Kịp thời giải quyết tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn

Cập nhật, 11:04, Thứ Năm, 06/04/2017 (GMT+7)

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động của HĐND tỉnh tiếp tục được đổi mới và nâng cao năng lực thực tiễn, thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được HĐND tỉnh giải quyết kịp thời.
Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được HĐND tỉnh giải quyết kịp thời.

Mở rộng cơ cấu tổ chức

Hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2016- 2021 so với nhiệm kỳ trước có nhiều điểm mới cả về mặt cơ cấu tổ chức và thực hiện chức năng cơ bản trong hoạt động của HĐND.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh được mở rộng và tăng cường, gồm: chủ tịch, 2 phó chủ tịch, các ủy viên là trưởng các ban HĐND và Chánh Văn phòng HĐND;

ngay cả cơ cấu các ban HĐND tỉnh nhiệm kỳ này cũng được tăng cường, mỗi ban đều có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách gồm trưởng ban, 1 phó trưởng ban và một số ủy viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Theo ông Nguyễn Minh Dũng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thời gian qua, Thường trực và các ban HĐND không ngừng cải tiến để hoạt động của cơ quan dân cử đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu.

Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan chức năng trong công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp; tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT), tổ chức thảo luận tổ đại biểu tại các huyện thị- thành theo luật định.

Thông qua các buổi TXCT, các đại biểu HĐND đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề quan trọng, bức xúc mà cử tri quan tâm.

Thời gian qua, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được kịp thời giải quyết, đáp ứng được mong mỏi của cử tri: vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả do khô hạn và xâm nhập mặn…

Ngoài ra, việc cung cấp các thông tin về trả lời ý kiến cử tri, cũng như thông tin về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ cho hoạt động đại biểu HĐND được chú trọng và đảm bảo, hoạt động tại kỳ họp HĐND tỉnh cũng tiếp tục được đổi mới.

“HĐND tỉnh không chỉ thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, về các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, mà còn mở rộng dân chủ, công khai trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các cơ quan chức năng đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhằm bảo đảm cho các kiến nghị chính đáng của cử tri được tiếp thu và thực hiện hiệu quả trên thực tế- ông Nguyễn Minh Dũng cho biết thêm”.

 

Ông Nguyễn Minh Dũng cho biết, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định, trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhưng chưa quy định rõ hình thức và mức độ xử lý cụ thể. Ngoài ra, luật cũng chưa quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, phương pháp giám sát của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND nên còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Đề nghị Quốc hội có văn bản hướng dẫn chi tiết để các địa phương vận dụng sát hợp hơn.

Phát huy tốt quyền giám sát

Cùng với việc đổi mới về tổ chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử, hoạt động giám sát là một trong những chức năng cơ bản của HĐND nhiệm kỳ này cũng được luật hóa thể hiện qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Một trong những hoạt động nổi bật của HĐND tỉnh là tổ chức các hoạt động giám sát thường xuyên và giám sát, khảo sát chuyên đề. Đây là bước tiến quan trọng trong hoạt động của HĐND tỉnh, thể hiện tinh thần quyết tâm và sự đổi mới về phương pháp hoạt động của HĐND tỉnh ở nhiệm kỳ 2016- 2021.

Ông Nguyễn Minh Dũng cho biết, những nội dung giám sát đều có chọn lọc, sát với tình hình thực tế và cử tri quan tâm.

Từ đầu nhiệm kỳ, ngoài giám sát tại kỳ họp, Thường trực và các ban HĐND còn tổ chức các đợt giám sát chuyên đề là những vấn đề chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa đúng pháp luật, chưa đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân.

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua có thể thống kê một số vấn đề được giám sát liên tục: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo dự án VLAP; vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; cấp nước sạch sinh hoạt ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới; điều tra hộ nghèo theo cách tiếp cận đa chiều; vấn đề y đức và chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân…

Thông qua hoạt động giám sát, đã phát hiện, phản ánh kiến nghị nhiều vấn đề, nhiều giải pháp quan trọng để góp ý các đơn vị được giám sát tiếp thu và sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong thời gian tới, đồng thời góp phần giúp cho việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình được sâu sát.

Qua gần 1 năm hoạt động, HĐND tỉnh khóa IX đã nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy, đi vào hoạt động có nề nếp ngay sau kỳ họp thứ nhất. Các hoạt động của HĐND đã được cử tri ghi nhận, Tỉnh ủy đánh giá cao.

Qua 4 kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua 46 nghị quyết, các nghị quyết ban hành đang từng bước đi vào đời sống xã hội, kịp thời giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, được cử tri và nhân dân đồng tình.

 

Ông Trương Văn Sáu- Chủ tịch HĐND tỉnh- cho biết: Trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, còn một số vấn đề phát sinh cần tháo gỡ. Cụ thể, quy định 1 năm sẽ tổ chức 2 kỳ họp HĐND, nếu có vấn đề phát sinh buộc phải thông qua HĐND sẽ tổ chức kỳ họp bất thường. Thế nhưng trong 1 năm cũng không thể tổ chức quá nhiều kỳ họp bất thường. Lấy số liệu từ thực tế của tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Vĩnh Long đã xem xét, giải quyết 89 nội dung phát sinh giữa 2 kỳ họp theo đề nghị của UBND tỉnh. Về vấn đề này, HĐND tỉnh đã có kiến nghị với Quốc hội xem xét hướng dẫn, có thể một số vấn đề phát sinh cho phép được thỏa thuận giữa HĐND và UBND và báo cáo lại tại cuộc họp HĐND gần nhất.

Bài, ảnh: BÙI THANH