Cần lắm "văn hóa giao thông"

Cập nhật, 05:42, Thứ Sáu, 03/08/2018 (GMT+7)

Văn hóa giao thông là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển, văn minh của một quốc gia. Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành trật tự an toàn giao thông; là cách ứng xử có văn hóa của mọi người khi tham gia giao thông; là tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông; là có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng; là biết nhường nhịn và giúp đỡ người khác, ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm...

Thế nhưng vẫn còn tình trạng không “văn hóa giao thông” như: Vào lúc 19 giờ kém 10 phút ngày 5/7/2018, tôi đang lưu thông trên QL1A, đoạn giáp đường Võ Văn Kiệt và Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long), hướng tới khoảng 60m bên phải.

Tôi thấy một đám đông tràn ra hơn nửa lộ (qua vạch trắng phân làn đường). Lúc đầu tôi nghĩ có tai nạn giao thông, nhưng khi tới nơi thì tôi thấy khoảng 40 người ngồi trên xe máy.

Đó là những phụ huynh chờ rước con đang học trong Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ. Tôi rất sốc khi thấy cảnh này, vì đây là nội ô thành phố, là QL, nơi có lượng người lưu thông rất đông.

Tôi nghĩ, trường hợp thỉnh thoảng xảy ra như lễ, hội hay việc đột xuất… thì có thể châm chế; còn đưa rước con đi học là việc thường xuyên thì không thể chấp nhận như thế.

Nói chung ở trước cổng trường học hay những cơ sở sản xuất,... nếu mọi người chưa ý thức thì những người quản lý trong các cơ sở này nên có trách nhiệm nhắc nhở để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Những hành vi thiếu ý thức dễ gây tai nạn giao thông mọi người nên chú ý như: học sinh sử dụng xe máy không có giấy phép lái xe; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe không đúng quy định; phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu; chạy xe vào đường ngược chiều;

không có tín hiệu xin đường khi chuyển hướng hoặc bật tín hiệu đèn bên này mà quẹo bên kia; vừa chạy xe vừa nghe điện thoại hoặc nhắn tin.

Nguy hiểm nhất là khi tín hiệu đèn xanh chỉ còn vài giây để chuyển qua đèn đỏ nhưng vẫn cố cho xe vượt qua và khi “chí lớn gặp nhau” giữa “đèn xanh” và “đèn đỏ” thì chuyện gì xảy ra.

Thiết nghĩ mọi người nên xây dựng thói quen “Văn hóa giao thông” để đảm bảo an toàn giao thông, coi như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh, lịch sự có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác khi xảy ra sự cố.

Hãy chung tay góp phần xây dựng một đất nước không có tai nạn giao thông! Cha mẹ hãy là tấm gương cho con về ý thức trong giao thông!

THANH MAI