Thời tiết thay đổi, trẻ mắc bệnh tăng

Cập nhật, 11:18, Thứ Tư, 21/10/2020 (GMT+7)
Trẻ em khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long.
Trẻ em khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long.

Những ngày qua, lượng bệnh nhi đến khám điều trị bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long không ngừng gia tăng. Nguyên nhân được cho là do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại siêu vi, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong khi đó, cơ thể trẻ chưa kịp thích nghi và sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh.

Mưa nhiều, gia tăng trẻ bị viêm đường hô hấp

Theo các bác sĩ, khi thời tiết mưa nhiều chuyển từ nóng sang lạnh, trẻ em có hệ miễn dịch non nớt, cơ thể chưa kịp thích nghi nên rất dễ mắc bệnh, dễ bị nhiễm bệnh đường hô hấp. Song, không ít ba mẹ vẫn còn khá chủ quan. Sau nhiều ngày tự mua thuốc cho con uống mà không thuyên giảm, nhiều phụ huynh mới đưa con mình tới bệnh viện.

Tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, lượng bệnh nhi đến khám điều trị bệnh đã tăng đột biến trong những ngày qua. Trung bình mỗi ngày khu khám ngoại trú tiếp nhận hơn 200 bệnh nhi và nội trú gần 100 bệnh tăng gấp 3- 4 lần so với tháng trước. Chị Mai Thị Hồng Xuân (phường Trường An- TP- Vĩnh Long) cho biết: “Đón con ở nhà trẻ về là thấy con hơi “sò”, rờ trán thấy hầm hầm, tối ho và sốt cao. Tôi cho uống thuốc hạ sốt liền, sáng hôm sau uống vẫn còn sốt nên chiều đi khám ở bệnh viện liền cho chắc”.

Có con gái 2 tuổi bị sốt ho, được chẩn đoán viêm hô hấp nằm điều trị ở Khoa Nhi, chị Nguyễn Ngọc Hân (Phường 8- TP Vĩnh Long) xoa xoa bàn tay bé xíu của con: “Sổ mũi miết hà, con bệnh có mấy bữa mà “sò” luôn”.

Theo bác sĩ điều trị, phần lớn trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa như viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tiêu hóa, bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết. Các bệnh thường gặp này ở trẻ sẽ khỏi sau 5 đến 7 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc tốt thì nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm rất cao.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi (Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long) cho biết: “Đa số những bệnh lý trong mùa này sẽ tự giới hạn, song cần lưu ý không phải bệnh nào cũng giới hạn mà có những bệnh diễn tiến nặng.

Như bệnh đường hô hấp thông thường bệnh sẽ giới hạn trong 7 ngày nhưng những ngày đầu bệnh nhi sốt rất là cao trẻ có thể có biến chứng co giật do sốt hoặc có biến chứng nặng hơn như suy hô hấp. Bệnh lý tiêu hóa ngoài sốt, ói, tiêu chảy, trẻ có thể có tình trạng mất nước, rối loạn điện giải hoặc nhiễm trùng huyết”.

Phòng bệnh cho trẻ

Theo các chuyên gia y tế, do trẻ có sức đề kháng yếu và cơ thể chưa kịp thích nghi nên rất dễ mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa hay mưa nắng bất thường.

Các căn bệnh về đường hô hấp ở trẻ dù không quá nghiêm trọng nhưng nếu để kéo dài mà không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến các biến chứng nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau này.

Song, các căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách. Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Tuyết Mai cho biết: “Các biểu hiện có thể tiên lượng nặng ở trẻ như trẻ đang bình thường có sốt cao, sốt cao liên tục hoặc là bứt rứt khó thở ăn uống ít, nôn ói nhiều lần đến ngay cơ sở y tế, mình không nên tự ý điều trị tại nhà. Phụ huynh không nên vì trẻ sốt cao liên tục mà lo lắng cho uống thuốc không đúng liều lượng cũng như khoản cách về thời gian ảnh hưởng lớn đến trẻ và nguy cơ ngộ độc thuốc cao”.

Dự đoán của ngành y tế, thời gian tới, có thể số lượng bệnh nhi nhập viện sẽ tiếp tục tăng lên do thời tiết mưa nhiều. Do đó, phụ huynh cần có các biện pháp phòng tránh cho trẻ như giữ ấm cơ thể trẻ vào ban đêm, cho trẻ uống nước ấm, vệ sinh mũi, họng cho trẻ thường xuyên, cho trẻ ngủ đủ giấc.

Đối với trẻ nhỏ thì nên duy trì cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cần hợp lý, cung cấp nhiều rau xanh, vitamin như nước trái cây để trẻ đủ sức đề kháng chống lại sự thâm nhập của siêu vi, vi khuẩn vào cơ thể trẻ. Nên giữ gìn và tạo cho trẻ có thói quen vệ sinh sạch sẽ.

Bên cạnh giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh, nhà cửa phải giữ vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Không nên cho trẻ đến những nơi quá đông người vì dễ lây bệnh. Tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh, ngoài ra khi ra đường nên mang khẩu trang cho trẻ. Và cách tốt nhất là tiêm ngừa vắc xin đầy đủ và đúng theo lịch.

Theo ngành y tế, với các bệnh lý khác, tuy không có đột biến về số ca mắc nhưng rải rác vẫn còn những ca bệnh nặng nên người dân cần hết sức lưu ý và chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Điển hình là bệnh sốt xuất huyết khi đang vào mùa mưa, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10-11. Các chuyên gia y tế vẫn luôn cảnh báo mọi người nên không nên chủ quan lơ là mà cẩn trọng với bệnh sốt xuất huyết.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN