Hãy bảo vệ đôi mắt trẻ!

Cập nhật, 14:20, Thứ Tư, 20/07/2016 (GMT+7)

Người đời vẫn thường hay ví đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nhưng cửa sổ ấy đang có nguy cơ bị khép dần lại- nhất là đối với trẻ em do sự tác động của những yếu tố khách quan là vô số phương tiện truyền thông hiện đại và cả sự chủ quan, lơ là của những bậc làm cha mẹ.

Cuối tuần vừa qua, tôi tranh thủ sắp xếp mọi việc về quê thăm gia đình. Thấy tôi về, cả nhà ai cũng mừng ra mặt, nhất là thằng nhóc 8 tuổi- con của anh Hai tôi.

Cu cậu cười tít mắt vì được tôi cho mượn chiếc iPad tha hồ chụp lại khoảnh khắc đoàn viên này. Cả nhà rôm rả trò chuyện, hỏi thăm nhau nên không để ý đến thằng bé.

Còn tôi thì cứ đinh ninh rằng cu cậu không rành sử dụng máy, vả lại trong máy cũng không có game gì bạo lực nên cứ để bé tha hồ “vọc”.

Đến giờ cơm, tôi đi tìm cu cậu thì phát hiện bé đang nằm sấp trước hàng ba nhà, mặt cúi gầm, mắt dán vào màn hình chơi game kim cương. Tôi rón rén lại gần quan sát thì thấy cháu lướt máy có vẻ điêu luyện lắm.

Chắc bé cũng thường xuyên được sử dụng điện thoại của ba mẹ như thế này. Tôi thầm lo: Về lâu dài, nếu cha mẹ bé không chú ý thì nguy ngại cho mắt bé quá!

Đây không phải là vấn đề của riêng cháu tôi mà là tình hình chung trong thời buổi khoa học kỹ thuật hiện đại. Không phủ nhận những tiện ích của thiết bị công nghệ đã dần làm thay đổi cuộc sống của con người: nhanh chóng, tiện lợi và có thể sử dụng ở mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng những thiết bị này sẽ tác động tiêu cực và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người- đặc biệt là trẻ em mà trước hết là ở đôi mắt. Việc tiếp xúc thường xuyên với màn hình thiết bị điện tử, trẻ sẽ mắc tật khúc xạ.

Ở lứa tuổi ngây thơ, các bé chưa ý thức được tác hại của thiết bị điện tử. Trẻ nào cũng vậy, khi được trao chiếc điện thoại, iPad hay laptop,... thì vô cùng thích thú, chăm chú xem với cặp mắt càng lúc càng gần và sát màn hình mới chịu. Hơn thế nữa, tư thế xem là đủ kiểu: từ ngồi khòm người cho đến nghiêng đầu rồi chuyển sang cả nằm sấp, nằm ngửa...

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mắt mà còn cản trở sự phát triển trí não và cả vẻ đẹp ngoại hình của bé. Đã có rất nhiều lời cảnh báo được đưa ra nhưng các bậc cha mẹ vẫn phớt lờ tất cả, thường xuyên cho trẻ xem tivi, nghịch điện thoại để dỗ trẻ ăn hoặc để mặc bé chơi trong khi cha mẹ làm việc khác...

Ta cần dạy trẻ biết và thành thạo về công nghệ nhằm tăng tri thức và hiểu biết xã hội. Tuy nhiên, khi trẻ còn nhỏ việc hạn chế tiếp xúc với các thiết bị này sẽ khiến cuộc sống của trẻ nhiều thú vị hơn.

Nên hướng trẻ đến với những môn thể thao, những trò chơi vận động vừa thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, phù hợp lứa tuổi nhưng cũng góp phần rèn thể chất và phát triển trí tuệ như: Vẽ tranh, tô màu, hát múa, bơi lội, đá banh...

Đặc biệt, lúc ở nhà chăm con cha mẹ nên để điện thoại hay các thiết bị điện tử ở xa. Hạn chế sử dụng các thiết bị này, nếu bắt buộc phải làm việc với máy tính, hãy vào phòng riêng hoặc đi ra chỗ khác.

Cha mẹ nên giải thích cho con về tác hại của việc “nghiện” các thiết bị điện tử và tại sao nên tránh xa nó. Hãy hình thành nếp nghĩ và thói quen bổ ích để bảo vệ chính con của chúng ta!

DIỄM KIỀU