Cần bảo vệ các đàn cá non

Cập nhật, 07:56, Thứ Năm, 16/08/2018 (GMT+7)

 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tháng vừa qua, các chợ vùng giáp nước bên sông Tiền, sông Hậu đều có bán nhiều cá phèn chỉ- tức cá phèn non.

Đầu mùa lũ này, nhiều người dân vùng Đồng Tháp vui mừng khi đánh bắt được nhiều cá linh non, mỗi ký có giá tới 250.000đ. Cá phèn chỉ và cá linh non được nhiều người coi là đặc sản của vùng đồng bằng, được chế biến thành nhiều món ngon!

Việc thưởng thức những món đặc sản như nói trên khiến nhiều người nhớ lại khoảng giữa thế kỷ trước, vùng giáp nước của sông Hậu và sông Tiền có một đặc sản khác là cá cháy. Thịt của nó thơm ngon, bộ trứng của nó thì khỏi chê.

Lợi dụng tập tính của loài cá cháy là khi mùa giáp nước ở vùng này, cá bố mẹ từ biển vào để kết bầy sinh sản là người ta tập trung đánh bắt để biến chúng thành… đặc sản!

Với cách đánh bắt như thế nên ngày nay nhiều người đã không còn thấy con cá cháy trong tự nhiên nói chi đến con cháu. Chúng chỉ còn xuất hiện trên sách báo hay trong sự tiếc nuối của nhiều người lớn tuổi. Một chuyện khác: ngày 9/8 vừa qua, người dân Cà Mau vui mừng khi một ngư dân ở huyện Năm Căn đóng đáy hàng khơi bắt được một con cá đường nặng hơn 30kg (ảnh).

Đây là loài cá nhiều người tưởng đã tuyệt chủng. Việc làm biến mất một loài thủy sản tưởng như vô tận như cá đường phải chăng là một trong những bài học trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của chúng ta?

Còn nhớ gần đây thôi (thập kỷ 1980 của thế kỷ trước), vùng biển Khai Long của Cà Mau vào tháng 3- 4 âm lịch, đặc biệt là ngày 10/3, cá đường tụ tập về đây nhiều vô số để kết bầy sinh sản, mà người người biết với cái tên là “Hội cá đường”.

Lợi dụng tập tính này, ngư dân chúng ta đã dùng mọi cách để đánh bắt, chủ yếu để lấy cặp bong bóng trong mỗi con cá, dù thịt chúng rất ngon. Thời trước, bong bóng cá đường chế biến xong (phơi khô, cán phẳng) giá rất cao, loại 1 gồm 2 bong bóng/1kg giá 2 lượng vàng 24K, loại cấp thấp là loại nhiều bong bóng vào 1kg cũng có giá 8 chỉ vàng.

Cá đánh bắt về nhiều đến đỗi thịt không dùng hết thì làm khô, làm mắm, nhiều lúc cho không cũng không ai thèm lấy, phải ủ làm phân hay bỏ xác cá ngoài biển… Kiểu đánh bắt tận diệt như thế nên ngày 10/3/1983 là ngày hội cá đường cuối cùng ở vùng này cho đến nay!

Nhắc lại các chuyện cũ để thấy các nguồn thủy sản không phải là vô tận. Việc quyết liệt thực hiện các quy định trong bảo vệ các loài cá non như thời điểm được đánh bắt, quy định mắt lưới tối thiểu, phạt nặng người đánh bắt cá bằng các dụng cụ điện, cơ sở sản xuất làm ô nhiễm nguồn nước... là cần thiết.

Tuân thủ các quy định về bảo vệ các nguồn lợi thủy sản là thể hiện trách nhiệm đối với chính con cháu đời sau của chúng ta!

NGUYỄN KIM LÝ