Phòng chống chết đuối ở trẻ em mùa nắng nóng

Cập nhật, 09:24, Thứ Tư, 20/04/2016 (GMT+7)

Lại thêm nhiều vụ chết đuối thương tâm xảy ra trong những ngày qua- đặc biệt là vụ chết đuối tập thể Quảng Ngãi làm 9 học sinh tử vong hôm 15/4.

Đó chỉ là 1 trên 7.000 trẻ em bị chết đuối nước mỗi năm tại Việt Nam theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). So với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần.

Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6%, chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%.

Đặc biệt số vụ tai nạn chết đuối tăng nhanh trong dịp nghỉ lễ, tết, mùa hè nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Nguyên nhân từ đâu?

Trước tiên phải nói đến tính hiếu động của các học sinh luôn tinh nghịch, muốn khám phá tìm tòi cái mới, luôn có tâm lý muốn tự chủ, muốn làm người lớn nên không tuân thủ sự quản lý, răn đe của người lớn.

Song song đó, do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại trong điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kinh rạch chằng chịt trong khi đây là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ.

Không chỉ sông, suối, ao, mương là tác nhân gây ra chết đuối mà ngay cả những vật liệu chứa nước trong nhà như lu, mái, xô, chậu cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn chết đuối rất đau lòng.

Một tình trạng khác cũng thường xảy ra là nhiều gia đình mưu sinh bằng việc kinh doanh mua bán trên sông rạch quanh năm nhưng thiếu biện pháp trông coi, bảo vệ con em mình để chúng rơi xuống sông rạch dẫn đến tử vong.

Cạnh đó nhiều hố sâu từ các công trình đang thi công không được che chắn an toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến một số tai nạn chết đuối. Một số trẻ em phải mưu sinh trên sông nước để tiếp giúp kinh tế gia đình dù bản thân không biết bơi.

Nhìn từ góc độ tấp huấn bơi lội, đa số các trường học thường không có điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện, đa phần trẻ em vùng sông nước biết bơi xuất phát từ sự tập luyện của các gia đinh vùng sông nước. Số còn lại “mù bơi” cũng đồng nghĩa là chết đuối đang cận kề bất kỳ lúc nào.

Hiện nay, thời tiết nóng bức hơn bao giờ hết, vì vậy có rất nhiều trẻ em “giải nhiệt” bằng cách rủ nhau tắm sông, rạch, kinh, mương.

Để hạn chế những hiểm họa chết đuối, ngoài việc thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong học đường lẫn trên các hệ thống truyền thông để nâng cao tinh thần cảnh giác chung, nhà trường và gia đình cần quan tâm hơn đến việc đi lại, vui chơi, giải trí của con em thật chặt chẽ để tránh những tai nạn chết đuối xảy ra.

PHƯƠNG ANH