Ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em

Cập nhật, 13:48, Thứ Ba, 11/01/2022 (GMT+7)

(VLO) Những ngày qua, dư luận trong nước phẫn nộ khi cháu bé ở TP Hồ Chí Minh bị “mẹ kế” bạo hành dẫn đến tử vong. Thật xót xa hơn khi vụ việc này xảy ra tại một chung cư cao cấp có đủ các thiết chế, tổ chức, dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhưng hành vi dã man kia đã xảy ra từ lâu lại không bị tố giác kịp thời.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ tất bật tìm kế sinh nhai hoặc chú tâm làm kinh tế nên không có thời gian để dạy dỗ con cái.

Có gia đình, cha mẹ ly hôn, bất hòa nhau, làm ăn khó khăn, dẫn đến việc trút giận lên con cái bằng những hành động bạo lực. Điều đáng ngại là việc nhiều người coi chuyện đánh con là bình thường.

Khi một đứa trẻ bị đánh, hàng xóm thường coi đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, nên việc “đóng cửa bảo nhau” thì người ngoài cuộc ít can dự vào. Các cơ quan, đoàn thể thì khó có thể giải quyết kịp thời.

Thời gian phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua cho thấy sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu... đã làm tăng bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em.

Để từng bước ngăn chặn và hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em, chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ em.

Các ngành chức năng cũng cần thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện quyền của trẻ em.

Bên cạnh đó, người lớn phải thường xuyên được tư vấn tâm lý để có những hành xử đúng nhằm tránh tình trạng… giận vợ, giận chồng, đánh con cho hả giận!?

Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của tất cả mọi người. Hãy lên tiếng chống lại bạo lực trẻ em, không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra.

LÊ QUANG HUY

Các tin khác: