng quê hương.

Sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh có 10.153 tấm gương tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được biểu dương, khen thưởng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các mô hình điển hình học tập, làm theo Bác đã cổ vũ, động viên, phát huy những kết quả đạt được trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.

Tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị được thể hiện rõ nét, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi tập thể, cá nhân.

Học theo Bác xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long

Văn hóa là những giá trị tốt đẹp trong xã hội, hướng tới chân- thiện- mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Phát triển văn hóa là vấn đề chiến lược, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực để phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Chính vì thế, năm 2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long trong thời kỳ mới”.

Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề năm 2023, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về xây dựng con người Vĩnh Long có đầy đủ các đặc trưng của con người Việt Nam được xác định trong Nghị quyết số 33 đó là: “Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” và mang đậm nét đặc trưng của con người vùng đất Tây Nam Bộ “Thân thiện- Sáng tạo- Nghĩa tình- Văn minh- Hiện đại”.

Bên cạnh, tỉnh tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân. Chú trọng xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan, đơn vị, trong cộng đồng, nhất là không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội.

Giảng viên Khoa Kinh tế, Nông nghiệp và Công nghệ chế biến, Trường CĐ Vĩnh Long Nguyễn Thị Cẩm Nhung, chia sẻ, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và Nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam noi theo.

Học tập, làm theo Bác rèn luyện tu dưỡng những giá trị về văn hóa, con người đáp ứng những chuẩn mực đạo đức và hội nhập tốt với thời đại để trở thành một người công dân tốt hơn trong xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Song song đó, BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo đó, xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, phải được thực hiện thường xuyên, kiên trì, nghiêm túc dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Nhân dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.

Văn hóa, con người là động lực để phát triển quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Văn hóa, con người là động lực để phát triển quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 2030 trên nhiều lĩnh vực, trong đó phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh duy trì có trên 95% hộ gia đình văn hóa; tỷ lệ ấp, khóm, khu được công nhận và giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” duy trì từ 98% trở lên.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ hộ gia đình được duy trì và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” từ 99% trở lên; tỷ lệ ấp, khóm, khu được duy trì và giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” từ 99% trở lên; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có công trình văn hóa tăng lên 100%…

Ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu tự hoàn thiện tư cách, đạo đức của mỗi cá nhân, vừa là yêu cầu đối với toàn xã hội, cảm hóa đến mọi người xung quanh.

Việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững. 

Bài, ảnh: HẢI YẾN