Hiện tượng cư xử thiếu văn hóa trong gia đình

Cập nhật, 11:01, Thứ Năm, 07/04/2016 (GMT+7)

Trong lúc giao tiếp ngoài xã hội được hầu hết mọi người coi trọng và luôn chú ý giữ gìn từng cử chỉ, lời nói, thì quan hệ trong gia đình nhiều khi lại chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến biết bao hậu quả đau buồn. Trong đó, lỗi lầm trước hết thuộc về phía người lớn!

Thường thấy nhất là hễ con không chăm học, điểm kém, sút hạng, làm đổ vỡ, hư hỏng đồ đạc, không vâng lời dạy bảo... thì cha mẹ oang oang quát mắng cho hả cơn giận bằng những từ ngữ như “đồ ngu”, “con quỷ”, “dốt như bò”... hay khi cha mẹ làm việc nặng nhọc, mệt mỏi hoặc bực tức điều gì đó thì lại cứ tuôn ra những lời nói cộc cằn, thô thiển.

Họ không ý thức được đó là hành vi thiếu văn hóa trong đối xử với con cái. Rồi khi các con văng tục, chửi thề, đánh bạn, chọc phá người khác thì cha mẹ cho là “hỗn”, là “vô lễ”, “mất dạy”... mà không thấy trách nhiệm của mình trong việc khuyên răn giáo dục.

Trong quan hệ vợ chồng, khi có chuyện không hài lòng thì xưng hô “mày”, “tao” nặng lời thóa mạ, chỉ trích nhau, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay trước mặt con cái. Họ không hiểu rằng điều đó sẽ để lại ấn tượng rất xấu, rất có hại gieo vào trong lòng con trẻ.

Trong một gia đình, trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ chưa được hưởng đầy đủ quyền đi học và quyền đi chơi.

Hơn nữa, có những em còn phải lao động sớm (phổ biến là trong những gia đình đông con, nghèo khổ). Và hiện nay, cũng đang còn không ít phụ nữ bị chồng ngược đãi.

Cùng đi làm về một lúc, nhưng anh chồng thì thảnh thơi nghe nhạc, đọc báo, “bói bài”...

Còn cô vợ thì hối hả luôn chân luôn tay nấu cơm, giặt đồ, cho con bú, quét dọn... Vì sao người chồng lại không đỡ đần, chia sẻ với vợ? Quả là điều hết sức bất công!

Có những đấng phu quân còn giục vợ “làm một đĩa gì” cho ông ta ngồi nhâm nhi! Nếu người vợ không kịp thời đáp ứng sẽ bị quát nạt, chửi mắng. Không ít trường hợp còn bị đánh đập một cách tàn nhẫn.

Vậy mà, những hành vi không văn hóa ấy, ở nhiều nơi vẫn chưa được phê phán đúng mức. Và, ngoài bản thân người vợ, con trẻ cũng là nạn nhân của những hành động tồi tệ đó!

Những đứa trẻ sống trong gia đình như vậy hoặc là trở nên thụ động, nhút nhát, hoặc là hung dữ, phản ứng thái quá trước người khác. Khi lớn lên, chúng rất dễ lặp lại cách cư xử thô bạo với những người xung quanh như chúng đã từng nhìn thấy ở cha mẹ.

Gia đình là tế bào của xã hội. Trẻ em có quan hệ gắn bó, mật thiết với các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, cha mẹ phải là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho tương lai con trẻ.

Sự đối xử của cha mẹ với con cái, cách cư xử trong quan hệ vợ chồng, giữa cha mẹ với ông bà, tộc họ, bà con hàng xóm sẽ tác động mạnh mẽ đến việc hình thành nhân cách của con em mình.

Sự tác động đó diễn ra theo hướng có lợi hay hại tùy theo hành vi của người lớn là có văn hóa hay không có văn hóa!

Do đó, cha mẹ và người lớn trong gia đình phải là một tấm gương mẫu mực về mọi mặt đối với con cái, nhất là trong lối sống và cách ứng xử.

NGỌC ĐA