Đồng chí Lê Duẩn- nhà lý luận xuất sắc của Đảng

Cập nhật, 06:49, Thứ Bảy, 08/04/2017 (GMT+7)

Trong các nhà lý luận của Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn là người có nhiều cống hiến nổi bật.

Bằng di sản lý luận của mình, đồng chí đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự vận dụng thiết thực, phát triển sáng tạo lý luận Mác- Lê-nin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Xin giới thiệu bài viết của PGS, TS Phạm Ngọc Anh đăng trên báo Quân đội nhân dân online.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn tại cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1969, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: T.L Báo Lao động
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn tại cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1969, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: T.L Báo Lao động

1. Đồng chí Lê Duẩn sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử đòi hỏi nhận thức, suy nghĩ phải mạnh bạo và sáng tạo. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí cũng là một quá trình tìm tòi, sáng tạo đầy gian khổ.

Bởi thế, sự nghiệp lý luận cách mạng của đồng chí hết sức phong phú; biểu hiện rõ nét tâm huyết, trí tuệ, tài năng của một lãnh tụ suốt đời phấn đấu để mang lại độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ngay năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ Côn Đảo về, đồng chí Lê Duẩn được Hồ Chí Minh và Trung ương giao trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Đồng chí đã ngược xuôi các kinh rạch Rừng U Minh, Đồng Tháp Mười… để thâm nhập thực tiễn, lãnh đạo cách mạng. Với tầm nhìn của mình, anh Ba Duẩn đã báo cáo ra Trung ương những nhận định, đánh giá khoa học, cách mạng.

Nhiều ý kiến đề xuất của đồng chí trong các văn bản: Báo cáo tình hình chung ở Nam Bộ (1948); Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam (1949);

Một số ý kiến tham gia Đại hội Đảng lần thứ II (1950)... đã khẳng định vai trò của nông dân, trí thức trong cách mạng dân tộc dân chủ, về một số chính sách lớn Đảng cần ban hành… trùng hợp với suy nghĩ của Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo hồi bấy giờ; được thể hiện nhất quán, rõ ràng trong văn kiện được trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951).

Tháng 7/1954, Hiệp định Genève được ký kết. Đồng chí Lê Duẩn đang ở Liên khu V thì Chủ tịch Hồ Chí Minh điện vào với nội dung: “Chú nhanh chóng vào Nam Bộ để còn tập kết ra Bắc”.

Đồng chí đã xin Bác cho ở lại miền Nam để cùng đồng bào đấu tranh và đã trăn trở nghĩ suy, chuẩn bị và viết Đề cương cách mạng miền Nam trình Trung ương.

 Hiệp định Genève quy định tạm thời chia cắt 2 miền đất nước tại Quảng Trị- quê hương của đồng chí- và dự kiến sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử hòa bình thống nhất; cán bộ, quân đội ta ở phía Nam tập kết ra Bắc.

Đầu năm 1955, khi tiễn đồng chí Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) từ Nam Bộ xuống tàu ra Bắc, đồng chí Lê Duẩn nói: “Anh ra báo cáo với Bác Hồ và các anh trong Bộ Chính trị, 20 năm nữa, chúng ta sẽ gặp nhau”.

Sau ngày toàn thắng, có người hỏi tại sao hồi ấy anh Ba nói 20 năm, anh Sáu giải thích: “Bởi anh Ba sớm thấy cách mạng miền Nam không tránh khỏi đối đầu với quân xâm lược Mỹ, và cuộc đụng độ lịch sử này sẽ vô cùng ác liệt trong thời gian dài”.

2. “Đề cương cách mạng miền Nam”, “Thư vào Nam”, “Cách mạng XHCN”, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”,… đã khẳng định một phong cách tư duy độc đáo của một nhà lý luận ở tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Một đóng góp lớn nữa về mặt lý luận của đồng chí Lê Duẩn là lãnh đạo, tham gia xây dựng, hoàn thiện lý luận về thời kỳ đầu quá độ lên CNXH. Đó chính là những tìm tòi, khảo nghiệm cho sự nghiệp đổi mới sau này của Đảng ta.

Những quan điểm về xây dựng nền kinh tế trong những năm 1979-1985 của Đảng thể hiện trong tư tưởng:

Duy trì nhiều thành phần kinh tế ở miền Nam trong Nghị quyết Trung ương 24 (khóa III), tháng 9/1975, đến quan điểm chỉ đạo phát triển sản xuất để giải phóng lực lượng sản xuất trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) năm 1979 và chủ trương khoán sản phẩm cho người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV năm 1980 là tiền đề dẫn tới đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986).

Sự nghiệp đổi mới của Đảng ta đã khẳng định công lao tìm tòi, sáng tạo của toàn Đảng, trong đó, có công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng trong thời kỳ đó.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đảng ta khẳng định, những quan điểm mang tính khai phá, mở đường được hình thành trên cơ sở tinh thần độc lập, tự chủ, tổng kết những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, hợp quy luật, thuận lòng người, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Đánh giá này đã khẳng định sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay của Đảng ta.

Tổng Bí thư Lê Duẩn trò chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV năm 1976.Ảnh tư liệu Báo QĐND
Tổng Bí thư Lê Duẩn trò chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV năm 1976.Ảnh tư liệu Báo QĐND

3. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện rõ là một nhà lý luận lớn, có tầm cỡ chiến lược của Đảng.

Với đồng chí Lê Duẩn, lý luận của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin luôn được gắn với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn đã gắn bó và tạo mối liên hệ giữa lý luận Mác- Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Lý luận và thực tiễn đó luôn luôn tác động, gắn bó với nhau và đồng chí luôn coi thực tiễn của cách mạng Việt Nam là yếu tố quyết định và lý luận Mác- Lê-nin mang tính chất vạch phương hướng, soi sáng, dẫn đường.

Về lý luận đấu tranh, đồng chí Lê Duẩn phân tích, chỉ rõ yêu cầu, Đảng đã dựa vào lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà phát triển lên cho phù hợp với hoàn cảnh của tình hình Việt Nam. Lý luận mở đường chỉ lối, còn thực tiễn bám sát phong trào.

Qua thực tiễn đấu tranh, Đảng rút kinh nghiệm, tổng kết thành lý luận. Đồng chí Lê Duẩn đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lô-gíc và lịch sử trong quá trình nghiên cứu; trong đó, lấy lô-gíc làm nền tảng để phân tích và lấy lịch sử để chứng minh.

Từ nghiên cứu các vấn đề đơn lẻ, đồng chí đã liên kết thành hệ thống các quan điểm, luận điểm, nhằm phát hiện bản chất và quy luật vận động của tiến trình cách mạng, các mặt đời sống xã hội. Đây là một phẩm chất và một năng lực rất quý của nhà lý luận Lê Duẩn.

Đồng chí Lê Duẩn đặc biệt coi trọng tổng kết lý luận. Với đồng chí, bất cứ một diễn biến nào xảy ra trong Đảng, trong cuộc đấu tranh cách mạng cũng đều phải rút ra những kinh nghiệm và đều phải có tổng kết nghiêm túc.

Đồng chí cho rằng, thực tiễn đấu tranh cách mạng nhất định phải được tổng kết bằng lý luận cách mạng. Nếu không tổng kết, thời gian sẽ qua đi và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng sẽ không được bổ sung phong phú.

Quá trình hoàn thiện lý luận và đấu tranh lý luận, bút pháp của đồng chí Lê Duẩn luôn sắc nhọn, phê phán và nhận định trực diện, lối viết không vòng vo; nhiều nội dung sâu sắc, có giá trị chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam cho đến hôm nay.